(Báo Quảng Ngãi)- Chưa bao giờ tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm lại gia tăng như hiện nay gây thiệt hại về kinh tế, sức khỏe của người tiêu dùng. Mặc dù không phải là tâm điểm của thị trường thực phẩm "bẩn", song những gì đã, đang và sẽ diễn ra mỗi ngày đang gióng lên hồi chuông cảnh báo, đòi hỏi ngành chức năng phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Chà bông chỉ 80.000 đồng/kg
Những ngày qua, cả nước râm ran chuyện chà bông được làm từ thịt heo thối, thịt gà chết, khiến nhiều người tiêu dùng hoang mang. Để giúp người tiêu dùng có thêm thông tin về sản phẩm chà bông bán tại thị trường Quảng Ngãi, trong vai một người mua hàng, chúng tôi đã "mục sở thị" thị trường chà bông.
Vào chợ tạm Quảng Ngãi, ghé lại sạp hàng khô Mười Lực hỏi mua chà bông. Bà chủ sạp hàng đon đả giới thiệu rất nhiều loại chà bông đựng trong lọ thủy tinh, gói trong bao nilong. Theo bà chủ này, các loại chà bông của sạp được làm bằng thịt, thơm ngon, giá cả rẻ, thích hợp cho việc kiếm lời cao khi bán bánh mì. Giá mỗi ký chà bông từ 80.000 - 90.000 đồng. Loại "cao cấp" giá bán lẻ cũng chỉ 110.000 đồng, còn mua nhiều thì chỉ 100.000 đồng/kg.
Những loại chà bông bán tại sạp hàng Mười Lực có màu trắng ngà, khác với chà bông gia đình tự chế biến. Trọng lượng cũng nặng khác thường. Bà chủ sạp cho biết, hàng còn rất nhiều dưới kho, đều là hàng mới nhập về. Mỗi bọc trọng lượng 5kg, nếu mua 10kg thì được giảm 50.000 đồng. Bà chủ sạp đưa ra một bịch chà bông có "lô gô", rồi bảo "hàng có xuất xứ chứ không phải hàng lậu!". Nói là bảng ghi thông tin xuất xứ hàng hóa, nhưng thực ra chỉ có vỏn vẹn mấy dòng chữ cẩu thả, không rõ ràng: "Chà bông Tuấn Hạnh - Ngon - Gia vị: Thịt, đường, muối, bột ngọt; Mã số 41W8022097".
Chà bông "cao cấp" bày bán tại chợ tạm TP.Quảng Ngãi giá 110.000 đồng/kg. |
Hiện tại thịt làm chà bông có giá 90.000 đồng/kg. Để làm ra 1kg chà bông phải dùng 2kg thịt, nhưng sao giá chà bông chỉ 80.000 đồng/kg? Bà chủ sạp hàng giải thích: "Chà bông này họ làm bằng dây chuyền công nghiệp; nguyên liệu cũng chăn nuôi bằng công nghiệp nên... giá thành chế biến ra chà bông rẻ". Bà chủ sạp còn "tư vấn" thêm, chà bông này chuyên bỏ sỉ cho các xe bán bánh mì. Nếu mua về nhà dùng thì nên mua loại "chà bông cao cấp" giá 110.000 đồng/kg!
Trái cây Trung Quốc mang nhãn mác Việt Nam
Trên thị trường Quảng Ngãi, các loại trái cây có nguồn gốc từ Trung Quốc nghi có tẩm hóa chất để giữ cho tươi lâu, màu sắc đẹp mắt được bày bán đang ngày một nhiều. Bằng mắt thường, người tiêu dùng rất khó phân biệt loại quả đó xuất phát từ đâu và có bảo quản bằng hóa chất độc hại hay không. Thậm chí ngay cả các cơ quan chức năng cũng thừa nhận tình trạng trái cây Trung Quốc nghi chứa hóa chất độc hại đã nhiều lần được lấy mẫu để kiểm tra, nhưng hầu như không phát hiện được gì vì không đủ phương tiện để truy tìm tận gốc những loại hóa chất đó.
Nguyên nhân khiến trái cây Trung Quốc ồ ạt tràn vào Việt Nam, trong đó có một lượng không nhỏ "chảy" về Quảng Ngãi, đó là do việc nhập loại mặt hàng này có nhiều ưu đãi. Cụ thể, theo quy định từ năm 2012, thuế nhập khẩu trái cây từ Trung Quốc hạ lãi suất bằng 0%. Bằng con đường "chính ngạch" trái cây Trung Quốc qua cửa khẩu với việc kiểm soát chất lượng chưa chặt chẽ đã "lấn sân" trái cây nội địa. Đó là chưa kể con đường nhập "tiểu ngạch" không qua kiểm soát của cơ quan chức năng, trái cây Trung Quốc vào thị trường Việt Nam sau đó được gán nhãn mác là "trái cây Nam Bộ, trái cây Đà Lạt", thậm chí còn biến thành trái cây của Mỹ, Úc.
Một thực tế hiện nay, cứ trái cây Trung Quốc về đến Việt Nam là đi thẳng vào thị trường tiêu dùng như các chợ, quầy sạp mà không cần phải qua kiểm soát chất lượng của bất kỳ cơ quan nào.
Tại chợ đầu mối nông sản tại phường Chánh Lộ (TP. Quảng Ngãi) lúc rạng sáng, những chiếc xe tải chở trái cây bắt đầu xuống hàng. Những thùng xốp trắng với những hàng chữ Trung Quốc in ngay trên miếng keo dán được giao cho các tiểu thương đưa lên xe về chợ bán lẻ. Và có một điều chắc chắn rằng, các tiểu thương sẽ nhanh chóng đưa trái cây từ thùng xốp lên quầy kệ và giới thiệu "trái cây ở mình" để bán cho người tiêu dùng. Không chỉ có mặt ở các chợ lớn mà tận trên miền núi xa xôi hẻo lánh, trái cây Trung Quốc theo chân những "chợ di động" đến tận thôn làng.
Thực phẩm "bẩn" nguy hại là thế, song cơ quan chức năng của tỉnh dường như chưa có biện pháp hữu hiệu phát hiện, ngăn chặn, xử lý bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đó cũng là cách bảo vệ những doanh nghiệp làm ăn chân chính, tạo công bằng, lành mạnh môi trường kinh doanh, góp phần bảo vệ hàng Việt Nam chất lượng đứng vững trên thị trường.
Bài, ảnh: THANH NHỊ