Kiểm soát thực phẩm: Phải an toàn từ gốc

09:04, 23/04/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Trong lúc người dân đề cao cảnh giác với thực phẩm bẩn, thì nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh vẫn còn lơ là, không tuân thủ điều kiện đảm bảo ATVSTP trong khâu chế biến, bảo quản. Từ đây, những sản phẩm không đảm bảo chất lượng vẫn có “cơ hội” đến tay người tiêu dùng.
Măng tươi, dưa chua “sạch” nhưng… không sạch
 
Những ngày qua, dư luận đang băn khoăn đặt nghi vấn rằng, liệu có tồn tại măng tươi, dưa cải chua chứa chất vàng ô trên thị trường Quảng Ngãi. Để có câu trả lời, chúng tôi đã có dịp mục sở thị một số cơ sở sản xuất, chế biến măng tươi, dưa cải chua trên địa bàn TP. Quảng Ngãi.
 
Qua kiểm tra ban đầu, thông tin đáng mừng đến người tiêu dùng Quảng Ngãi là “Khả năng các sản phẩm này chứa chất vàng ô là rất thấp. Vì sản phẩm chứa hóa chất độc hại này có màu vàng rất đặc trưng. Khi cầm măng vò trên bàn tay thì tôi không phát hiện có màu vàng của chất này bám vào tay. Tuy nhiên, để khẳng định chắc chắn, chúng tôi đã lấy mẫu gửi đi xét nghiệm và sớm công bố kết quả cuối cùng”- ông Nguyễn Văn Oai- Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP nhận định, sau khi đi kiểm tra một số đại lý sản xuất loại thực phẩm này.

 

Những thùng nhựa chứa măng tươi được chủ cơ sở sản xuất để lộ thiên
Những thùng nhựa chứa măng tươi được chủ cơ sở sản xuất để lộ thiên.
 
Trước khi thở phào với thông tin măng tươi, dưa chua “sạch” hóa chất, phóng viên đã tận mắt chứng kiến quy trình sản xuất mặt hàng này với điều kiện vệ sinh không được đảm bảo. Tại cơ sở sản xuất măng của ông Trần Văn Thành ở tổ 11, phường Nghĩa Chánh, TP. Quảng Ngãi, măng tươi được muối trong các thùng nhựa lớn, để lộ thiên ngoài trời. Nhiều lá cây khô, bụi bẩn tha hồ rơi rớt vào các thùng này. Khu vực để thực phẩm không được vệ sinh thường xuyên nên nền nhà đen, bẩn.
 
“Măng được tôi nhập về từ Gia Lai. Lúc này tôi chỉ phân loại sản phẩm, cho nước muối ngâm và bán tại chợ đầu mối Quảng Ngãi, không hề cho thêm hóa chất hay phẩm màu gì. Do chưa có điều kiện kinh tế nên tôi chưa thể đầu tư một khuôn viên sản xuất đảm bảo điều kiện ATVSTP”- ông Thành, chủ cơ sở giãi bày.
 
Ngay cạnh cơ sở của ông Thành, cơ sở sản xuất măng tươi, dưa cải chua của ông Trần Văn Hà cũng không khá hơn là mấy. Mùi chua nồng đặc trưng lan rộng ra khắp khu dân cư xung quanh. Bởi, quy trình ngâm muối chua loại thực phẩm này không hề được khép kín, các âu, thùng không được chủ cơ sở che đậy cẩn thận.

 

Môi trường sản xuất không đảm bảo điều kiện VSATTP
Môi trường sản xuất không đảm bảo điều kiện VSATTP
 
Dưa chua, măng tươi qua kiểm tra ban đầu chưa phát hiện hóa chất độc hại, thế nhưng, khâu sản xuất, bảo quản lại không sạch. Mỗi ngày, hai cơ sở trên cung cấp cho thị trường Quảng Ngãi khoảng 100-150 kg măng, dưa với giá 15 nghìn đồng/kg. Không ai có thể chắc chắn rằng, sức khỏe người tiêu dùng khi trực tiếp mua và sử dụng những sản phẩm này sẽ không bị ảnh hưởng gì.
 
“Khâu sơ chế như vậy không đảm bảo ATVSTP, chúng tôi sẽ mời chủ cơ sở sản xuất lên làm việc và hướng dẫn lại các quy trình đảm bảo. Nếu còn sai phạm, chúng tôi sẽ xử lý”- ông Oai cho biết.
 
 Lơi lỏng kiểm soát nguyên liệu đầu vào
 
Ngoài việc kiểm tra một số cơ sở chế biến măng, dưa chua, đoàn kiểm tra liên ngành ATTP cũng đã đến một số cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, hải sản và phát hiện không ít sai phạm. Công ty TNHH thương mại Thiên Long là cơ sở ký hợp đồng cung cấp rau, nguyên liệu thực phẩm cho nhiều bếp ăn tập thể của các công ty lớn như: Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Công ty Doosan Vina, PV Building, Công ty thép Quảng Liên… Mỗi ngày, công ty Thiên Long phải vận chuyển khoảng 100-200kg thịt các loại, 300-400kg rau, 100kg trái cây... cho các nơi này để phục vụ bữa ăn trưa cho hơn 5.000 công nhân.
 
Để kiểm soát nguồn thực phẩm, các bếp ăn tập thể này đều yêu cầu Công ty Thiên Long trình giấy kiểm dịch đối với mặt hàng thịt tươi sống mỗi ngày. Tuy nhiên, đối với nguồn nguyên liệu là rau tươi thì lại không thể kiểm soát chất lượng. Ông Võ Tấn Long- Giám đốc Công ty TNHH thương mại Thiên Long cho biết: Với thịt, trái cây, chúng tôi ký hợp đồng với cơ sở sản xuất uy tín để nhập về và chuyển hàng cho các bếp ăn tập thể tại KKT Dung Quất. Còn rau thì công ty ký hợp đồng với HTX rau Nghĩa Dũng được trồng theo tiêu chuẩn VietGap.
 
“Nhu cầu rau mỗi ngày lên đến 100-200kg nên HTX Nghĩa Dũng cũng không thể cung ứng đủ. Chúng tôi đành phải lấy thêm rau từ chợ, hoặc các cơ sở sản xuất rau khác. Chúng tôi cũng đến tận nơi sản xuất rau và đánh giá qua mắt thường chứ không dám chắc là họ sản xuất và thu hoạch đúng quy chuẩn là “rau sạch”.”- ông Long thừa nhận.

 

Khâu chế biến và bảo quản hải sản tại Công ty Phương Thảo
Khâu chế biến và bảo quản hải sản tại Công ty Phương Thảo
 
Còn tại Công ty TNHH thủy sản Phương Thảo, mỗi ngày có khoảng 20-25 tấn cá các loại được sơ chế và vận chuyển đi tiêu thụ ở các tỉnh Nha Trang, TP.HCM… Phía công ty đã cam kết chế biến, bảo quản theo quy định về điều kiện ATVSTP. Tuy nhiên, trên thực tế, nguồn nguyên liệu đầu vào được quản lý còn khá lơi lỏng.
 
Theo tìm hiểu của phóng viên, thủy sản được công ty Phương Thảo mua tận gốc từ các ghe, thuyền của ngư dân tại Cảng Sa Kỳ. “Trước khi nhập hàng, chúng tôi sẽ kiểm tra cảm quan xem cá có tươi hay ươn. Nếu cá tươi sẽ cho nhập, còn ươn thì sẽ bị trả về.”- Bà Võ Thị Kim Tuyến- cán bộ phụ trách ATTP của Công ty Phương Thảo nói về quy trình nhận biết chất lượng sản phẩm đầu vào.
 
Nhưng với cách kiểm tra cảm quan trên, mà không lấy mẫu xét nghiệm, test nhanh, thì đơn vị kinh doanh này sẽ không thể nào biết được, liệu thực phẩm đầu vào có chứa urê hay phoocmôn gây hại cho sức khỏe con người hay không. Và mỗi ngày, có đến 20-25 tấn cá không rõ chất lượng như vậy từ công ty được vận chuyển đi tiêu thụ trên thị trường.
 
Tình trạng các cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa coi trọng chất lượng nguyên liệu đầu vào, cũng như xem nhẹ khâu bảo quản thực phẩm, vẫn còn tiếp diễn. Để ngăn chặn những thực phẩm không đảm bảo chất lượng từ các cơ sở này “tuồng” vào thị trường, đoàn kiểm tra liên ngành ATTP tỉnh đang tiến hành đi kiểm tra và xử lý các trường hợp sai phạm. Hơn lúc nào hết, người tiêu dùng đang trông chờ vào động thái của lực lượng chức năng để họ có thể an tâm sử dụng các loại thực phẩm được đánh giá là “sạch” đúng nghĩa từ khâu sản xuất cho tới khi thành bữa ăn hàng ngày.
 
Bài, ảnh: Thanh Phương

.