Xử lý chất thải rắn y tế: Bài toán đã có lời giải

02:01, 19/01/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Lâu nay, vấn đề xử lý chất thải y tế tại các cơ sở y tế luôn là bài toán nan giải, nhất là tại các bệnh viện (BV) đang xử lý rác thải bằng công nghệ đốt. Tuy nhiên, mới đây Bộ Y tế, Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam đã thống nhất chọn Quảng Ngãi thí điểm mô hình xử lý rác thải y tế tập trung với công nghệ hiện đại. Đây là tín hiệu vui trong xử lý rác thải rắn y tế ở tỉnh ta.

TIN LIÊN QUAN

Hiệu quả từ công nghệ hấp

Là một trong những bệnh viện tuyến huyện có quy mô lớn ở phía nam của tỉnh, những năm gần đây, BV Đa khoa Đặng Thùy Trâm luôn có sự tín nhiệm của người dân. Mỗi ngày, đơn vị tiếp khoảng 500 lượt bệnh nhân đến khám nội, ngoại trú. Năm 2015, công suất giường bệnh đạt 109%. BV đã đưa nhiều thiết bị hiện đại vào khám và điều trị bệnh, như siêu âm màu Doupler, CT scanner, nội soi dạ dày - thực quản, xét nghiệm Elisa, hệ thống Monitoring trung tâm, thận nhân tạo... góp phần giảm tải cho các BV ở tuyến trên. Với số lượng bệnh nhân đông, nên lượng rác thải hàng ngày cũng tương đối lớn, trong khi BV chỉ xử lý rác thải y tế bằng công nghệ lò đốt còn lạc hậu, gây ảnh hưởng đến môi trường KDC xung quanh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên kiểm tra rác thải y tế sau khi được xử lý tại BVĐK Đặng Thùy Trâm.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên kiểm tra rác thải y tế sau khi được xử lý tại BVĐK Đặng Thùy Trâm.
Dự án đầu tư xây dựng khu xử lý rác thải rắn y tế nguy hại tập trung tại tỉnh Quảng Ngãi – sử dụng vốn vay của Ngân hàng thế giới được UBND tỉnh và Bộ Y tế thống nhất chọn xây dựng tại bãi chôn lấp rác thải Nghĩa Kỳ. Ngân hàng Thế giới WB tại Việt Nam thống nhất tài trợ vốn cho dự án với tổng mức đầu tư dự kiến gần 90 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn tài trợ của WB là trên 63 tỷ đồng, vốn đối ứng của tỉnh trên 26 tỷ đồng, vốn đối ứng của tỉnh được đầu tư hệ thống xử lý nước rỉ rác cho bãi chôn lấp Nghĩa Kỳ.           

Để giải quyết bất cập này, năm 2015, được sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới, Sở Y tế đã triển khai dự án xử lý chất thải rắn bằng công nghệ hấp ướt tiệt khuẩn, cắt nhỏ đầu tiên trên địa bàn tỉnh. Dự án đi vào hoạt động từ tháng 9.2015 và bước đầu đã mang lại những lợi ích thiết thực. Công nghệ này ưu việt hơn so với công nghệ xử lý rác thải bằng lò đốt, giảm thiểu được khói bụi, ô nhiễm môi trường và nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Mỗi ngày, xử lý khoảng 60-80kg rác thải nguy hại tại bệnh viện. Tất cả những rác thải nguy hại qua công nghệ này cho ra những rác thải thông thường. “Phương pháp mới này thuận lợi hơn nhiều. Chúng tôi có thể chủ động trong việc xử lý rác thải, không bị ô nhiễm do phải tập kết rác thải trong vài ngày... Công nghệ này không khói, không mùi, không độc hại, không ảnh hưởng đến nhân dân xung quanh”, ông Võ Thanh Tân - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đặng Thùy Trâm phấn khởi nói.
         
Tiến tới xử lý rác thải y tế tập trung

Cách đây 3 năm, BV Đa khoa tỉnh được Sở Y tế đầu tư lắp đặt 2 hệ thống lò đốt chất thải rắn y tế với kinh phí đầu tư hơn 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau 1 năm đi vào sử dụng thì công nghệ này phải ngưng hoạt động do phát sinh lượng khói, bụi làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Vì thế, BV ký hợp đồng xử lý rác thải y tế độc hại với Công ty CP Cơ điện Môi trường Lilama. Mỗi tháng, BV phải trả cho công ty này với số tiền khoảng từ 100-120 triệu đồng.

Hiện các BV trong tỉnh có 3.650 giường bệnh, dự kiến đến năm 2020 tăng lên 5.400 giường bệnh. Tổng lượng chất thải y tế nguy hại trong ngày là 735kg, dự kiến đến năm 2020 lên trên 900 kg/ngày. Một thực tế hiện nay là nhiều BV đặt lò đốt rác tại khu vực trung tâm của các huyện, tập trung đông dân cư nên ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người dân. Chính vì vậy, vấn đề cấp thiết là quy hoạch xây dựng khu xử lý rác tập trung và sử dụng công nghệ lò hấp để xử lý chất thải y tế nguy hại, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường vừa tiết kiệm chi phí cho các cơ sở y tế.

Dự án đầu tư tại tỉnh Quảng Ngãi theo thiết kế sẽ thu gom, xử lý rác thải y tế nguy hại của tất cả các BV trong tỉnh (trừ huyện đảo Lý Sơn và Bệnh viện Đa khoa Đặng Thuỳ Trâm- Đức Phổ). Theo tính toán, khi khu xử lý rác thải rắn y tế nguy hại tập trung tại tỉnh Quảng Ngãi vận hành, với chi phí được tính toán sẽ tiết kiệm khoảng 4,8 tỷ đồng/năm so với giá mà tỉnh phải trả cho đơn vị hợp đồng xử lý rác thải y tế nguy hại của các bệnh viện hiện nay.

Đây là dự án thí điểm đầu tiên trong cả nước về xử lý chất thải y tế nguy hại theo hướng tập trung tại Quảng Ngãi, từ đó Bộ Y tế nhân rộng ra cả nước.
          

Bài, ảnh:  KIM NGÂN

 


.