Bếp ăn của các trường học bán trú ở Tây Trà: Nỗi lo an toàn vệ sinh thực phẩm

09:12, 13/12/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Năm học 2015 – 2016, huyện Tây Trà có 6 đơn vị trường học công lập chuyển giao sang trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT). Với điều kiện cơ sở vật chất (CSVC) thiếu thốn, tạm bợ, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tại các bếp ăn bán trú đang là nỗi lo của ngành giáo dục huyện.

TIN LIÊN QUAN

“Phập phồng” nỗi lo mất ATVSTP

Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Trà Lãnh là một trong những đơn vị xây dựng mô hình bán trú đầu tiên và tương đối “khang trang” của huyện Tây Trà. Năm học này, trường có 482 học sinh (hầu hết là con em đồng bào dân tộc Cor), trong đó có 207 em được ăn ở bán trú. Tại đây, bếp ăn bán trú do nhà trường vận động xây dựng tạm cạnh dãy nhà vệ sinh. Nước thải sinh hoạt từ dãy nhà vệ sinh không có rãnh thoát nên ứ đọng ngay khu vực rửa thực phẩm. Nguồn nước dùng cho việc nấu ăn, sinh hoạt cũng là nước tự nhiên dẫn về từ suối, không qua lọc hay khử trùng. Mọi hoạt động chế biến, nấu nướng thực phẩm được các nhân viên cấp dưỡng làm ngay trên nền đất. Vào mùa mưa, khu vực nhà bếp càng ẩm ướt, nguy cơ mất ATVSTP là điều khó tránh khỏi.

Nước thải sinh hoạt từ khu nhà vệ sinh ứ đọng ngay khu vực rửa thực phẩm của bếp ăn bán trú Trường PTDTBT TH&THCS Trà Lãnh.
Nước thải sinh hoạt từ khu nhà vệ sinh ứ đọng ngay khu vực rửa thực phẩm của bếp ăn bán trú Trường PTDTBT TH&THCS Trà Lãnh.


Thầy Lê Văn Tư - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường ký hợp đồng với một tiểu thương quen để cung cấp thực phẩm. Tuy nhiên, họ không có cam kết rõ ràng về vấn đề ATVSTP. Việc lên thực đơn và kiểm tra chất lượng thực phẩm hằng ngày do một nhân viên y tế của trường thẩm định bằng mắt thường. Hiện trường có 3 nhân viên cấp dưỡng, nhưng chưa ai được đào tạo. Cũng theo thầy Tư, bản thân nhà trường luôn “phập phồng” nỗi lo ngộ độc thực phẩm với các em học sinh, nhưng vì kinh phí hạn hẹp nên đành chịu. Đây cũng là thực trạng chung của nhiều trường bán trú ở các huyện miền núi trong tỉnh.

Bài toán nan giải

Ông Phạm Sơn- Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tây Trà cho biết, trong 6 trường PTDTBT của huyện thì chỉ có duy nhất Trường PTDTBT Trà Khê đã xây dựng được bếp ăn và nhà ăn. Các trường còn lại đều dựng bếp tạm bợ, dụng cụ nhà bếp chắp vá, sơ sài… nhằm giải quyết nhu cầu nấu nướng trước mắt cho các em nên không thể đảm bảo các quy định về ATVSTP.

Không chỉ gặp khó về CSVC, việc tìm đầu mối cung cấp thực phẩm bảo đảm cho các trường PTDTBT cũng là bài toán nan giải. Theo quy định, mỗi học sinh bán trú được trợ cấp 15kg gạo và 460 nghìn đồng/tháng cho 3 bữa ăn trong  ngày. Với mức trợ cấp đó, mỗi bữa ăn của các em chỉ dao động từ 8-10 nghìn đồng. Vì vậy, nhà trường không thể tìm được doanh nghiệp có kiểm định chất lượng để cung ứng thực phẩm. Hiện nay, cả 6 trường PTDTBT trên địa bàn huyện đều phải mua thực phẩm từ những người chuyên bán hàng rong, không rõ nguồn thực phẩm được lấy từ đâu và có bảo đảm hay không.

Việc sử dụng nhân viên cấp dưỡng chưa qua đào tạo (chủ yếu là người địa phương) cũng có nguy cơ dẫn đến không đảm bảo ATVSTP. Theo quy định hiện nay, mỗi suất hợp đồng cấp dưỡng được chi trả 1 triệu đồng/tháng, từ kinh phí thường xuyên của nhà trường, khiến các trường PTDTBT rất khó thuê được người có chuyên môn. Để “giữ chân” và đảm bảo bữa ăn cho học sinh, nhiều trường đang phải “bóp bụng”, chi trả cao hơn quy định cho các cấp dưỡng. Đơn cử, tại Trường PTDTBT TH&THCS Trà Lãnh, nhà trường phải tích cóp từ trợ cấp hằng tháng của học sinh mới đủ chi trả mức lương 2,5 triệu đồng/tháng/người cho 3 cấp dưỡng.

Xây dựng mô hình bán trú trường học tại các huyện miền núi không chỉ nhằm đảm bảo tỷ lệ học sinh ra lớp mà còn góp phần cải thiện chế độ dinh dưỡng vốn nhiều thiếu thốn của học sinh các dân tộc thiểu số. Song, việc đảm bảo các tiêu chí ATVSTP là điều không thể xem nhẹ. Theo ông Phạm Sơn, để hạn chế những mối lo đó, Phòng đã phối hợp với Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Quảng Ngãi mở lớp đào tạo Trung cấp cấp dưỡng cho 65 nhân viên cấp dưỡng đang hợp đồng tại các trường. Đồng thời, Phòng sẽ tiếp tục xin kinh phí từ huyện để đầu tư CSVC, trong đó ưu tiên xây dựng các bếp ăn, nhà ăn đảm bảo quy định cho các trường PTDTBT.
 

Bài, ảnh: Hà Xuyên
 


.