Không chủ quan với dịch sốt xuất huyết

06:11, 21/11/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thời tiết mưa- nắng đan xen, khiến mật độ muỗi phát sinh nhiều gấp đôi, bệnh nhân sốt xuất huyết (SXH) cũng đã tăng nhiều, với hơn 1.240 ca. Tuy nhiên, không ít gia đình vẫn còn chủ quan với bệnh, tự ý điều trị tại nhà, khi nhập viện thì bệnh đã trở nặng, ảnh hưởng đến quá trình điều trị, bệnh dễ biến chứng, đe dọa sức khỏe người bệnh.

TIN LIÊN QUAN

Nguy hiểm khi tự điều trị

Nằm điều trị tại Khoa Nội Nhi nhiễm- BVĐK TP. Quảng Ngãi trong tình trạng sức khỏe yếu, bệnh nhân Lê Thiện Quốc Anh (16 tuổi) liên tục sốt. “Lúc đầu có triệu chứng sốt, lạnh trong người, kèm mệt mỏi, em nghĩ là cảm sốt thông thường, nên ra tiệm mua thuốc hạ sốt uống. Bệnh ngày càng trở nặng, lúc mệt quá, ngất xỉu gia đình đưa em vô đây nhập viện. Bác sĩ bảo em bị SXH”, em Anh kể lại. Còn em Tống Khánh Nguyên (12 tuổi), ở phường Trần Hưng Đạo cũng tương tự như em Anh, uống thuốc cảm gần 4 ngày, nhưng cơn sốt của em vẫn chưa hạ nhiệt dẫn đến phải chuyển cấp cứu  tại BVĐK thành phố.

 Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa thành phố Quảng Ngãi khám bệnh cho bệnh nhân SXH.
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa thành phố Quảng Ngãi khám bệnh cho bệnh nhân SXH.


Bác sĩ Phạm Thúy Ái- Trưởng Khoa Nội Nhi nhiễm- BVĐK TP.Quảng Ngãi cho biết: Hiện Khoa đang điều trị nội trú cho 20 bệnh nhân SXH, phần đông người bệnh đến đây diễn tiến ở độ 2, 3. Không ít người nhầm lẫn giữa SXH với các bệnh thông thường như cảm cúm, viêm họng hoặc do các bệnh mãn tính từ trước nên chủ quan điều trị ở nhà, hoặc đến cơ sở y tế không chuyên khoa điều trị. Nhất là lạm dụng chuyền nước, không có sự chỉ định của bác sĩ, gây nguy hiểm, dễ gây phù phổi, khó thở, sốc. Cùng với việc tự ý dùng thuốc kháng sinh, giảm đau cũng làm cho bệnh SXH nặng thêm.

 Còn tại Khoa Nhiệt đới- BVĐK tỉnh nhiều trường hợp SXH nặng phần lớn người bệnh nhập viện trong tình trạng khá muộn. Bác sĩ Lương Văn Tuấn- Phó phụ trách Khoa Nhiệt đới khuyến cáo “Những bệnh nhân bị SXH kèm bệnh mãn tính như tim mạch, hen, phế quản, các bệnh về dạ dày…phải đến bệnh viện kịp thời để tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, vì đây là đối tượng có nguy cơ biến chứng nặng. Khi trong gia đình có người nghi ngờ mắc SXH không nên tự ý điều trị theo phương pháp dân gian như cắt lể sẽ dễ gây chảy máu, nhiễm trùng”.

Không chủ quan

Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, thời điểm này số ca SXH đã tăng 1.240 ca, tăng gấp 9 lần so với cùng kỳ. Ngành y tế đã tập trung xử lý trên 50 ổ dịch nhỏ. Tuy nhiên, với diễn biến thời tiết như hiện nay, dự báo tình hình bệnh SXH còn diễn biến khá phức tạp. Ngoài triển khai các phương án phòng chống dịch của ngành chức năng, người dân cũng cần chủ động triển khai các biện pháp diệt lăng quăng tại gia đình để phòng bệnh. Theo ông Hồ Minh Nên- Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, nguyên nhân chính dẫn đến dịch SXH bùng phát và lây lan nhanh hiện nay là do điều kiện khí hậu diễn biến thất thường, sau mưa thường xuất hiện nắng nóng, tạo điều kiện cho muỗi mang mầm bệnh SXH sinh sản nhanh và gây bệnh. Bên cạnh đó, đa phần người dân còn có tâm lý chủ quan trong việc tự phòng, chống bệnh SXH.

Để đạt hiểu quả cao trong công tác phòng chống dịch SXH, ngoài ý thức chủ động của mỗi người dân thì chính quyền địa phương phải là đơn vị chủ công trong “cuộc chiến với loăng quăng”. Không phải đến khi có dịch mới vào cuộc, mà phải chủ động ngay từ đầu mùa.


 Bài, ảnh: KN


 


.