Ngăn chặn sốt xuất huyết bùng phát thành dịch

01:09, 03/09/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh hiện đang diễn biến phức tạp, với số ca mắc bệnh tăng cao. Ngành y tế và các địa phương đang triển khai nhiều giải pháp để ngăn chặn SXH bùng phát thành dịch.   
        
Dịch bệnh dễ bùng phát        
 
Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, tính đến đầu tháng 9.2015, toàn tỉnh ghi nhận 525 ca SXH. So với cùng kỳ năm 2014, số ca mắc SXH tăng gấp 6 lần. Điều đáng lo ngại là chỉ số véctơ truyền bệnh (muỗi) tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng cao. Các địa phương có số ca SXH tăng cao như: TP.Quảng Ngãi (155 ca), Bình Sơn (146 ca), Tư Nghĩa (70 ca), Nghĩa Hành( 63 ca)... Hiện tại, Quảng Ngãi đứng thứ 3 trong 11 tỉnh, thành khu vực miền Trung có số ca SXH nhiều nhất. Ông Phạm Đức Dũng- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh cho biết: Tình hình SXH dự báo có chiều hướng gia tăng, bởi năm nay đúng vào chu kỳ bệnh SXH bùng phát mạnh. Bên cạnh đó, thời tiết thay đổi thất thường càng làm dịch bệnh dễ bùng phát.

Cán bộ y tế xã Đức Lợi (Mộ Đức) đang tư vấn cho người dân về cách phòng chống bệnh sốt xuất huyết.
Cán bộ y tế xã Đức Lợi (Mộ Đức) đang tư vấn cho người dân về cách phòng chống bệnh sốt xuất huyết.


Trung bình mỗi ngày tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận từ 5-10 ca bệnh SXH. Dù không có ca bệnh nặng nào có các dấu hiệu cảnh báo như nôn, chảy máu, nhưng có nhiều trường hợp nhập viện muộn, sau 2-3 ngày phát hiện bệnh và điều trị ngoại trú. Bác sĩ Lương Văn Tuấn- Phó phụ trách Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “SXH là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm chưa có văcxin dự phòng, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Do vậy người bệnh không nên tự ý mua thuốc điều trị tại nhà. Nếu người bệnh có biểu hiện sốt cao đột ngột, kéo dài, đau khớp, da xung huyết, có thể có chấm xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam… nên đến ngay cơ sở y tế gần nhất để điều trị”.

Không nên lơ là, chủ quan  

 Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã xử lý gần 100 ổ dịch nhỏ tại các địa phương; phun hơn 700 lít hoá chất ở 18 xã trọng điểm và ở các ổ dịch nhỏ. Tại huyện Bình Sơn, bác sĩ Mai Văn Thanh- Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng huyện cho biết: “Một trong những nguyên nhân khiến tình hình SXH ở địa phương gia tăng là do một bộ phận người dân vẫn còn chủ quan với dịch bệnh. Nhiều hộ dân ở các vùng thường hay thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô đã tích trữ nước, nhưng không che đậy; một số xã gần khu kinh tế có nhiều ao, hồ… vô tình tạo điều kiện cho muỗi phát sinh gây bệnh”. Đến nay, huyện Bình Sơn đã nỗ lực khống chế 16 ổ dịch nhỏ, huy động toàn dân ra quân làm vệ sinh môi trường.

Còn tại TP.Quảng Ngãi, các xã, phường trên địa bàn cũng đã xử lý gần 40 ổ dịch nhỏ. Ngoài chủ động phun hóa chất, giám sát ca bệnh và xử lý kịp thời các ổ dịch, TP.Quảng Ngãi cũng đã lên kế hoạch tổ chức diệt bọ gậy trong toàn thành phố.

Điều đáng lo ngại là qua công tác giám sát, khoanh vùng ổ dịch và xét nghiệm vi rút, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh phát hiện nhiều type vi rút lưu hành cùng lúc gồm D1, D2 và D4. Theo khuyến cáo hiện nay, càng nhiều type virus thì mỗi người có khả năng mắc bệnh nhiều lần. Để khống chế bệnh dịch SXH, nếu chỉ dựa vào việc phun hóa chất khi có dịch thôi thì không hiệu quả và cũng không duy trì được lâu dài một khi bọ gậy vẫn còn. “Chủ động vệ sinh môi trường là yếu tố quyết định trong công tác phòng, chống dịch SXH. Phun hoá chất chủ động diệt muỗi chỉ giải quyết phần ngọn.

Mỗi người dân cần chung tay với ngành y tế diệt sạch lăng quăng trong và ngoài nhà mình trước khi phun hóa chất diệt muỗi, và duy trì hoạt động này hằng tuần sau đó. Đây mới là phương pháp diệt tận gốc và triệt để ngăn ngừa bệnh SXH”, bác sĩ  Phạm Đức Dũng- Phó giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh cho biết.
       

Bài, ảnh: KIM NGÂN
 


.