(Báo Quảng Ngãi)- Từng là địa phương có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên tăng cao, thế nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, Ba Tơ đã trở thành đơn vị tiêu biểu của tỉnh trong công tác DS-KHHGĐ.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Dân số huyện Ba Tơ có hơn 56 nghìn người, trong đó đồng bào dân tộc Hrê chiếm hơn 84%. 5 năm qua, công tác DS-KHHGĐ ở huyện Ba Tơ luôn được cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị cùng với nỗ lực của đội ngũ cán bộ làm công tác dân số đã góp phần mang lại sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn huyện. Cách đây hơn 5 năm, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên trên địa bàn huyện luôn ở mức trên 10%, đến nay giảm còn 4,8%; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên còn 1,04%; tỷ lệ các cặp vợ chồng thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại hằng năm luôn đạt trên 80%.
Ba Tơ đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng thông qua tuyên truyền trực quan, diễu hành cổ động chương trình DS-KHHGĐ. |
Ba Vinh là một trong những xã thực hiện chính sách DS-KHHGĐ đạt hiệu quả cao. Chị Đinh Thị Chương- cán bộ chuyên trách dân số xã cho biết, mỗi năm chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ từ 10-15 triệu đồng để triển khai các hoạt động nâng cao chất lượng dân số. Nhờ triển khai tốt hoạt động tuyên truyền, vận động nên giảm đáng kể tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên. Mô hình ít con được nhân rộng, nhiều gia đình có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế. Gia đình anh Phạm Văn Xưng, ở thôn Nước Sung là một điển hình. Mặc dù sinh con một bề là gái, nhưng vợ chồng anh quyết định không sinh thêm để chăm lo phát triển kinh tế gia đình, nuôi con khỏe, dạy con ngoan.
Ông Nguyễn Thanh Hướng-Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Ba Tơ cho biết: Để đạt được kết quả trên, huyện đã đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền thông qua sự phối hợp với các ngành, mặt trận, đoàn thể nhằm nâng cao ý thức người dân về công tác dân số. Triển khai nhân rộng phong trào khu dân cư, thôn, tổ dân phố không sinh con thứ 3 trở lên. Bên cạnh đó, huyện còn thực hiện có hiệu quả các mô hình nâng cao chất lượng dân số và kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh...
Đến nay, đề án giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh đã phủ khắp 20 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Ba Tơ cũng đã nhân rộng 20 mô hình câu lạc bộ phụ nữ không sinh con thứ 3 trở lên, với hơn 1.200 chị em tham gia sinh hoạt. Đặc biệt, từ một mô hình câu lạc bộ thôn không sinh con thứ 3 trở lên được xây dựng tại thôn Lệ Trinh, xã Ba Chùa, đến nay toàn huyện đã nhân rộng được 12 mô hình thôn không sinh con thứ 3 trở lên, thu hút hơn 800 cặp vợ chồng tham gia. Ba Tơ có 2 xã hai năm liền không có người sinh con thứ 3 trở lên; 32 thôn giữ vững kết quả không sinh con thứ 3 trở lên trong ba năm liền.
Chia sẻ về bài học kinh nghiệm trong thực hiện công tác DS-KHHGĐ, anh Nguyễn Thanh Hướng nhấn mạnh: "Sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành đoàn thể xã hội là nhân tố quan trọng để thực hiện thắng lợi chính sách DS-KHHGĐ". Trong thời gian đến, ngoài tranh thủ sự hỗ trợ kinh phí hoạt động từ Chương trình 30a, huyện Ba Tơ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, duy trì và nhân rộng các mô hình, đề án dân số trên địa bàn. Kết hợp chặt chẽ công tác DS-KHHGĐ và xây dựng gia đình với đẩy mạnh thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, nhằm duy trì mục tiêu giảm sinh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững.
Bài, ảnh: Trí Phong