Phòng, chống bệnh sốt rét thời điểm giao mùa

08:10, 08/10/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, cùng với bệnh sốt xuất huyết đang xuất hiện, thời tiết giao mùa cũng tạo nên nguy cơ gia tăng bệnh sốt rét, nhất là ở khu vực miền núi trong tỉnh.

TIN LIÊN QUAN

Theo thống kê của Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn, tình hình bệnh sốt rét đang diễn biến phức tạp. Trong 9 tháng năm 2015, toàn tỉnh ghi nhận 54 bệnh nhân sốt rét (Sơn Hà 14 ca, Ba Tơ 8 ca, Sơn Tây 7 ca…). Thời điểm này, dù số ca bệnh sốt rét tại tỉnh không tăng so với cùng kỳ, nhưng theo bác sĩ Lê Quang Hải - Giám đốc Trung tâm Phòng, chống sốt rét tỉnh thì điều kiện thời tiết thất thường như hiện nay, cùng với các tỉnh lân cận ở khu vực Tây Nguyên có số ca sốt rét tăng là những yếu tố nguy cơ dễ bùng phát dịch bệnh tại tỉnh ta, nếu người dân chủ quan. Hơn nữa, tỉnh ta có nhiều người lao động ở Tây Nguyên.

Lấy máu xét nghiệm sốt rét cho người dân xã Long Môn (Minh Long).
Lấy máu xét nghiệm sốt rét cho người dân xã Long Môn (Minh Long).

Trong thời gian qua, Trung tâm Phòng chống Sốt rét tỉnh và hệ thống trung tâm y tế dự phòng các huyện đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó tăng cường tập huấn cho y tế thôn về chẩn đoán, điều trị mới, sử dụng test chẩn đoán nhanh và kỹ năng truyền thông, tuyên truyền rộng rãi; cung cấp kịp thời vật tư, trang thiết bị chữa bệnh cho các cơ sở khám chữa bệnh.
 
 Bệnh sốt rét do ký sinh trùng sốt rét gây nên và là bệnh do muỗi Anophen truyền từ người bệnh sang người lành. Bệnh phát sinh nhiều ở các vùng rừng núi. Người mắc bệnh sốt rét thường xuyên bị thiếu máu, người gầy, da xanh, niêm mạc mắt nhợt. Đặc biệt, người mắc bệnh sốt rét không được điều trị sẽ trở thành sốt rét ác tính và dẫn đến tử vong. Ngoài ra, người bị bệnh sốt rét không được điều trị hoặc điều trị không đúng sẽ là nguồn bệnh dễ lây sang người khác làm cho nhiều người mắc bệnh, gây nên dịch sốt rét.
Từ 2014 đến nay, trung tâm đã cấp 50 nghìn chiếc màn tẩm hóa chất cho người dân vùng sốt rét. Số dân trên địa bàn tỉnh được bảo vệ bằng hóa chất diệt muỗi lên đến hơn 87 nghìn người. Trong năm 2015, Trung tâm cũng đã lấy máu nhiều người dân vùng có nguy cơ để tìm ký sinh trùng gây bệnh sốt rét.

Hiện nay, mật độ muỗi Anophen tại các huyện miền núi đang gia tăng, với 0,33 con/ giờ/người. Trong khi đó, công tác phòng chống sốt rét trên địa bàn tỉnh đang gặp không ít khó khăn. Một số địa phương, nhất là vùng miền núi, vùng sâu vẫn tồn tại ký sinh trùng sốt rét khá cao. Một số loại muỗi hiện nay kháng hóa chất và tình trạng kháng thuốc trong điều trị là thách thức không nhỏ trong công tác phòng chống bệnh. Nguồn nhân lực và trình độ của cán bộ y tế cơ sở vẫn còn nhiều hạn chế. Ý thức của người dân trong phòng chống và điều trị sốt rét chưa cao. Cùng với đó, kinh phí từ Chương trình mục tiêu bị cắt giảm hơn 40%, cũng gây khó khăn cho hoạt động truyền thông, phòng chống dịch bệnh trong cộng đồng.

Ngành y tế đặt mục tiêu, đến năm 2020 sẽ từng bước loại trừ bệnh sốt rét tại các huyện đồng bằng. Trước mắt từ nay đến cuối năm tập trung đẩy mạnh công tác giám sát, phát hiện sớm ca bệnh, xác định vùng có nguy cơ cao để tập trung phòng, chống không để bệnh phát sinh trong diện rộng. “Chúng tôi đang thành lập 10 điểm phòng chống sốt rét tại các vùng có nguy cơ. Theo đó, sẽ bố trí cán bộ y tế tăng cường giám sát tình hình bệnh trong cộng đồng, bệnh nhân tại các khu vực này được thử máu, điều trị miễn phí. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông để người dân nắm rõ tình hình bệnh để biết cách phòng, tránh”, bác sĩ Hải cho biết.

Cũng như bệnh sốt xuất huyết, hiện bệnh sốt rét chưa có vắc-xin phòng ngừa, do đó việc phòng, chống muỗi truyền bệnh vẫn được xem là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất. Mỗi người dân cần nâng cao ý thức phòng bệnh bằng cách thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh như khi ngủ phải nằm màn tẩm hóa chất; triển khai chiến dịch diệt loăng quăng… Khi phát hiện các dấu hiệu như sốt cao, rét run từng cơn... cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để chẩn đoán, xét nghiệm và điều trị kịp thời, không để lây lan bệnh ra cộng đồng.                       
                              

Bài, ảnh: KN


 


.