(Baoquangngai.vn)- Một ngày mới bắt đầu thường bằng tiếng la ó, đập phá ầm ĩ, tiếng hát nghêu ngao,… dẫu ngoài kia nắng đang lên, ánh bình minh rực sáng.
TIN LIÊN QUAN
Những mảnh đời đằng sau song cửa sắt
Men theo hành lang tới nơi bệnh nhân tâm thần đang nằm điều trị, bên kia song sắt, hàng chục con người tóc tai bù xù, ngây ngô, đi lại lửng thửng, thẫn thờ, cười rồi lại khóc, lại hát nghêu ngao.
Thấy tôi, một cô gái chừng 30 tuổi mặt mũi sáng sủa, hái một cành hoa tím cài lên mái tóc lăng xăng đến bên tôi tạo dáng đủ kiểu xin chụp vài kiểu ảnh. Tôi bấm lia lịa. Một bệnh nhân khác nhảy bổ tới đứng chen vào, họ kéo tôi đến hết nơi này rồi nơi khác chỉ để được chụp ảnh.
Thật ngạc nhiên vì bệnh nhân nữ 30 tuổi này nói năng lưu loát. Cô kể về cuộc sống của mình vanh vách thoạt trông không biết cô mắc bệnh, nhưng sau đó là những cử chỉ “ra oai ra quyền”. Cô gái này cho biết mình tên T, quê ở xã Nghĩa Điền, huyện Tư Nghĩa, mới vào đây được 3 ngày.
Mười lăm tuổi, khi đang là nữ sinh THPT, cái tuổi đẹp nhất của đời người, ngây thơ, hồn nhiên cô đã bị một cú sốc lớn trong cuộc đời khi bị chính người anh rể của mình hãm hiếp.
Vấp phải cú sốc tinh thần quá lớn, vì quá ám ánh, mặc cảm, cô phát bệnh đành phải nghỉ học. Nhiều năm sau cô mới có thể gượng dậy, theo học ở lớp bổ túc văn hóa, rồi học cao đẳng, rồi vào tận Bình Định để học võ.
Vì không vượt qua được những cú sốc lớn trong cuộc sống, nhiều người đã phải vào viện tâm thần. |
Dù tổn thương ấy đã qua 15 năm, nhưng hậu quả của nó đã và đang đeo bám T. Cuộc sống vẫn luôn tuyệt vọng vì bị tổn thương sâu sắc và kết quả là em phải vào trại tâm thần để điều trị một lần nữa. T bảo: “Em học võ để xử thằng đã hiếp mình”.
Gặp chị P ở xã Đức Chánh (Mộ Đức) đang nuôi em gái ở phòng bệnh gần đó, chị P nghẹn ngào nói: “Khổ lắm cháu ơi, em cô điên khùng, khi cơn nó lên nó đập phá, đốt sạch đồ đạt trong nhà. Nguyên nhân cũng tại thằng chồng của nó”.
Chị P cho biết, em chị sinh tới 4 đứa con gái, không sinh được con trai nên 10 năm nay, suốt ngày bị chồng đánh đập rồi ly hôn. Con cái theo cha, bỏ mẹ bơ vơ. Do phải trải qua một thời gian dài bị khủng hoảng và thường xuyên đau đầu trầm trọng, bi kịch đã xảy ra, chị trở thành một người điên thật sự!
Đó là những người tâm thần bị rối loạn, stress sau sang chấn tâm lý, bệnh khởi phát rất đột ngột. Và đa phần họ phát bệnh điên vì phải hứng chịu những cú sốc quá lớn của cuộc sống.
Mong được học võ
Hiện trên địa bàn tỉnh có 5.680 trường hợp ghi nhận bệnh tâm thần, trong đó có 4.785 bệnh nhân quản lý tại cộng đồng và Bệnh viện quản lý 895 bệnh nhân. Trung bình, mỗi ngày có khoảng 200 bệnh nhân đến khám và điều trị, nội trú khoảng 100 người.
Các bệnh lý tâm thần chủ yếu như tâm thần phân liệt hay các rối loạn cảm xúc lưỡng cực hiếm khi xuất hiện một cách đột ngột. Bên cạnh nguyên nhân di truyền thì đa phần họ phát bệnh vì phải hứng chịu những cú sốc quá lớn.
Y, bác sĩ luôn đối mặt với hiểm nguy khi điều trị cho người bệnh tâm thần. |
Không đủ bản lĩnh để vượt qua một khoảnh khắc căng thẳng trong cuộc sống, nhiều người đã phải sống trong một thế giới thẫn thờ, vô cảm, bơ phờ, nửa mê nửa tỉnh, không ý thức được hành vi của mình. Số lượng bệnh nhân tăng dần sau mỗi năm, đủ mọi lứa tuổi, thành phần.
Nhiều bệnh nhân gần như bị người nhà bỏ quên, chẳng buồn đón về, mặc dù bệnh của họ đã tiến triển bình phục, nhưng không được người nhà quan tâm, chăm sóc nên thời gian sau họ lại phải nhập viện trở lại.
Điều trị, chăm sóc cho người bệnh bình thường đã vất vả, chăm sóc, điều trị cho người bệnh tâm thần khó khăn, vất vả gấp chục lần. Với bệnh nhân tâm thần, yếu tố tâm lý đặc biệt quan trọng trong chữa trị cho người bệnh.
Đặc biệt, thời gian gần đây, không ít bác sĩ, điều dưỡng bị tấn công đã khiến nghề cứu người bỗng dưng trở thành nghề nguy hiểm thì nghề cứu người tâm thần lại càng hiểm nguy hơn biết bao lần.
Anh Nguyễn Thanh Quang Vũ- Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh tâm sự: “Chuyện sức đầu, mẻ tráng, à chuyện thường ngày, khổ nhất là gặp phải những bệnh nhân có võ, lúc ấy phải huy động cả mấy chục anh em lăn xả mới “thu phục” được”.
Và điều ngạc nhiên là bác sĩ Vũ mong muốn có ai đó giúp dạy võ cho đội ngũ y, bác sĩ của mình. Học võ không phải để đánh bệnh nhân, mà để tự vệ khi bị bệnh nhân tấn công, tạo dựng sự an tâm cho chính họ.
Bài, ảnh: Ái Kiều