Nhân ngày sức khỏe tâm thần thế giới 10.10:
"Hãy chung sống với người tâm thần phân liệt"

03:10, 09/10/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Người mắc chứng tâm thần phân liệt thường phải được điều trị lâu dài và bị nhiều gia đình xem là gánh nặng lớn. Do đó, ngày càng có nhiều người bị bệnh tâm thần bị chính người thân của mình bỏ rơi.
Vào khu điều trị nội trú của Bệnh viện tâm thần Quảng Ngãi, nghe chuyện đời của từng hoàn cảnh, ai cũng dấy lên cảm giác xót xa. Trong số 70 bệnh nhân bị rối loạn tâm thần phân liệt ở đây, đã hơn 25 người không có người thân đến chăm nom trong thời gian dài. Phần vì gia đình không đủ điều kiện để thăm nom thường xuyên, phần cũng vì nhiều người thân đã rũ bỏ trách nhiệm chăm lo cho bệnh nhân.
 
“Ở đây nhiều trường hợp bị chính người thân bỏ rơi lắm. Như hoàn cảnh của ông Hồ Văn Ch. ở huyện Trà Bồng là một ví dụ điển hình. Cả năm nay rồi, không hề có người thân đến thăm. Không phải vì gia đình khó khăn, mà vì họ nói, họ không có trách nhiệm nữa”- Điều dưỡng trưởng Tạ Thị Bích Ngọc chia sẻ về một trường hợp.

 

Các khâu từ ăn uống đến vệ sinh cá nhân của các bệnh nhân tâm thần phân liệt bị gia đình bỏ rơi đều được các nhân viên y tế chăm lo, giúp đỡ
Các khâu từ ăn uống đến vệ sinh cá nhân của các bệnh nhân tâm thần phân liệt bị gia đình bỏ rơi đều được các nhân viên y tế chăm lo, giúp đỡ
 
Quảng Ngãi hiện có gần 3.000 người bị tâm thần phân liệt có sổ quản lý, theo dõi và cấp phát thuốc chữa bệnh bởi hệ thống y tế cộng đồng. Phần lớn đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Đây là thách thức trong công tác điều trị cho bệnh nhân tâm thần, gia đình nhiều việc hay đi làm ăn xa trở nên lơ là việc cho bệnh nhân uống thuốc, uống thuốc không đúng liều… Còn nhiều bệnh nhân bệnh tình nặng hơn, thường xuyên bị kích động, đập phá, có khả năng giết người thì gia đình mới đưa vào viện điều trị nhưng không có thời gian và điều kiện chăm sóc.
 
Nhưng các y, bác sĩ và điều dưỡng nơi đây không thể bỏ mặc họ. Không có người thân, các khâu từ ăn uống đến vệ sinh cá nhân, đều được các nhân viên giúp đỡ nhiệt tình. “Vất vả hơn so với chăm sóc bệnh nhân thường. Mình phải theo dõi từng bệnh nhân để biết khi nào họ lên cơn. Rồi giúp đỡ họ không khác gì người nhà của mình cả”- Chị Phan Thị Ngọc Châu làm hộ lý tại Bệnh viện tâm thần đã 14 năm nay chia sẻ.
 
Chị Châu và nhiều anh chị điều dưỡng, hộ lý khác, đã quá quen với những việc làm nhỏ nhặt để chăm sóc cho bệnh nhân như: Cắt tóc, cạo râu, cắt móng tay, móng chân hay thậm chí là vệ sinh thân thể… “Lúc đầu vào làm thì thấy hơi sợ, vì không biết họ lên cơn lúc nào và có tấn công mình không. Nhưng riết rồi quen, ai vào đây cũng có những bất hạnh riêng hết nên tôi và anh chị em ở đây cũng cố hết mình để giúp các bệnh nhân”- Chị Châu kể về công việc của mình. 

 

Do áp lực cuộc sống cùng lối sống không lành mạnh, ngày càng có nhiều người mắc các bệnh về tâm thần
Do áp lực cuộc sống, ngày càng có nhiều người mắc các bệnh về tâm thần.
 
Áp lực trong công việc cùng lối sống thiếu lành mạnh khiến cho nguy cơ người mắc căn bệnh tâm thần phân liệt có xu hướng ngày càng tăng. Bác sĩ Nguyễn Thanh Quang Vũ- Giám đốc Bệnh viện tâm thần Quảng Ngãi cho hay: Do sự tuyên truyền mạnh mẽ, nên ý thức của cộng đồng về bệnh tâm thần phân liệt đã được nâng cao. Thế nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn để giúp người tâm thần phân liệt được quan tâm hơn nữa. Ngày càng có nhiều trường hợp bị gia đình, cộng đồng quay lưng bỏ rơi. Một số trường hợp tại Bệnh viện dù đã được điều trị ổn định nhưng người nhà không chịu đón về.
 
“Bệnh viện đang có những định hướng trong tương lai về khâu phục hồi chức năng, khả năng hòa nhập để họ hòa nhập tốt hơn. Nhưng quan trọng hơn hết, bệnh nhân tâm thần phân liệt cần sự giúp đỡ của chính gia đình, cộng đồng để họ có thể được điều trị hiệu quả và hòa nhập”- Bác sĩ Vũ nhấn mạnh.
 
Ngày Sức khỏe tâm thần thế giới 10/10 năm nay với thông điệp “Hãy chung sống với người tâm thần phân liệt”. Đây là lời kêu gọi cộng đồng cùng san sẻ tình yêu thương, sự quan tâm chăm sóc đặc biệt đối với những bệnh nhân mắc chứng bệnh này.
 
Bài, ảnh: Thanh Phương

.