Ám ảnh thức ăn đường phố

09:06, 02/06/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thời tiết đang vào mùa nắng nóng, nguy cơ ngộ độc thực phẩm đang ở mức cao. Người dân càng lo lắng hơn khi mới đây 28 người phải nhập viện cấp cứu do ngộ độc vì ăn phải bánh mì từ một tiệm bán ở hè phố tại TP.Quảng Ngãi.

TIN LIÊN QUAN

Quản lý không xuể

Thời gian gần đây, ngành chức năng phát hiện và xử phạt nhiều vụ việc vi phạm nghiêm trọng đến vấn đề an toàn thực phẩm. Hai vụ việc gây nhiều bức xúc và hoang mang trong dư luận là mới đây một cơ sở ở TP.Quảng Ngãi thu mua heo bệnh để chế biến bán ra thị trường. Nghiêm trọng hơn, khi vừa qua, hàng chục người phải nhập viện cấp cứu vì ăn phải bánh mì của cùng một người bày bán ở hè phố. Hiện tượng ngộ độc thực phẩm càng làm người tiêu dùng thêm hoài nghi về những sản phẩm mà họ đang dùng hằng ngày.

Mùa hè thức ăn đường phố có nguy cơ nhiễm khuẩn cao.
Mùa hè thức ăn đường phố có nguy cơ nhiễm khuẩn cao.


Rất nhiều cơ sở vì lợi nhuận mà “quên” đi sức khỏe của người tiêu dùng. Ông Nguyễn Văn Oai-Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực  phẩm Quảng Ngãi cho biết: “Mở một quán ăn hè phố thường có vốn đầu tư thấp, mặt bằng tương đối dễ tìm... Rất nhiều cơ sở không có giấy phép kinh doanh. Họ thiếu đủ thứ, từ thiết bị lẫn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm. Hàng quán tự phát mở ra quá nhiều nên ngành chức năng rất khó kiểm soát, xử lý vi phạm. Như vụ ngộ độc thực phẩm do ăn phải bánh mì của bà Võ Thị Minh Nga (TP.Quảng Ngãi), khi chúng tôi đến kiểm tra xử lý thì họ lại có thái độ bất hợp tác”.

Dọc các tuyến đường Quang Trung, Lê Lợi... có rất nhiều tiệm bán thức ăn nhanh trên vỉa hè như  bánh mì, bánh bao... Theo quan sát của chúng tôi, người bán hiếm khi sử dụng đến các dụng cụ bảo hộ.

Gặng hỏi một người đàn ông bán bánh bao trên đường Quang Trung, TP.Quảng Ngãi, ông gượng gạo: “Dùng bao tay, khẩu trang bảo hộ thấy vướng tay chân lắm! Tôi bán ở đây lâu rồi. Khách hàng ai thích ăn thì mua chứ hơi đâu mà hỏi đến sản phẩm mình bán có nguồn gốc xuất xứ từ đâu. Cũng không ai yêu cầu mình sử dụng các dụng cụ bảo hộ cả!”.

Rất khó thành “người tiêu dùng thông thái”

Thức ăn đường phố tràn lan. Ngành chức năng quản lý không xuể. Sản phẩm có đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hay không, phụ thuộc gần như hoàn toàn vào lương tâm của người bán.

Mua vội ổ bánh mì cho bữa ăn sáng, chị Nguyễn Thị Thủy, ngụ phường Nghĩa Lộ, TP.Quảng Ngãi chia sẻ: “Qua các kênh truyền thông, tôi biết thời gian gần đây ở tỉnh mình có nhiều vụ ngộ độc do ăn phải thức ăn bày bán ở hè phố. Cá nhân tôi cũng cảm thấy lo lắng. Vẫn biết thức ăn đường phố có nguy cơ nhiễm khuẩn cao, nhưng giờ không dùng cũng khó. Công việc bận rộn, nên mình không có thời gian tự nấu ăn vào buổi sáng, đành mua thức ăn nhanh để dùng. Về đồ ăn có đảm bảo vệ sinh hay không tôi cũng chỉ biết đặt niềm tin ở những người bán hàng”.

 Ông Nguyễn Văn Oai-Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP chia sẻ thêm: “Chúng ta luôn khuyến cáo người dân hãy là người tiêu dùng thông minh, biết tự bảo vệ mình trước các loại thức ăn đường phố kém chất lượng. Nhưng bằng mắt thường để phân biệt đâu là loại thức ăn đường phố chất lượng, nhiều khi nằm ngoài khả năng của đại đa số người dân. Vấn đề nữa là móc xích giữa nhà quản lý, người sản xuất và người tiêu dùng còn quá lỏng lẻo. Và dĩ nhiên, đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất chính là người tiêu dùng. Hiện nay, thời tiết đang vào mùa nắng nóng, tạo điều kiện và môi trường cho vi sinh phát triển, rất dễ dẫn đến ngộ độc thực phẩm. Người tiêu dùng không nên “nhắm mắt đưa chân” theo kiểu “may nhờ rủi chịu” với các loại thức ăn đường phố được bày bán tràn lan”.
 

Bài, ảnh: NGỌC VIÊN

 


.