(Báo Quảng Ngãi)- Dù trong kháng chiến khốc liệt hay trong thời bình, đội ngũ những người thầy thuốc vẫn ngày đêm túc trực bên giường bệnh. Màu áo blouse hiền hòa và tấm lòng yêu thương người bệnh như thể người thân yêu nhất của các y, bác sĩ vẫn mãi rực sáng trong lòng dân.
TIN LIÊN QUAN
Một thời để nhớ…
Những ngày tháng ba lịch sử, tại đỉnh đồi xóm Đông, thôn Phú Quý, xã Bình Châu (Bình Sơn), khói hương nghi ngút quanh ngôi mộ của những “chiến sĩ áo trắng” năm xưa. Nhiều người khóe mắt đỏ hoe khi nghe câu chuyện cảm động về những cán bộ quân y ở trạm phẫu thuật tiền phương năm ấy. Sức khỏe đã yếu, nhưng ông Võ Văn Anh (76 tuổi, nguyên chủ tịch công đoàn ngành y tế tỉnh) vẫn cố gắng đến thắp hương cho những đồng chí đã hy sinh. Ông đã kể cho các y, bác sĩ may mắn được sinh ra và lớn lên trong thời bình nghe về một thời chiến sĩ quân y mặc cho mưa bom bão đạn, hết mình chăm sóc sức khỏe đồng chí, đồng đội và nhân dân.
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Dung Quất khám bệnh cho người dân. ảnh: K.NGÂN |
Ông Anh kể, năm 1965 để đối phó với âm mưu của kẻ thù, đảm bảo việc chữa trị kịp thời cho thương, bệnh binh trên chiến trường, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh quyết định đưa trạm phẫu thuật tiền phương (gọi tắt là A100) về đóng tại thôn Phú Quý, xã Bình Châu. Trạm phẫu thuật tiền phương đặt ngay trong lòng địa đạo Đám Toái. Ngày 7.9.1965, quân Mỹ đổ bộ cách địa đạo 150m.
Đến ngày 9.9, phát hiện được hầm bí mật và cửa vào địa đạo, chúng đã bắt hai chiến sĩ của ta và trói vào cùng khối thuốc nổ lớn đặt trên cửa địa đạo rồi bấm nổ, đánh sập cửa địa đạo, giết hại 66 cán bộ quân y, thương bệnh binh, người dân đang điều trị và phục vụ tại địa đạo. “Những tấm gương hy sinh quên mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc của người thầy thuốc qua các thời kỳ, mãi là niềm tự hào và là tấm gương giàu y đức cho thế hệ thầy thuốc hôm nay và mai sau noi theo”, ông Anh xúc động nói.
Trong những năm tháng kháng chiến, những chiến sĩ áo trắng luôn quả cảm, có mặt kịp thời tại các trận đánh để tham gia cứu chữa thương, bệnh binh và đồng bào. Không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở chiến trường mà còn phát triển cơ sở y tế cách mạng. Các địa danh như: Bệnh xá Bác Mười, Bệnh xá Ba Nhà, Bệnh xá Nước Riềng (T30), Bệnh xá X50, B21… đã đi vào lịch sử, với niềm tự hào sâu sắc về những người thầy thuốc năm xưa. Mỗi thầy thuốc, cán bộ ngành y tế vừa là người-mẹ-hiền, vừa là chiến sĩ kiên cường chiến đấu chống quân thù, bảo vệ thương-bệnh binh, bảo vệ nhân dân, bảo vệ giữ gìn thuốc men, máy móc, phương tiện kỹ thuật để khám-chữa bệnh. Nhiều tấm gương thầy thuốc đã anh dũng hy sinh khi đang làm nhiệm vụ cứu chữa thương-bệnh binh dưới mưa bom, bão đạn của kẻ thù. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có hơn 600 cán bộ thầy thuốc hy sinh. Nhiều cán bộ y tế bị phơi nhiễm chất độc hóa học…
Kế thừa và phát triển
Phát huy truyền thống của thế hệ đi trước, ngành y tế tỉnh đã không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách để chăm sóc tốt sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Ngành đã chủ động tập trung khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực để đáp ứng tốt nhu cầu khám-chữa bệnh của nhân dân. Hệ thống y tế công lập của tỉnh được củng cố và phát triển. Các bệnh viện đa khoa tuyến huyện được đầu tư đồng bộ. Bệnh viện Đa khoa tỉnh được trang bị nhiều máy móc kĩ thuật hiện đại.
Mạng lưới y tế xã không ngừng phát triển. Đến nay, có 183/184 trạm y tế xã, phường đã được xây dựng khang trang, 100% trạm y tế có bác sĩ, 65% trạm y tế đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Tỉnh ta đã đạt tỷ lệ 5,42 bác sĩ/vạn dân. Các chỉ tiêu về sức khỏe nhân dân của tỉnh được nâng lên rõ rệt. Tuổi thọ trung bình đạt 73,8 tuổi, đã thanh toán được bệnh bại liệt và loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh, các dịch bệnh nguy hiểm được khống chế...
Những cống hiến, hy sinh của đội ngũ cán bộ, y bác sĩ ngành y tế trong những năm tháng kháng chiến gian khổ sẽ luôn là niềm tự hào và là động lực để thế hệ thầy thuốc hôm nay thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Ông Nguyễn Tấn Đức-Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Ngành y tế Quảng Ngãi luôn kế thừa và sẽ phát huy truyền thống của thế hệ đi trước, nhằm xây dựng ngành y tế ngày càng vững mạnh. Bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống y tế cơ sở, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển chuyên sâu, đổi mới cơ chế hoạt động, nâng cao chất lượng dịch vụ, để xứng đáng với niềm tin, sự kỳ vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh”.
KIM NGÂN