Quy định mới về BHYT hộ gia đình: Người dân vẫn còn băn khoăn

10:03, 13/03/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Theo quy định của Luật BHYT sửa đổi, khi tham gia BHYT hộ gia đình bắt buộc 100% thành viên trong gia đình phải tham gia. Nhiều người dân muốn tham gia BHYT tự nguyện nhưng gặp trở ngại và băn khoăn trước quy định mới này.

TIN LIÊN QUAN

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT quy định bắt buộc toàn dân tham gia BHYT được chia thành 5 nhóm theo trách nhiệm đóng, gồm: Nhóm đối tượng người lao động và người sử dụng lao động đóng; nhóm do tổ chức BHXH đóng; nhóm do ngân sách nhà nước đóng; nhóm do ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng và nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình. Các đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình là những người chưa tham gia một trong bốn nhóm còn lại. Theo đó, bắt buộc các thành viên trong hộ gia đình (trừ trường hợp đã tham gia BHYT theo hợp đồng lao động, theo chế độ với người có công, bảo trợ xã hội, học sinh - sinh viên…) phải tham gia BHYT. Mức đóng cụ thể như sau: Người thứ nhất đóng tối đa bằng 6% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

 

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh  Lê Quang Thích trao thẻ BHYT cho người dân thuộc hộ cận nghèo huyện Nghĩa Hành được tỉnh hỗ trợ mua thẻ BHYT.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Quang Thích trao thẻ BHYT cho người dân thuộc hộ cận nghèo huyện Nghĩa Hành được tỉnh hỗ trợ mua thẻ BHYT.


Theo quy định cũ, người dân chỉ cần có nhu cầu là có thể dễ dàng mua BHYT tự nguyện. Nhưng với quy định mới của Luật BHYT (có hiệu lực từ ngày 1.1.2015), khi có nhu cầu, người dân bắt buộc phải mua BHYT cho cả gia đình (trừ người đã mua hoặc được cấp thẻ BHYT). Hộ gia đình chị Nguyễn Thị Tín (ở thôn Tình Phú Bắc, xã Hành Minh, huyện Nghĩa Hành) trước đây thuộc diện hộ nghèo của xã nên BHYT được Nhà nước cấp. Từ năm 2014, gia đình chị Tín ra khỏi danh sách hộ nghèo. Chị Tín bị bệnh mãn tính nghẽn mạch máu, nhưng muốn có thẻ BHYT để khám chữa bệnh buộc chị phải mua cho cả 4 thành viên còn lại trong gia đình. Chị Tín tâm sự:  “Gia đình tôi làm nông, thiếu trước hụt sau thì lấy đâu ra tiền để mua BHYT cho cả gia đình. Mặc dù Nhà nước ưu đãi các mức mua, nhưng một lúc mà nộp số tiền lớn như thế, đối với chúng tôi là không thể”.

Còn ông Trần Văn Năm (ở phường Trần Hưng Đạo, TP.Quảng Ngãi)  thì cho rằng: Dù đã mua BHYT tự nguyện lâu nay, nhưng giờ theo quy định mới mua bắt buộc theo hộ gia đình. Cùng với đó là quy định mới khám BHYT ngoại trú vượt tuyến không được BHYT thanh toán nên ông và gia đình phân vân không biết tiếp tục mua nữa hay không. Đã có hơn 5 năm làm đại lý bán BHYT tại xã Nghĩa Dõng (TP.Quảng Ngãi), bà Tô Thị Tài chia sẻ: Khi Luật BHYT sửa đổi chính thức có hiệu lực, nhiều gia đình tỏ ra thắc mắc, nhất là việc mua BHYT cho các thành viên đi làm ăn xa. “Từ đầu năm đến nay, tỷ lệ tham gia BHYT tự nguyện có dấu hiệu sụt giảm một phần do nhận thức của bà con còn hạn chế, vẫn chỉ tham gia mua BHYT khi bị ốm; phần do điều kiện kinh tế của các hộ gia đình còn khó khăn, trong khi đó theo quy định của luật thì bắt buộc 100% thành viên trong hộ gia đình phải tham gia BHYT mới được áp dụng mức giảm trừ theo quy định”, bà Tài cho hay.

Bà Vũ Thị Thanh Trà-Phó giám đốc BHXH TP.Quảng Ngãi cho biết: BHXH thành phố đã xây dựng kế hoạch triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT; chủ động phối hợp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; hướng dẫn nghiệp vụ thu BHYT theo hộ gia đình cho 55 nhân viên đại lý thu tại 23 xã, phường. Đồng thời phối hợp với UBND các xã, phường tuyên truyền, giải thích về các điểm mới của Luật BHYT sửa đổi để người dân hiểu và tham gia. Tuy nhiên, khi triển khai vẫn vấp phải nhiều khó khăn, vướng mắc. “Trong tháng 1 và 2 năm 2015, do luật mới áp dụng trong giai đoạn chuyển tiếp, nên chúng tôi vẫn linh động giải quyết bán BHYT tự nguyện cho người dân, dù không đầy đủ các thành viên hộ gia đình tham gia. Bên cạnh đó cũng gia hạn cho số thẻ người dân tham gia trước đó. Luật nào cũng cần thời gian để tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu, chấp nhận tham gia, có vậy mới đi vào thực tiễn cuộc sống”, bà Trà nói.

 Tham gia BHYT theo hộ gia đình có ý nghĩa quan trọng, nhất là trong  việc chăm sóc sức khỏe của chính người thân trong gia đình. Thế nhưng  nhiều người dân vẫn còn suy nghĩ đến khi có bệnh nặng mới mua thẻ BHYT. Tuy nhiên, việc người dân lo lắng trước quy định mới về BHYT hộ gia đình không phải là không có cơ sở. Trên thực tế nhiều hộ gia đình đời sống kinh tế còn khó khăn, nhất là nhóm người lao động tự do, hộ cận nghèo, nông dân, diêm dân… Chính vì vậy, cùng lúc mua BHYT cho tất cả các thành viên trong gia đình đối với họ không phải là chuyện dễ dàng. Để Luật BHYT sửa đổi đi vào cuộc sống cũng như đạt được lộ trình BHYT toàn dân đòi hỏi cần có thời gian để tuyên truyền, giải thích và tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình.                                   

Bài, ảnh: KN   
 


.