(Baoquangngai-vn)- Khi đời sống ngày càng phát triển, rất nhiều gia đình sản phụ có những đòi hỏi yêu cầu cao, đảm bảo an toàn đầy đủ về điều kiện sinh nở, chăm sóc hậu sản, nên họ ít chọn đến sinh tại y tế cơ sở nên dù các phòng sản ở trạm y tế (TYT) xã, phường cũng trang bị đầy đủ “bộ chuyên dùng” phục vụ chuyện "vượt cạn" nhưng rất ít người đến, thậm chí nhiều TYT cả năm không có ca sinh nào.
TIN LIÊN QUAN
Sản phụ "chê" trạm
Đang mang thái đứa con thứ 2 sắp đến ngày sinh, dù nhà nằm cách TYT thị trấn Mộ Đức (Mộ Đức) chỉ hơn 100 mét, nhưng vợ chồng chị Huỳnh Thị Nương ở thị trấn Mộ Đức vẫn lựa chọn đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh cách nhà hơn 30km làm nơi “khai hoa nở nhụy”.
Mặc dù sinh con ở TYT có nhiều thuận lợi như gần nhà lại đỡ tốn chi phí nhưng chị lại không tin tưởng chuyên môn và cơ sở vật chất phục vụ cho việc sinh nở ở TYT. Theo chị Nương cho biết, đứa con đầu lòng của chị cũng được sinh ở Bệnh viện tỉnh.
"Giờ có ai chọn TYT để sinh con nữa đâu. Cơ sở vật chất và phương tiện kỹ thuật TYT chỉ thực hiện tốt các ca sinh thường, không tai biến, nhưng trong sinh nở thường có tai biến bất ngờ, đến TYT sinh nếu có chuyện gì người ta cũng chuyển mình lên bệnh viện, vừa mất công lại vừa hồi hộp, vậy nên đến luôn bệnh viện cho yên tâm. Ở bệnh viện có đầy đủ trang thiết bị, máy móc hiện đại và đội ngũ y, bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, dễ dàng ứng phó với mọi tình huống xảy ra khi sinh"- chị Nương cho biết.
Phần lớn các sản phụ chọn đến các Bệnh viện, Trung tâm y tế đầy đủ về điều kiện sinh nở, chăm sóc hậu sản để sinh |
Cũng như chị Nương, khi sinh đứa con đầu lòng vợ chồng chị Nguyễn Thị Lệ Quyên ở xã Nghĩa Phương (Tư Nghĩa) đã “chọn mặt gửi vàng” ở Bệnh viện đa khoa tỉnh. "Mặc dù đi khám và theo dõi thai định kỳ ở TYT bác sĩ nói tình trạng thai bình thường nhưng vì đây là lần đầu tiên sinh con nên tôi muốn được đến bệnh viện tỉnh có các điều kiện, dịch vụ sản khoa tốt nhất cho yên tâm"- chị Quyên chia sẻ.
Anh Lê Trung Quân- chồng chị Quyên cho biết: Bây giờ, lựa chọn mỗi gia đình chỉ sinh một đến hai con, nuôi con cũng khó khăn nên dù sinh ở bệnh viện tỉnh chi phí tốn kém hơn nhưng vợ chồng tôi đã xác định, bao nhiêu cũng được, mình cố gắng thêm chút thôi, bù lại được an tâm hơn”.
Không muốn sinh con ở TYT xã, phường hầu như là tâm lý chung của các sản phụ trong tình hình thực tế hiện nay. Nếu ở dưới quê, đa số người ta sẽ chuyển lên sinh ở bệnh viện huyện; còn ở thị trấn hay thành phố, người ta sẽ lên bệnh viện tỉnh, thậm chí ngoài tỉnh. Mặc dù tại nhiều TYT xã, thị trấn có đầy đủ nhân lực, phương tiện, đáp ứng yêu cầu của sản phụ.
Phòng sinh ngày một vắng
Theo thống kê của Sở Y tế, hiện toàn tỉnh có 182/184 xã, phường có TYT, trong đó 90% TYT có bác sĩ và 100% TYT có nữ hộ sinh. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của các TYT từng bước được đầu tư. Phần lớn các TYT có phòng sinh và được trang bị đầy đủ thiết bị cấp cứu sản khoa. Điều này nhìn trên phương diện cơ sở vật chất và chuyên môn thì hoàn toàn đáp ứng được nhiệm vụ đỡ đẻ một ca sinh thường theo chức năng của trạm y tế.
Song qua tìm hiểu của chúng tôi, trong điều kiện hiện nay, số người đến sinh ở TYT đang ngày càng ít đi, thậm chí có TYT, phòng sinh chỉ còn tồn tại cho có, bởi nhiều năm liền không có ca sinh nào.
Trong 3 năm nay, phòng sinh của TYT thị trấn Mộ Đức chưa tiếp nhận ca sinh nào |
Dù được đầu tư khá rộng rãi và khang trang, thế nhưng phòng sinh của TYT thị trấn Mộ Đức từ mấy năm vẫn chưa tiếp nhận được ca nào đến sinh. Vì vắng sản phụ đến sinh nên một số đồ dùng trang bị cho việc sinh nở được trạm tiếp nhận về từ lâu nhưng vẫn còn cất trong thùng chưa một lần sử dụng, thậm chí các nhân viên y tế của trạm còn không biết cách sử dụng như thế nào vì chưa được tập huấn.
Phó trưởng trạm TYT thị trấn Mộ Đức Nguyễn Thị Văn cho biết: Định kỳ hàng tháng các thai phụ đến TYT khám và theo dõi thai khá đông nhưng tới khi sinh thì các sản phụ chủ yếu đi lên tuyến trên. Vì vậy, chúng tôi hiện làm công tác khám và quản lý thai, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho chị em là chủ yếu.
Theo lý giải của Phó trưởng trạm TYT thị trấn Mộ Đức Nguyễn Thị Văn, TYT không có bác sĩ sản khoa, việc đỡ đẻ tại TYT chủ yếu do các nữ hộ sinh thực hiện. Có lẽ vì vậy nên các sản phụ không thật sự an tâm, tin tưởng vào tay nghề của các nữ hộ sinh.
Không chỉ TYT ở các thị trấn, phường trên địa bàn tỉnh, rơi vào cảnh ngày càng vắng sản phụ đến sinh, mà tại nhiều TYT ở các xã vùng nông thôn, ven biển, con số sản phụ đến sinh ở TYT cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Một số thiết bị phục vụ cho công tác sinh đẻ vẫn còn nằm trong thùng, chưa một lần được sử dụng |
Tại TYT xã Đức Lợi (Mộ Đức) là TYT đạt tiêu chí Quốc gia, trạm hiện có 3 y sĩ, 2 nữ hộ sinh, 1 bác sĩ và 1 trạm trưởng, cơ sở vật chất phục vụ cho việc sinh đẻ cơ bản đáp ứng đầy đủ cho những ca sinh thường, thế nhưng từ đầu năm đến nay chỉ có 1 ca sinh tại trạm.
Bác sĩ Huỳnh Tấn Hải- Trạm phó TTY Đức Lợi bày tỏ: Phần vì các sản phụ chuyển lên tuyến trên để sinh với thủ tục Bảo hiểm y tế, yêu cầu về dịch vụ sản khoa cao hơn. Cùng với đó cũng không ngoại trừ vấn đề tâm lý, nhu cầu người dân về sinh đẻ giảm, mỗi gia đình chỉ có 1 đến 2 con và nhiều lý do khác, thì TYT không còn là chọn lựa nơi sinh đẻ của các sản phụ.
Thực tế nhiều gia đình có điều kiện kinh tế thường có xu hướng lựa chọn các bệnh viện tuyến trên cho việc sinh nở. Với tâm lý con so hay con rạ cũng vậy, các gia đình kỳ vọng “mẹ tròn con vuông”, được chăm sóc chu đáo, thoải mái nên chấp nhận chi tiền để sản phụ và trẻ sơ sinh được cung cấp các điều kiện, dịch vụ sản khoa tốt nhất.
Theo quy định về chuẩn y tế, các TYT đều phải có các phòng chức năng và dụng cụ y tế, máy móc cơ bản phục vụ cho bệnh nhân. Thế nhưng việc đầu tư hàng chục triệu đồng rồi để không hoặc “chưa khai thác hết” các phòng sinh ở các TYT như hiện nay, khiến nhiều người cảm thấy xót xa.
PV