(Báo Quảng Ngãi)- Bệnh sởi hiện nay đang diễn biến phức tạp, xuất hiện tại 18 tỉnh, thành trên cả nước. Theo Bộ Y tế, hiện có trên 7.000 bé mắc bệnh, trong đó có hơn 100 trường hợp tử vong do sởi. Tại địa bàn Quảng Ngãi cũng đã ghi nhận gần chục ca dương tính với vi rút sởi…
TIN LIÊN QUAN |
---|
Thực hiện Công điện của Bộ Y tế về triển khai tiêm vắc xin phòng chống bệnh sởi, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã tăng cường giám sát các ca nghi sởi. Trong tháng 3, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã thống kê có hơn 11.800 trẻ nằm trong độ tuổi, nhưng chưa được tiêm phòng sởi. Đến trung tuần tháng 4, các huyện, thành phố đã tổ chức tiêm phòng sởi mũi 1 cho hơn 2.000 trẻ; mũi 2 với hơn 2.900 trẻ. “Chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị y tế cơ sở tập trung tiêm phòng dứt điểm số lượng trẻ đã được rà soát trong tháng 4 này theo lịch tiêm chủng hằng tháng, đồng thời mở chiến dịch tiêm vét”, ông Hồ Minh Nên- Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết.
Tiêm phòng đầy đủ hai mũi vắc xin phòng sởi là cách phòng bệnh hiệu quả nhất. |
Toàn tỉnh hiện có 31 trường hợp sốt phát ban dạng sởi. Trong đó, qua kết quả xét nghiệm có 8 ca dương tính với bệnh sởi, tập trung rải rác ở địa bàn các huyện, thành phố, chưa có trường hợp nào tử vong. Riêng huyện Minh Long là một trong những địa phương có số ca mắc sởi cao nhất tỉnh. Trong tháng 3, tại thôn Biều Qua, xã Long Sơn có đến 12 ca sốt phát ban dạng sởi (3 ca dương tính với vi rút sởi). Còn tại huyện Sơn Hà, đến nay đã ghi nhận có 7 trường hợp sốt phát ban dạng sởi và có 3 trường hợp dương tính với bệnh sởi. Ca mắc bệnh đa số đều chưa tiêm phòng đầy đủ; một số thì chưa đến độ tuổi tiêm phòng.
Cháu Đinh Quang Quỳnh, xã Sơn Cao (Sơn Hà) dù mới 8 tháng tuổi, chỉ còn 1 tháng nữa bé sẽ bước vào độ tuổi tiêm phòng sởi, nhưng cháu đã mắc bệnh. Tương tự cháu Quỳnh, bé Bùi Mỹ Thanh Khoa, xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), mới 7 tháng tuổi cũng đã sớm mắc bệnh sởi. Giải thích về trường hợp này, ông Hồ Minh Nên cho hay: Khi trẻ sinh ra đã có kháng thể của người mẹ truyền sang và giúp bảo vệ trẻ không mắc sởi. Tới 9 tháng, kháng thể của người mẹ trong cơ thể trẻ bắt đầu giảm, trẻ cần được tiêm vắc-xin sởi. Với những trường hợp trẻ dưới 9 tháng mắc bệnh sởi có thể do bản thân người mẹ không có kháng thể sởi truyền sang cho trẻ và trẻ không có miễn dịch thụ động từ mẹ truyền sang nên dễ bị mắc bệnh sởi.
Về trường hợp trẻ đã tiêm đủ 2 mũi nhưng vẫn mắc bệnh, bác sĩ Hồ Minh Nên cho rằng: Có thể do trẻ không đáp ứng với vắc xin, không sinh ra kháng thể chống lại vi rút sởi, do đó trẻ tiêm đủ 2 mũi vẫn có thể mắc sởi (tỷ lệ này dưới 5%); hoặc do lỗi kỹ thuật như tiêm không đúng lịch, tiêm không đúng kỹ thuật, vắc xin có vấn đề và các nguyên nhân khác… khoảng 1- 2%. Khi bị bệnh này trẻ thường hay bị viêm kết mạc mắt, viêm đường hô hấp, đường tiêu hóa, phát ban ngoài da và sốt. Một số trường hợp biến chứng dẫn đến viêm phổi, viêm não thậm chí là tử vong. Đây cũng là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus sởi gây nên, nên biện pháp phòng bệnh hiệu quả duy nhất là cho trẻ tiêm phòng vắc xin sởi đầy đủ. Nếu trẻ chỉ tiêm 1 mũi khi 9 tháng tuổi thì khả năng bảo vệ chỉ ở mức 80-85%, khi trẻ được tiêm nhắc lại khi 18 tháng tuổi thì khả năng bảo vệ lên đến 90-95%.
Bài, ảnh: KIM NGÂN