(Báo Quảng Ngãi)- Với mục tiêu kiểm soát lây nhiễm HIV/AIDS, ngành y tế Quảng Ngãi đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể; các huyện, thành phố, các xã, phường trong tỉnh đẩy mạnh công tác truyền thông. Tổ chức tiếp cận với cá nhân, nhóm, gia đình có người nhiễm HIV/AIDS; đồng thời thành lập và nâng cao chất lượng hoạt động của các CLB phòng, chống HIV/AIDS, các nhóm tự lực... nhằm tạo điều kiện cho người nhiễm HIV có cơ hội chia sẻ, vượt qua rào cản tâm lý.
“Ngành y tế đã nhiều lần đến trường truyền thông trực tiếp giúp chúng em hiểu về căn bệnh HIV. Từ đó chúng em hiểu con đường lây truyền HIV để có thể tránh lây nhiễm cho bản thân và người thân. Không kỳ thị đối với những người nhiễm HIV mà mình biết”, em Lê Thị Anh Thư, học sinh lớp 9D, Trường THCS Phổ Hòa, cho biết.
Đoàn viên thanh niên CBCCVC huyện Đức Phổ diễu hành hưởng ứng tháng hành động phòng chống HIV/AIDS. |
Trong thời gian qua, Hội LHPN huyện Đức Phổ đã có nhiều nỗ lực phối hợp với ngành y tế để tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật về phòng chống HIV/AIDS và vận động người dân thực hiện. Phối hợp tổ chức tham vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện, miễn phí, chăm sóc hỗ trợ người nhiễm HIV, chăm sóc điều trị bệnh nhân AIDS, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, cung cấp bao cao su, bơm kim tiêm miễn phí cho các đối tượng nguy cơ cao, nhằm đẩy lùi căn bệnh thế kỷ.
Ông Lê Quang Quỳnh- Giám đốc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS, cho biết: Tính đến nay, cả nước có trên 278 nghìn người nhiễm HIV/AIDS. Riêng ở tỉnh ta có 523 người bị nhiễm HIV/AIDS, trong đó có 339 người còn sống. Đức Phổ là huyện có số ca nhiễm HIV cao nhất tỉnh với con số trên 99 người nhiễm HIV. Trong đó có 32 người đang sống tại địa phương, được tư vấn, chăm sóc và 27 người được điều trị ARV. Nguyên nhân chủ yếu do lây truyền qua đường tình dục, sử dụng bơm kim tiêm…
Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS hằng năm được tổ chức đã góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn dân vào việc thực hiện chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS, ngăn chặn tình hình diễn biến lây nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh. Qua đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức trách nhiệm, sự thống nhất về tư tưởng và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với nhiệm vụ tham gia phòng chống HIV/AIDS… Hướng tới mục tiêu ba không: “Không còn người nhiễm mới HIV, không còn người tử vong do AIDS và không còn kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS”.
“Trong những năm qua, công tác truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS đã đem lại hiệu quả nhất định. Nhiều người tiếp cận và được điều trị sớm, thay đổi về hành vi, sống lành mạnh và tuân thủ tốt quy trình điều trị ARV đã giúp họ hồi phục nhanh, tránh được các bệnh nhiễm trùng cơ hội, kéo dài sự sống và sống có ích hơn. Hơn nữa sự kỳ thị, phân biệt đối xử cũng dần được hạn chế, giúp người bệnh nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng”, ông Nguyễn Bườm - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ nói.
Bài, ảnh: T. PHƯƠNG