(Báo Quảng Ngãi)- Ngày 1.11, dân số Việt Nam tròn 90 triệu người. Sự kiện này đánh dấu mốc quan trọng cho những thành công của công tác DS-KHHGĐ trong thời gian qua, song cũng đặt ra những khó khăn, thách thức không nhỏ đối với sự phát triển bền vững của đất nước trong thời gian tới.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Theo Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, tính đến năm 2013, toàn tỉnh có 1,221 triệu người. Số con trung bình của mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 2,03 con. Tỉ lệ tăng dân số tự nhiên 0,9%. Như vậy, Quảng Ngãi đã đạt được mục tiêu kiểm soát quy mô dân số. Tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên hiện nay giảm còn 11,2%. Có thể thấy tỉ lệ này giảm nhanh trong những năm qua. Nếu năm 1989, cứ 100 trẻ được sinh ra có khoảng 42 trẻ là con thứ 3 trở lên thì tỉ lệ này đến nay đã giảm xuống còn 10-11 trường hợp, mức sinh đã giảm mạnh nhưng chưa ổn định và còn khác nhau giữa các vùng, nhất là miền núi, hải đảo và địa phương ven biển.
Hội thi tuyên truyền viên DS-KHHGĐ huyện Nghĩa Hành năm 2013 |
Ông Nguyễn Văn Quang- Chi cục phó, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết: Nước ta đang ở giai đoạn “cơ cấu dân số vàng”. Nghĩa là, số người trong độ tuổi lao động cao hơn số người phụ thuộc. Năm 2012, số người trong độ tuổi lao động (từ 15 - 64 tuổi) chiếm 68,9%, trong khi số trẻ em từ 0 đến 14 tuổi giảm mạnh xuống còn 24,1%, số người trên 65 tuổi chỉ chiếm 7%.
Hiện nay cứ trung bình 2 người trong độ tuổi lao động chỉ có 1 người phụ thuộc. Với cơ cấu dân số lý tưởng đó, cùng với cả nước, Quảng Ngãi bước vào “kỷ nguyên của cơ cấu dân số vàng”, cơ hội lý tưởng để tăng tốc phát triển kinh tế-xã hội. Số người trong nhóm độ tuổi lao động tăng, tạo cơ hội về nguồn nhân lực để thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế. Chất lượng dân số đã được nâng lên rõ rệt, tuổi thọ bình quân của người dân tăng. Các chỉ số về chăm sóc SKSS có nhiều tiến bộ đáng kể, mức sinh thấp và dần ổn định là yếu tố quan trọng góp phần cải thiện tình trạng sức khoẻ bà mẹ, sức khoẻ trẻ em…
Với 90 triệu dân, Việt Nam là quốc gia đông dân thứ 3 khu vực Đông Nam Á và thứ 13 trên thế giới; dự kiến đến năm 2015, dân số nước ta khoảng 91,5 triệu người. Những năm qua, tốc độ gia tăng dân số ngày càng giảm và đã đạt được mức sinh thay thế với số con trung bình của mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 2,03 con, ít hơn 3 lần số con cách đây 50 năm. |
Mặc dù đã đạt được những thành tựu đáng kể, nhưng công tác DS-KHHGĐ ở tỉnh ta vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức cả về quy mô, cơ cấu, chất lượng dân số. Với việc dân số đang bước vào giai đoạn cơ cấu dân số vàng đi liền với cơ hội là những thách thức đặt ra rất lớn về việc làm và an sinh xã hội. Thực tế cho thấy, dù lực lượng lao động đang rất dồi dào, nhưng chủ yếu là lao động giản đơn, lao động phổ thông, tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp; chất lượng lao động ở mỗi trình độ đều chưa đạt yêu cầu; việc sử dụng lao động còn chưa hợp lý, chưa đúng với khả năng, trình độ của người lao động. Đây là bài toán khá nan giải cho các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách, hoạch định chiến lược đào tạo con người.
Cùng với đó là tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (số trẻ sinh là trai/100 gái) xuất hiện từ năm 2001 và có xu hướng tăng trong thời gian qua. Theo số liệu tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, tỉ số giới tính khi sinh ở Quảng Ngãi là 115,1/100 và có xu hướng tăng qua các năm gần đây.
Ông Nguyễn Văn Quang cho biết: Trong thời gian tới, để giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, chúng tôi tập trung thực hiện các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi toàn diện hơn với sự tham gia của các cơ quan thông tin đại chúng, lãnh đạo và người có uy tín trong cộng đồng. Quan tâm hơn tới việc nâng cao vai trò của phụ nữ và trẻ em gái trong xã hội và tăng cường vị thế và các quyền của họ. Thực hiện nghiêm các quy định hiện hành về việc cấm mọi hình thức chẩn đoán xác định giới tính và nạo phá thai để lựa chọn giới tính thông qua mọi hình thức, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm.
Bài, ảnh: Trí Phong