(Báo Quảng Ngãi)- Một số loại bệnh có thể ngăn ngừa bằng cách tiêm vắc-xin. Thế nhưng hiện nay tỷ lệ người dân chủ động xét nghiệm, chủng ngừa phòng bệnh vẫn còn rất thấp. Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Chị Nguyễn Thị Thu Hiền (ở xã Nghĩa Lâm, huyện Tư Nghĩa) cùng chồng sắp cưới đến Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh làm các xét nghiệm và tiêm vắc-xin phòng bệnh. Chị Hiền chia sẻ: “Mình chủ động tiêm thuốc ngừa để nếu có bệnh sẽ không lây cho nhau. Sau này mang thai, con cái cũng tránh được một số bệnh”.
Các bà mẹ chủ động đưa con đi tiêm phòng vắc-xin tại Trạm y tế xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa). |
Ông Trần Nhật Minh (46 tuổi, ở phường Chánh Lộ, TP.Quảng Ngãi) cũng đưa các con đến Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm gan B. Ông Minh bộc bạch: “Ngày càng có nhiều người mắc bệnh viêm gan B, tôi thấy sợ nên đưa các con đi tiêm phòng cho an tâm”. Thực tế không phải ai cũng thuận lợi như chị Hiền, ông Minh. Nhiều trường hợp đến Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh để tiêm vắc-xin phòng bệnh nhưng phải ra về vì kết quả xét nghiệm cho thấy đã bị virus xâm nhập. Nếu sớm chủ động tiêm vắc-xin thì họ đã không nhiễm bệnh.
Ông Hồ Minh Nên-Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết, trung bình mỗi tuần có hơn 200 lượt người đến trung tâm tiêm vắc-xin phòng bệnh. So với tổng dân số toàn tỉnh thì tỷ lệ người dân chủ động tiêm vắc-xin phòng bệnh còn thấp. Cả nước hiện có khoảng 15-20% dân số nhiễm virus viêm gan B. Riêng ở tỉnh ta, 3 năm trở lại đây trong tổng số người đi xét nghiệm có khoảng 14-15% số người có kết quả dương tính với virus viêm gan B. Bệnh viêm gan B có thể phòng bằng cách tiêm vắc-xin nhưng lại có quá nhiều người mắc phải.
Cần đẩy mạnh công tác truyền thông
Hiện nay, có nhiều loại vắc-xin giúp người dân phòng tránh các loại bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên, ý thức của người dân trong việc chủ động tiêm vắc-xin phòng bệnh còn hạn chế. Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hồ Minh Nên dẫn chứng thêm, đối với việc tiêm ngừa bệnh tiêu chảy do nhiễm Rotavirus cho trẻ dưới 6 tháng tuổi, nhiều bậc cha mẹ không nắm rõ quy trình. Nhiều người chủ động đưa trẻ đến tiêm ngừa nhưng đã quá thời gian có thể tiêm phòng. Chị Nguyễn Thị Trang (ở huyện Tư Nghĩa) cho biết, chị không biết nhiều kiến thức về tiêm vắc-xin phòng bệnh. Các mũi vắc-xin tiêm nhắc lại may nhờ cán bộ y tế nhắc nhở nếu không cũng đã bỏ sót.
Cùng với sự chủ quan của người dân cũng như khó khăn về kinh tế thì một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ người dân chủ động tiêm vắc-xin phòng bệnh thấp là công tác tuyên truyền chưa thực sự đi sâu vào đời sống người dân. Do đó, cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân trong việc tiêm vắc-xin phòng bệnh để bảo vệ sức khỏe bản thân trước khi quá muộn.
Bài, ảnh: KIM NGÂN