WHO khuyến cáo tiêm phòng viêm gan B trong 24 giờ đầu sau sinh

08:07, 24/07/2013
.

Trước những nghi ngại của người dân về việc tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ trong vòng 24 giờ đầu sau sinh, phóng viên của Thanh Niên Online đã liên lạc với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam. “WHO tiếp tục đề nghị rằng trẻ cần được tiêm mũi chủng ngừa viêm gan B đầu tiên trong vòng 24 giờ sau khi sinh, và 3 mũi bổ sung sau đó trong vòng từ 1- 15 tháng”, WHO khẳng định vào ngày 24.7.

TIN LIÊN QUAN
Theo WHO, “Việc chủng ngừa viêm gan B ngay sau khi sinh là rất quan trọng bởi vì hầu hết trẻ mới sinh nhiễm virus viêm gan B sẽ không có triệu chứng, nhưng có tới 90% khả năng có thể nhiễm bệnh. Viêm gan B có thể dẫn tới hàng loạt vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, trong đó có tổn thương gan, ung thư gan và thậm chí là tử vong. Tuy nhiên những chứng cứ quốc tế cho thấy rằng hầu hết các ca viêm gan B có thể được phòng ngừa kể cả khi trẻ do một người mẹ nhiễm virus viêm gan B sinh ra hoặc trong một khu vực đang có dịch (ở mức độ cao) với điều kiện nhận được sự chủng ngừa cần thiết ở thời điểm được đề nghị. Để ngăn chặn bệnh này, WHO tiếp tục đề nghị rằng trẻ cần được tiêm mũi chủng ngừa viêm gan B đầu tiên trong vòng 24 giờ sau khi sinh, và 3 mũi bổ sung sau đó trong vòng từ 1- 15 tháng".

Để đảm bảo an toàn cho việc tiêm này, cần thực hiện các vấn đề về an toàn tiêm chủng. Bộ Y tế đã có những hướng dẫn và những hướng dẫn này liên quan đến cân nặng của trẻ và tình trạng của trẻ khi sinh.
 

 

WHO cũng cho biết, vắc xin chủng ngừa viêm gan B đã được ghi nhận cực kỳ an toàn và hiệu quả. Từ năm 1982, hơn một tỉ liều vắc xin viêm gan B đã được sử dụng trên toàn thế giới. Ở nhiều nước, nơi từng có tỷ lệ từ 8-15% trẻ bị nhiễm virus viêm gan B, việc tiêm phòng đã làm giảm tỷ lệ nhiễm virus xuống ít hơn 1% trong số trẻ em được tiêm chủng. Tính đến tháng 7.2011, 179 nước thành viên đã đưa việc tiêm chủng cho trẻ sơ sinh phòng bệnh viêm gan B như là một phần của lịch trình tiêm chủng của mình. Đây là một sự gia tăng lớn so con số với 31 quốc gia trong năm 1992, năm mà Đại hội đồng Y tế Thế giới thông qua nghị quyết đề nghị tiêm chủng toàn cầu chống lại bệnh viêm gan B.

Ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết qua việc xảy ra các sai sót trong thực hành an toàn tiêm chủng tại Bệnh viện Hướng Hóa (Quảng Trị), chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm để tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường tập huấn về vấn đề này. Việc vi phạm an toàn tiêm chủng có thể gây tai biến nặng, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng người được tiêm.

TS Nguyễn Trần Hiển, Chủ nhiệm dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia, cho biết thêm các mẫu bệnh phẩm của ba trẻ tử vong sau tiêm ngừa viêm gan B được xét nghiệm giúp tìm nguyên nhân của chùm tai biến, trong đó xác định được chính xác mối nghi ngại “chất lạ” là nguyên nhân dẫn đến sốc, tử vong.

Chiều nay 24.7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các cục Y tế dự phòng, Quản lý khám chữa bệnh, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Viện Pasteur TP.HCM, Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia về các vấn đề liên quan đến các ca tử vong sau tiêm viêm gan B vừa xảy ra. Sau hai giờ họp căng thẳng, cuộc họp kết thúc lúc 17 giờ.

Các thành viên từ chối trả lời báo chí sau cuộc họp.

“Bộ Y tế sẽ có văn bản chính thức gửi tới các báo vào sáng mai 25.7”, Bộ Trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết.

Một thành viên cho biết, một số ý kiến đã lưu ý về tăng cường tập huấn, củng cố thực hành an toàn tiêm chủng cho các nhân viên y tế, đặc biệt tại các đơn vị có khoa sản, nhà hộ sinh.



Theo Liên Châu - Trường Sơn/Báo Thanh niên


.