Tác dụng của việc sàng lọc trước sinh và sau sinh

08:07, 03/07/2013
.

(QNg)- Việc thực hiện có hiệu quả đề án sàng lọc trước sinh và sau sinh là một trong những giải pháp để góp phần nâng cao chất lượng dân số. Giai đoạn 2011-2015, cùng với nhiều giải pháp khác, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã đề ra mục tiêu thực hiện tốt đề án sàng lọc trước và sau sinh để góp phần nâng cao chất lượng dân số toàn tỉnh.

TIN LIÊN QUAN


 Đề án nâng cao chất lượng dân số thông qua tuyên truyền, vận động phát hiện, can thiệp sớm dị tật ở thai nhi và sơ sinh của tỉnh ta được triển khai thực hiện từ năm 2009. Qua hơn 4 năm triển khai thực hiện tại 124 xã thuộc 12 huyện, thành phố. Năm 2013 sẽ phủ kín 100% số xã thuộc 14 huyện, thành phố trong toàn tỉnh. Bước đầu đề án đã có tác động không nhỏ đến nhận thức của đại bộ phận nhân dân. Nhưng để người dân thật sự hiểu được lợi ích thiết thực của việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh thì không những đòi hỏi cả hệ thống chính trị từ các cấp lãnh đạo, đến con người có chuyên môn và cơ sở vật chất đảm bảo để thực hiện, mà việc đầu tiên nhất là cần phải tăng cường đẩy mạnh công tác truyền thông về tác dụng của việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh.

 

Ths, BS Đặng Chính, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Quảng Ngãi hướng dẫn lấy máu gót chân sàng lọc sau sinh tại huyện Ba Tơ.                                                         Ảnh: Ngọc Nông
Ths, BS Đặng Chính, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Quảng Ngãi hướng dẫn lấy máu gót chân sàng lọc sau sinh tại huyện Ba Tơ. Ảnh: Ngọc Nông


Ông Đặng Chính – Chi cục trưởng, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết: Tác dụng của việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh nhằm mục đích phát hiện can thiệp sớm tật, bệnh tật ở thai nhi và sơ sinh. Các bà mẹ khi mang thai nên đến các cơ sở y tế có đủ điều kiện sàng lọc để thực hiện. Điều này có lợi  cho cả bà mẹ và thai nhi khi sinh ra một đứa con khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần. Đối với mô hình sàng lọc trước sinh, bà mẹ mang thai dưới 14 tuần được siêu âm đo độ dày da gáy thai nhi, nếu da gáy dày bất thường thì chuyển bà mẹ lên tuyến trên, nơi có đủ trang thiết bị để kiểm tra người mẹ, xét nghiệm nhau thai, chọc ối để phát hiện những dị tật ở thai nhi.

Sau đó, người mẹ sẽ được tiếp tục siêu âm từ tuần thứ 20 trở đi, vì lúc này có thể phát hiện dị tật ở thai nhi trực tiếp qua siêu âm. Nếu thai nhi có dấu hiệu dị tật, bác sĩ sẽ xác định chính xác dị tật thuộc loại chữa được hay không rồi tư vấn cho gia đình, có thể sớm điều trị đối với những dị tật có thể can thiệp được.

Đối với sàng lọc sơ sinh, em bé sinh ra từ 24 - 48 giờ được lấy 2 giọt máu ở gót chân rồi gửi về Bệnh viện Trung ương Huế xét nghiệm, kết quả có sau 2 ngày, sớm phát hiện được những dị tật ở trẻ sơ sinh mà mắt thường không nhìn thấy được. Một số dị tật được phát hiện qua sàng lọc trước sinh và sơ sinh như bệnh Down, dị tật ống thần kinh, suy giáp bẩm sinh, thiếu men G6PD (gây tán huyết dẫn đến thiếu máu, vàng da), tăng sinh tuyến thượng thận bẩm sinh (rối loạn nhiễm sắc thể giới tính)…, từ đó các bác sĩ sẽ tìm biện pháp can thiệp kịp thời đối với những bệnh có thể chữa được và tư vấn tâm lý cho bà mẹ cũng như gia đình. Mô hình trên giúp giảm thiểu tối đa số em bé ra đời bị dị tật bẩm sinh, điều trị kịp thời một số bệnh mà trẻ sơ sinh mắc phải, góp phần nâng cao chất lượng dân số

Những năm qua, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã từng bước triển khai các hoạt động của đề án và được sự đồng tình ủng hộ của các cấp lãnh đạo và nhân dân. Tỉnh ta đã tăng cường triển khai đề án và đạt được một số kết quả rất đáng khích lệ: 100% cán bộ y tế và chuyên trách tham gia dự án đều được tập huấn về kỹ năng và tuyên truyền sàng lọc trước sinh và sơ sinh. 12 bác sĩ và 48 nữ hộ sinh được đào tạo cơ bản về sàng lọc. 100% số huyện đều thành lập Ban quản lý đề án và phân công thành viên theo dõi. Hàng năm đều tổ chức khảo sát và thu thập thông tin về các bà mẹ mang thai, đồng thời tổ chức khám để sàng lọc. Qua hơn 4 năm triển khai đã  tổ chức lấy máu gót chân gần 1 ngàn trẻ sơ sinh, và cũng đã phát hiện bệnh. Đa số là bệnh thiểu năng giáp và nguy cơ thiếu men  G6PD.

 Để người dân thực sự biết được lợi ích từ việc sàng lọc trước sinh và sau sinh thì công tác truyền thông cần được tăng cường và đẩy mạnh bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng địa phương, đặc biệt chú ý đến truyền thông đại chúng thường xuyên, liên tục thì mới góp phần nâng cao nhận thức cho người dân.


 Trang Tuyết  
 


.