Phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em miền núi: Còn nhiều trăn trở

08:06, 05/06/2013
.

(QNg)- Những năm qua, công tác phòng chống suy dinh dưỡng (SDD) cho trẻ ở tỉnh ta luôn được các cấp, các ngành quan tâm, nhất là trẻ em ở các huyện miền núi, góp phần làm giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng. Thế nhưng, nguy cơ tái SDD ở trẻ cũng đang là vấn đề  trăn trở…

TIN LIÊN QUAN


Hiệu quả bước đầu

 Được sự quan tâm, hỗ trợ kinh phí của trung ương, tỉnh và các tổ chức, các huyện miền núi ở tỉnh ta đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống SDD cho trẻ em. Ngoài ra, đội ngũ cộng tác viên phòng chống SDD được thành lập đến các thôn, vùng sâu, vùng xa đã góp phần đáng kể trong việc nâng cao nhận thức của người dân trong việc áp dụng dinh dưỡng hợp lý để phòng chống SDD cho trẻ. Hoạt động của đội ngũ cán bộ y tế, y tế thôn, cộng tác viên dinh dưỡng, dân số, gia đình và trẻ em các cấp, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, hội, đoàn thể trong công tác phòng, chống SDD trẻ em cũng được triển khai cụ thể.

Trẻ em miền núi cần được quan tâm để phòng chống suy dinh dưỡng.
Trẻ em miền núi cần được quan tâm để phòng chống suy dinh dưỡng.


Trong năm 2013, được sự đầu tư của “Chương trình mục tiêu dinh dưỡng quốc gia và tầm nhìn”, Trạm Y tế xã Sơn Màu (Sơn Tây) đã thành lập 2 câu lạc bộ phục hồi dinh dưỡng cho trẻ. Với sự hỗ trợ 160.000 đồng/tháng/trẻ dưới 2 tuổi, các bà mẹ trong câu lạc bộ được các cộng tác viên dinh dưỡng hướng dẫn cách nấu cháo dinh dưỡng, cung cấp bữa ăn phụ cho trẻ. Theo đó, bữa phụ sẽ được tổ chức 4 bữa/tuần. Việc thành lập câu lạc bộ phục hồi dinh dưỡng cho trẻ đã góp phần giúp các bà mẹ hiểu hơn về vai trò dinh dưỡng cho trẻ. Đồng thời là cơ hội để các chị trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong việc chăm sóc trẻ.

Trăn trở dài lâu    

 Chị Trần Thị Bích Thiết – Trạm phó Trạm Y tế xã Sơn Màu cho biết: Hiện tại xã chỉ mới tổ chức được 2 câu lạc bộ phục hồi dinh dưỡng cho trẻ ở thôn Tà Vinh và thôn Hà Lên. Còn 2 thôn Đăk Pao và Đăk Panh mặc dù tỷ lệ trẻ SDD còn cao nhưng vẫn chưa thể tổ chức được câu lạc bộ phục hồi dinh dưỡng cho trẻ. Nguyên nhân là do 2 thôn này ở xa, đường sá đi lại khó khăn. Để đến được 2 thôn này phải đi bộ gần một buổi mới tới nên nếu mang thực phẩm lên đến tận thôn để nấu được bữa cháo dinh dưỡng cho các cháu thì đã muộn, vả lại thức ăn sẽ bị ôi thiu. Còn mang thực phẩm lên trước thì lại không có tủ lạnh để bảo quản. Vì vậy dù cho có tâm, có tiền thì chúng tôi cũng khó có thể tổ chức được bữa ăn phụ cho trẻ ở 2 thôn này.

Mặt khác, ý thức của các bậc phụ huynh trong việc phòng chống SDD cho trẻ còn nhiều hạn chế. Một số bà mẹ lại “nhầm lẫn” xem bữa ăn phụ là bữa ăn chính nên đã không cho trẻ ăn sáng mà đợi đến lúc có bữa ăn phụ. “Có những hôm trời mưa, thức ăn lên trễ nên nấu cho được nồi cháo thì cũng đã trưa, một số cháu đói lả. Như vậy vô tình đã gây phản tác dụng mục đích của bữa ăn phụ”, chị Thiết cho biết.

Ngoài ra, do điều kiện địa hình ở miền núi, dân cư khó tập trung nên một số bà mẹ chỉ tham gia vào câu lạc bộ phục hồi dinh dưỡng cho trẻ vào thời gian đầu. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí hỗ trợ không phải thường xuyên,  điều này đã làm cho tỷ lệ tái suy dinh dưỡng tăng lên…
 
Ông Nguyễn Tiến Đào – Trưởng phòng Y tế huyện Sơn Hà cho biết: “Phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ phải lấy ý thức gia đình làm nền tảng. Một khi đời sống kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn, nhận thức của gia đình và các bà mẹ khi mang thai về dinh dưỡng cho con em mình còn hạn chế thì việc phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ sẽ còn nhiều gian nan…”

Bài, ảnh: HỒNG HOA
 


.