Quảng Ngãi: Cán cân trẻ em suy dinh dưỡng còn lệch

08:09, 06/09/2012
.

(QNg)- Trong năm 2011, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi SDD trên địa bàn tỉnh giảm còn 18,1% (thể cân nặng) và 27,9% (thể thấp còi). Tuy nhiên, kết quả này vẫn chưa đồng đều ở các địa phương, khi mà tỉ lệ SDD vẫn còn khá cao ở khu vực các huyện miền núi.

Những kết quả đạt được

Xác định tầm quan trọng của công tác phòng chống SDD, trong thời gian qua, các cấp uỷ đảng, chính quyền và ngành chức năng trên địa bàn tỉnh đã triển khai chiến lược một cách rộng khắp và đem lại những kết quả quan trọng. Bình quân hàng năm, tỷ lệ SDD trẻ em dưới 5 tuổi giảm 1,5 - 2%. Mạng lưới chuyên trách phòng chống SDD cho trẻ đã được phủ rộng khắp địa bàn toàn tỉnh. Bên cạnh đó, ở các địa phương của tỉnh đều có cộng tác viên thực hiện công tác phòng, chống SDD. Toàn tỉnh có 1.458 cộng tác viên dinh dưỡng hoạt động tại 1.098 thôn, bản.

Tặng vitamin tổng hợp cho trẻ em dưới 5 tuổi bị SDD.
Tặng vitamin tổng hợp cho trẻ em dưới 5 tuổi bị SDD.


 Để nâng cao trình độ cho đội ngũ cộng tác viên, từ đầu năm đến nay,  Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) tỉnh đã tổ chức nhiều đợt tập huấn nâng cao trình độ năng lực cho cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dinh dưỡng. Bên cạnh đó, chiến dịch cân, đo trẻ dưới 5 tuổi đã được triển khai rộng khắp. Nhiều địa phương đã tổ chức chiến dịch cân trẻ kết hợp với các hoạt động giáo dục truyền thông, thực hành dinh dưỡng đạt 96,8%. Để hỗ trợ dinh dưỡng cho trẻ em bị suy dinh dưỡng tại các xã, phường, Trung tâm SKSS tỉnh đã cấp hơn 1.000 loại thực phẩm. Bên cạnh đó, cấp phát thuốc đa vi chất cho hơn 1.000 trẻ dưới 5 tuổi…

Bác sĩ Võ Thị Thanh Hoa- Phó giám đốc Trung tâm CSSKSS tỉnh cho biết: Ngoài vật tư của T.Ư cấp, Trung tâm còn chủ động mua thêm sổ sách chuyên môn dành cho chuyên trách, cộng tác viên; in ấn tờ rơi, pano, khẩu hiệu truyền thông dinh dưỡng phát đến hộ gia đình và thôn xóm. Ngoài tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, các địa phương, đơn vị còn tổ chức hội thi kiến thức mẹ - sức khoẻ con; đến gia đình có con SDD và bà mẹ mang thai để trao đổi cách chăm sóc trẻ em...  Nhờ những nỗ lực đó, công tác phòng chống SDD cho trẻ em trên địa bàn tỉnh đã giảm đáng kể. Tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi SDD về cân nặng trong năm 2011, giảm  còn 18,1% và tỉ lệ SDD thể thấp còi là 27,9%.

Cán cân SDD trẻ em còn  lệch

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng chống SDD có sự chênh lệch khá lớn giữa các vùng miền trong tỉnh. Tại các xã vùng sâu, vùng xa, khu vực miền núi, tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị SDD đang ở mức "báo động". Nhiều huyện tỉ lệ trẻ em SDD thể thấp còi chiếm hơn 50%. Điển hình ở huyện miền núi Tây Trà có gần 50% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng cân nặng và 53% trẻ dưới 5 tuổi bị thấp còi; huyện Sơn Hà có hơn 41% trẻ SDD cân nặng, 44% thấp còi. Tỉ lệ SDD trẻ thấp còi khá cao như xã Sơn Bao (48,4%); Sơn Hải (44,4%)…

Sơn Tây là một trong những huyện đứng hàng "top" đầu về tỉ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị SDD. Trong 6 tháng đầu năm, toàn huyện có hơn 44,4% trẻ em SDD cân nặng; 63% trẻ bị thấp còi so với độ tuổi. Chị Lê Thị Hằng cán bộ thuộc đội sinh đẻ kế hoạch Trung tâm Y tế dự phòng huyện Sơn Tây cho biết: "Trong những năm qua, công tác phòng chống SDD đã và đang gặp không ít khó khăn, thách thức. Tập quán sinh hoạt đồng bào còn lạc hậu. Đặc biệt đa số người dân còn chưa hiểu biết đầy đủ về chế độ dinh dưỡng cho trẻ, cách vệ sinh, phòng bệnh, cộng với điều kiện kinh tế quá khó khăn… Đây chính là những nguyên nhân khiến cho tình trạng SDD trẻ em tại huyện vùng cao này còn cao trong các năm qua".

Bác sĩ Võ Thị Thanh Hoa cho rằng: Khó khăn lớn hiện nay đó là mức phí, thù lao cho đội ngũ cộng tác viên, chuyên trách dinh dưỡng cấp xã, phường, thôn bản thấp hoặc không có (đối với các xã, phường, thị trấn không phải trọng điểm) nên chưa động viên, thu hút, khích lệ các cộng tác viên, chuyên trách cùng tham gia. Tình trạng SDD trẻ em, nhất là khu vực miền núi hiện nay vẫn cần có thời gian để đầu tư, khắc phục vì nó phụ thuộc vào các giải pháp nâng cao trình độ dân trí và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.


                   Bài, ảnh: KN
 


.