Y tế Sơn Tây: Đối mặt nhiều khó khăn

11:05, 11/05/2013
.

(QNg)- Đội ngũ y, bác sĩ thiếu; trang thiết bị phục vụ khám, điều trị chưa đáp ứng; giám đốc kiêm luôn khám, điều trị bệnh, còn phó giám đốc phụ trách 4 khoa nội, sản, nhi, cấp cứu… Bác sĩ tuyến xã cũng chưa đáp ứng đủ, trong khi bác sĩ của Trung tâm vừa đào tạo xong lại xin chuyển. Đó là những thực trạng đầy khó khăn của ngành y tế ở vùng cao Sơn Tây …


TIN LIÊN QUAN

4 bác sĩ chăm sóc cho 18.000 dân

Theo BS Chuyên khoa 1 ngoại Nguyễn Quốc Dũng– PGĐ Trung tâm y tế huyện, hiện nay tình trạng thiếu bác sĩ ở các tuyến là rất nghiêm trọng. Cả trung tâm có 10 bác sĩ, trong đó 6 bác sĩ tuyến xã; 4 bác sĩ ở trung tâm, trong đó có 2 người là lãnh đạo trung tâm. Hai người còn lại thì mới đào tạo lên nên kinh nghiệm còn thiếu. "Nhất cử nhất động trong khám, điều trị bệnh cho người dân đều do tôi và anh Nhía (giám đốc trung tâm-PV" ôm cả. Nhiều hôm đi công tác hay đi học, họp là rất lo, vì bà con có bệnh nặng đến mà không có mình ở nhà thì nguy hiểm lắm” – Bác sĩ Dũng nói.

 

Thăm khám bệnh nhân
Thăm khám bệnh nhân


Cũng theo BS Dũng, hiện chỉ có 6 xã có bác sĩ ở trạm y tế, còn ba xã không có là: Sơn Long, Sơn Lập và Sơn Màu. Do chưa có bác sĩ nên hằng Tuần trung tâm phải luân chuyển bác sĩ của Trung tâm về các địa phương trên khám bệnh cho người dân theo kế hoạch. Trong khi đó, theo chuẩn của ngành y tế phải có 1 bác sĩ/2.000 dân, nhưng ở Sơn Tây chỉ có 4 bác sĩ ở tuyến Trung tâm “ôm” tới 18.000 dân. Cán bộ y tế của huyện đa phần là trung cấp điều dưỡng, y sĩ, nữ hộ sinh… “Hiện tại, nếu đúng quy định thì Trung tâm cần ít nhất 5 bác sĩ nữa về phụ trách ở các khoa. Bản thân chúng tôi là lãnh đạo mà vẫn phải trực ở tất cả các khoa. Hy vọng đến năm 2014, số bác sĩ đang đi học chuyên tu về thì cơ bản mới đủ bác sĩ, còn chất lượng, chuyên môn thì rất khó, do hầu hết các em đều mới ra trường, tay nghề còn non -  bác sĩ Dũng cho hay.

Nỗi lo bác sĩ bỏ việc

Không chỉ thiếu hụt nguồn nhân lực mà tại Trung tâm, các thiết bị máy móc chuyên dụng của ngành y tế dù đã được đầu tư mua sắm, nhưng việc sử dụng còn rất hạn chế. Nguyên nhân là do không có bác sĩ chuyên ngành. Như máy chụp X-quang thì do y sĩ Đinh Văn Tiết đảm trách. Trong khi đó theo quy định thì phải do KTV có chuyên môn sử dụng thì mới có thể mang lại hiệu quả cao hơn. Được biết, y sĩ Tiết mới được học cấp tốc lớp chụp X-quang do BQL hạ tầng y tế vùng Nam Trung Bộ đào tạo.

 Cơ sở mới của Trung tâm đang đẩy nhanh xây dựng
Cơ sở mới của Trung tâm đang đẩy nhanh xây dựng


“Năm 2012, Trung tâm tiếp nhận khoảng 10 nghìn bệnh nhân đến khám và điều trị trong đó Trung tâm chỉ điều trị những bệnh thông thường, như cảm cúm, viêm họng, sốt rét, tiêu chảy… còn những bệnh nặng sau khi khám xong là phải chuyển lên tuyến trên ngay lập tức” – bác sĩ Dũng cho biết. Hiện Trung tâm đang được đầu tư xây dựng một cơ sở mới, dự kiến tháng 6/2013 sẽ chính thức hoàn thành, đưa vào sử dụng. “Dự án này do BQL hạ tầng y tế vùng Nam Trung Bộ làm chủ đầu tư, sẽ trang bị luôn máy móc khám chữa bệnh như máy tạo ô xy, máy siêu âm hai chiều trắng đen, máy trợ thở… đều rất hiện đại. Thoạt nghe thì mừng, nhưng nghĩ lại thì thấy lo, vì thiếu người sử dụng nên khó phát huy được hiệu quả” – bác sĩ Dũng trăn trở.

Một nỗi lo nữa mà ngành y tế Sơn Tây đang phải đối mặt, là làm sao giữ chân bác sĩ ở lại công tác. “Trong 5 năm qua có đến 3 bác sĩ bỏ việc, đa phần họ đều được đưa đi học, đào tạo bài bản sau đó ra trường là bỏ đi vì điều kiện ở đây khó khăn, nhưng chế độ ưu đãi thấp” – bác sĩ Dũng nói. Còn ông Phùng Quốc  Nhuận – Trưởng Phòng Y tế huyện Sơn Tây thì cho biết, hiện tại nguồn nhân lực tại chỗ đưa đi đào tạo về cơ bản đến năm 2015 sẽ đảm bảo theo quy định. “Mong muốn lớn nhất của ngành y tế huyện Sơn Tây hiện nay là có bác sĩ ở đồng bằng tình nguyện lên công tác, nhất là bác sĩ có chuyên môn để trợ giúp, hướng dẫn bác sĩ địa phương nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Hoặc tốt hơn nữa là UBND huyện có chính sách thu hút bác sĩ giỏi về công tác thì càng tốt” – ông Nhuận hiến kế.


Bài, ảnh: Lê Đức
      
 


.