(QNĐT)- Dịch cúm A/H7N9 ở người và cúm A/H5N1 đang diễn biến phức tạp tại Trung Quốc và nước ta. Trước tình hình này, tỉnh Quảng Ngãi đã tích cực lên kế hoạch triển khai các biện pháp nhằm phát hiện sớm, xử lý kịp thời phòng khi dịch bệnh xảy ra ở người trên diện rộng.
Tính đến ngày 2/5, Trung Quốc ghi nhận hơn 120 ca nhiễm cúm A/H7N9 ở người, trong đó có 27 trường hợp tử vong. Bên cạnh đó, ở một số địa phương trong nước như: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Cần Thơ, Đồng Tháp… cũng đã ghi nhận các ổ dịch cúm A/H5N1 ở gia cầm và người (có 1 trường hợp tử vong).
Theo dự đoán của nhiều chuyên gia y tế thế giới, tình hình dịch cúm gia cầm nhóm A/H7N9, A/H5N1 sẽ còn diễn biến rất phức tạp, lây lan trên diện rộng trong thời gian tới.
Trước nguy cơ này, Quảng Ngãi đã lên kế hoạch, sẵn sàng ứng phó với dịch cúm gia cầm ở người. Ngày 4/5, đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Y tế dẫn đầu đã đi kiểm tra thực tế tại huyện Nghĩa Hành- một trong những địa phương có đàn gia cầm lớn nhất tỉnh.
Đoàn kiểm tra liên ngành do ông Nguyễn Tấn Đức- Phó Giám đốc Sở Y tế làm trưởng đoàn đến thăm, khám cho bệnh nhân đang điều trị tại khu vực cách ly của Bệnh viện Đa khoa Nghĩa Hành |
Tại Bệnh viện đa khoa Nghĩa Hành, công tác ứng phó với dịch cúm gia cầm ở người nguy hiểm đã được chuẩn bị chu đáo. Lãnh đạo bệnh viện báo cáo với đoàn kiểm tra: Để tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, Bệnh viện đã bố trí khu vực thu dung, cách ly bệnh, tầm soát bệnh, lấy mẫu xét nghiệm; chuẩn bị thuốc, hóa chất khi dịch bệnh xảy ra.
Không chỉ vậy, công tác phòng, chống dịch còn được triển khai hiệu quả từ các hộ chăn nuôi. Ông Huỳnh Phú ở thôn Kỳ Thọ Nam 2- xã Hành Đức hiện đang nuôi 4.000 con vịt và 1.000 con chim bồ câu cho hay: Từ khi nghe thông tin về dịch cúm A/H5N1 đang lây lan ở đàn gà, vịt và chim yến tại nhiều địa phương trong tỉnh, tôi đã chủ động lên trạm thú y xin tiêm phòng vắc xin cho đàn gia cầm. Hằng ngày, tôi theo dõi rất kỹ nhằm phát hiện sớm những dấu hiệu bệnh để kịp thời ứng phó.
“Dịch cúm gia cầm không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho gia đình, mà còn gây nguy hại đến tính mạng con người. Do đó, tôi luôn cảnh giác cao độ và thực hiện chăm sóc đàn gia cầm đúng theo hướng dẫn của trạm thú y”- Lão nông Phú chia sẻ.
Tuy nhiên, đối với dịch cúm A/H7N9 ở người, do chưa hiểu rõ nên còn rất nhiều người dân hoang mang, chưa biết cách phòng chống. Ông Đặng Văn Bắc- ở xã Hành Dũng bày tỏ: Mấy hôm nay nghe thông tin báo đài, tôi biết rằng dịch cúm H7N9 đang hoành hành tại Trung Quốc, gây ra nhiều ca tử vong. Thực sự, tôi rất hoang mang, bởi dịch đã xuất ở nước láng giềng thì rất có thể sẽ xuất hiện trong nước. Trong khi đó, hầu hết các hộ chăn nuôi và người dân vẫn chưa biết cách đối phó.
Dịch cúm gia cầm đang có nguy cơ lây lan trên diện rộng nên các ngành chức năng phải cảnh giác cao độ, sớm triển khai các biện pháp phòng, chống. |
Trước thắc mắc này của người dân, Sở Y tế đã chủ động chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương mở lớp tập huấn cho cán bộ và nhân dân hiểu rõ về dịch cúm A/H7N9. Ông Nguyễn Tấn Đức- Phó Giám đốc Sở Y tế cho hay: Tuy tỉnh ta chưa phát hiện trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 và A/H5N1 ở người, nhưng vẫn phải chủ động phòng, chống. Sở Y tế đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc kịp thời triển khai các biện pháp để giám sát, phát hiện các trường hợp nhiễm cúm A/H7N9. Đồng thời khẩn trương xây dựng kế hoạch phòng chống trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế. Trong đó, chú trọng đến khâu tuyên truyền giúp người dân nâng cao nhận thức và thực hành các biện pháp phòng chống.
UBND tỉnh cũng đã có văn bản yêu cầu Sở Y tế phối hợp với các địa phương trong tỉnh triển khai kế hoạch phòng, chống dịch cúm A/H7N9 với 4 tình huống cụ thể như sau: Tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh cúm A/H7N9 đầu tiên trên địa bàn tỉnh. Khi có các trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 trên người nhưng chưa có biểu hiện lây từ người sang người, các cơ quan chức năng tích cực xử lý nhằm hạn chế thấp nhất việc lây lan dịch từ động vật sang người hoặc từ người sang người.
Khi phát hiện có các trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 lây từ người sang người nhưng ở phạm vi hẹp hoặc những ca đơn lẻ: Khẩn cấp thực hiện đáp ứng nhanh nhằm hạn chế thấp nhất việc lây lan ra cộng đồng. Dịch bùng phát ra cộng đồng thì huy động các nguồn lực, tăng cường các hoạt động can thiệp nhằm giảm thiểu tác động của dịch đối với cuộc sống của người dân.
“Ngành y tế đang phấn đấu phát hiện và xử lý kịp thời 100% các ổ dịch cúm A/H7N9 ở người; 100% người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, nguồn lây nhiễm được theo dõi và quản lý sức khỏe. Đồng thời, khống chế đến mức thấp nhất số trường hợp mắc và hạn chế tối đa tử vong. Để đạt được mục tiêu này, cần có sự đoàn kết chung tay của mọi người dân, chính quyền địa phương và ngành chức năng”- Ông Nguyễn Tấn Đức nói.
Bài, ảnh: Thanh Phương