Quảng Ngãi tiếp tục ứng phó với dịch cúm H5N1

10:04, 20/04/2013
.

(QNĐT)- Chỉ trong 5 ngày từ 4/4 đến 8/4, tỉnh ta phát hiện 2 ổ dịch cúm gia cầm lớn ở xã Tịnh Minh, Sơn Tịnh (1.750 con vịt) và xã Hành Thiện, Nghĩa Hành (2.225 con vịt).  Ngay sau khi phát hiện, ngành chức năng đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ số vịt bị bệnh. Đồng thời, trích 1 triệu liều vắcxin tiêm phòng sớm hơn so với kế hoạch, tránh dịch bùng phát trên diện rộng.
 


Năm 2013, UBND tỉnh quyết định cấp 2,8 triệu liều vắcxin trị giá hơn 1 tỷ đồng, cùng với 15.000 lít hóa chất (cấp từ cuối năm 2012) cho công tác phòng chống dịch cúm gia cầm.

Nhiều hộ chăn nuôi còn lơ là việc tiêm vắc xin

Thời gian này, huyện Nghĩa Hành- địa phường từng xảy ra dịch nhiều lần, đang ráo riết công tác phun thuốc tiêu độc khử trùng, tiêm vắcxin cho đàn vịt hơn 110.000 con tại 57 hộ nuôi tập trung.

Ông Võ Văn Ngọc- Trưởng trạm thú y Nghĩa Hành cho biết: Hiện, chúng tôi đang tiến hành tiêm phòng ở 12/12 xã. Điều đáng lo ngại nhất là số vịt mới nhập đàn không rõ nguồn gốc nên phải theo dõi, kiểm dịch chặt chẽ. Bên cạnh đó, lại gặp phải thái độ lơ là, không chịu tiêm phòng cho đàn vịt ở nhiều hộ dân.

Theo thống kê của Trạm thú y huyện Nghĩa Hành, trên địa bàn huyện có 57 hộ nuôi vịt tập trung thì có đến 30% số hộ không mặn mà và 10% hộ tỏ ra chống đối việc tiêm phòng.

 

Tiêm phòng cho gia cầm là điều kiện bắt buộc để phòng tránh virut cúm H5N1
Tiêm phòng cho gia cầm là điều kiện bắt buộc để phòng tránh virut cúm H5N1

 

Ông Lê Tấn Bằng ở thôn Ngọc Dạ, xã Hành Thiện có 2.225 con vịt vừa mắc bệnh, cho biết: Toàn bộ số vịt này tôi vừa mới mua nhập đàn về nên nghĩ giống tốt không cần tiêm vắc xin. Vả lại, việc tiêm phòng sẽ làm giảm sút trọng lượng, cũng như sự phát triển của đàn vịt. Chính suy nghĩ này đã hại cả bầy vịt bị mắc virut H5N1, phải thiêu hủy.

Không riêng gì gia đình ông Bằng, nhiều hộ chăn nuôi vì chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt, sợ vịt giảm cân, giảm năng suất cho trứng mà không chịu tiêm phòng. Đến khi phát hiện ổ dịch, số tiền lớn bị tiêu hủy theo bầy vịt bệnh thì nhiều người dân mới hiểu ra mình đã sai.

Tiêm phòng là bắt buộc!

Trước thái độ lơ là, chống đối của nhiều hộ chăn nuôi, Chi cục thú y tỉnh đã chỉ đạo các trạm thú y cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về việc tiêm vắc xin phòng bệnh.


Ông Nguyễn Văn Thuận- Chi cục phó Chi cục thú y tỉnh cho biết: Khoa học đã chứng minh, việc tiêm vắc xin không hề ảnh hưởng gì đến quá trình phát triển hay năng suất cho trứng, cho thịt của đàn gia cầm. Tiêm phòng đều đặn theo chu kỳ sẽ giúp đàn vịt tăng sức đề kháng, miễn nhiễm các loại virut nguy hiểm.

Hộ nào chăn nuôi gia cầm thì bắt buộc phải tiêm phòng. Với các hộ dân không chịu hợp tác, ngành thú y sẽ phối hợp với chính quyền địa phương lập đoàn đến xử phạt hành chính theo quy định. Đồng thời, khoanh vùng, không cho sản phẩm gia cầm từ các hộ chăn nuôi này lọt ra ngoài thị trường.

Ông Nguyễn Cảnh ở thôn An Phước, xã Hành Dũng có kinh nghiệm nuôi vịt đã 25 năm nay, cho biết: Tôi gắn bó với chăn nuôi vịt lâu như vậy nhưng chưa bao giờ đàn vịt hơn 4.500 con mắc cúm H5N1. Để có kết quả như vậy tôi luôn chấp hành các quy định về vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng thường xuyên. Đồng thời, tiêm vắc xin đúng theo chu kỳ.

 

Công tác tiêu độc khử trùng, phòng chống dịch cúm gia cầm đang được tỉnh ta đẩy mạnh
Công tác tiêu độc khử trùng, phòng chống dịch cúm gia cầm đang được tỉnh ta đẩy mạnh

“Mình phải nhận thức được rằng, tiêm vắc xin là việc bắt buộc phải làm nếu muốn giữ đàn vịt khỏe mạnh, cho giá trị kinh tế cao. Đợt tháng 4 vừa qua, ngay khi nghe thông tin có dịch bùng phát, tôi cũng đã vội vàng xin cấp thuốc tiêm phòng để phòng bệnh cho đàn gia cầm”- ông Cảnh nói.

Không chỉ đề phòng dịch bệnh lây lan ở đàn vịt, Chi cục thú y tỉnh cũng đã tăng cường công tác kiểm soát dịch bệnh ở các cơ sở nuôi chim yến. Ông Nguyễn Văn Thuận cho biết: Toàn tỉnh hiện có 37 cơ sở nuôi yến, là nơi có nguy cơ cao trong việc nhiễm virut H5N1. Dịch cúm chủ yếu lây lan qua đường chim di cư.

Điều đáng nói là, hầu hết các cơ sở nuôi yến đều tập trung ở TP.Quảng Ngãi (12 cơ sở)- nơi có mật độ dân cư cao. Nếu xảy ra ổ dịch ở chim yến thì khả năng dịch cúm lây qua người rất cao.

Do đó, ngay khi có thông tin phát hiện ổ dịch cúm H5N1 trên bầy chim yến ở tỉnh Ninh Thuận, ngành thú y tỉnh cũng đã triển khai đề phòng dịch bệnh bùng phát và lây lan.
 
 
Bài, ảnh: Thanh Phương

.