Xã Trà Phong thực hiện tốt công tác DS-KHHGĐ

10:03, 28/03/2013
.

(QNg)- Để nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ, hành vi của đồng bào vùng cao trong việc thực hiện  công tác DS-KHHGĐ, xã Trà Phong đã có nhiều sáng tạo, đổi mới trong công tác tuyên truyền vận động, đặc biệt là truyền thông trực tiếp về DS/SKSS/KHHGĐ.

TIN LIÊN QUAN


Trà Phong là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Tây Trà, toàn xã có  gần 4.700 người, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, phụ nữ trong độ tuổi 15- 49 có trên 750 chị. Trước đây, việc thực hiện công tác DS-KHHGĐ của xã còn nhiều hạn chế, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên còn rất cao. Nhưng 2 năm gần đây, xã Trà Phong là đơn vị dẫn đầu của huyện về thực hiện công tác DS-KHHGĐ.

Chị em phụ nữ xã Trà Lâm (Trà Bồng) tiếp nhận tài liệu DS-KHHGĐ và chăm sóc sức khoẻ sinh sản. Ảnh: Ngọc Nông
Chị em phụ nữ xã Trà Lâm (Trà Bồng) tiếp nhận tài liệu DS-KHHGĐ và chăm sóc sức khoẻ sinh sản. Ảnh: Ngọc Nông


Chị Hồ Thị Liên - một cộng tác viên (CTV) dân số của xã cho biết: Làm công tác truyền thông, vận động họp dân để phổ biến công tác DS-KHHGĐ tổ chức vào ban ngày thì không đạt hiệu quả, vì người dân đi làm rẫy. "Do đó, chúng tôi phối hợp với phụ nữ và tổ chức ban đêm. Từ đó chị em đã hiểu đẻ nhiều là khổ, không có điều kiện chăm sóc con…".

Từ năm 2010 cấp uỷ, chính quyền xã đã tăng cường công tác chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ DS-KHHGĐ, trong đó Hội phụ nữ đi đầu trong công tác tuyên truyền vận động chị em thực hiện tốt công tác này. Hội phụ nữ xem đây là một trong 5 chương trình trọng tâm của hội để giúp chị em nâng cao nhận thức và phát triển kinh tế hộ gia đình. Đại đa  số CTV dân số của xã đều là hội viên hội phụ nữ, nên trong tất cả các cuộc họp, hội nghị, sinh hoạt ở các thôn, xóm đều được lồng ghép, các già làng, trưởng thôn hưởng ứng nhiệt tình. Khẩu hiệu và cũng là phương châm hành động: "Đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, rà từng đối tượng" của đội ngũ cán bộ dân số cơ sở đã giúp nhiều người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số nhận thức đúng quyền và nghĩa vụ, vượt qua những định kiến lạc hậu về hôn nhân và sinh đẻ.

Năm 2012 và 3 tháng đầu năm 2013,  với sự chỉ đạo của chính quyền, sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ chuyên trách và 14 CTV  dân số nên tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm còn 12%. Nhận thức của đồng bào cũng được nâng lên, tự giác tham gia các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, tự nguyện thực hiện các biện pháp tránh thai. Tình trạng kết hôn cận huyết thống trên địa bàn cũng đã giảm đáng kể. Năm 2012 trên địa bàn huyện không xảy ra tình trạng  hôn nhân cận huyết.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác DS-KHHGĐ của xã vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Việc sinh con thứ 3 trở lên vẫn còn cao, nạn tảo hôn vẫn còn xảy ra, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng trên địa bàn xã vẫn còn ở mức cao. Vì vậy các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể, đặc biệt là những cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ phải đặt công tác truyền thông về DS-KHHGĐ là vấn đề hàng đầu để người dân chuyển biến nhận thức, nâng cao chất lượng cuộc sống chứ không đơn thuần là thực hiện các biện pháp tránh thai.


Trang Tuyết
 


.