(QNg)- Thời gian qua, đây đó vẫn còn một số y, bác sĩ có những việc chưa làm hài lòng người dân. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn rất nhiều thầy thuốc luôn hết lòng vì người bệnh.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Hết lòng vì người dân vùng "bệnh lạ"
Hội chứng Viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân ở Quảng Ngãi xuất hiện tại 5 xã của huyện Ba Tơ, nhưng tập trung nhiều nhất tại xã Ba Điền, diễn ra từ tháng 4/2011 với 216 người mắc. Đến tháng 6/2012 căn bệnh này đã cướp đi sinh mạng 13 người. Đồng hành cùng người dân trong "cuộc chiến" với căn bệnh quái ác là đội ngũ y tế cơ sở ở Ba Tơ. Họ trực tiếp đến với người bệnh, vận động người dân đến cơ sở khám chữa bệnh, tin tưởng vào thầy thuốc, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu. Trong đó, phải kể đến vai trò, trách nhiệm của Bác sĩ Đặng Thị Phượng - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ. Khi khởi phát căn bệnh này, bác sĩ Phượng đã cùng cán bộ y tế địa phương xuống hỗ trợ kịp thời cho Trạm y tế xã Ba Điền, đến từng nhà vận động thuyết phục, tổ chức khám bệnh cấp thuốc, nhanh chóng chuyển các bệnh nhân nặng đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh để cấp cứu kịp thời.
Bác sĩ Bệnh viện Tâm thần đang khám cho bệnh nhân. Ảnh: K.NGÂN |
Có thể nói, bác sĩ Phượng cũng chính là người trấn an, giữ vững tinh thần "Tất cả vì người bệnh" của đội ngũ y, bác sĩ tại cơ sở. Trước khi được xác định là hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân, người dân và cả đội ngũ thầy thuốc ai cũng bất an về căn "bệnh lạ". Hiểu được tâm lý của anh, chị em đang thực hiện nhiệm vụ, bác sĩ Phượng đã tích cực động viên, giải tỏa mối lo cho họ, vực dậy tinh thần đoàn kết của ngành y tế địa phương để sát cánh cùng đồng bào. Bản thân chị cũng nêu gương đi đầu, nhiều tháng liền chị cùng các cán bộ y tế huyện phải mất ăn, mất ngủ "nằm vùng" tại cơ sở. "Kể từ ngày xuất hiện ca bệnh lạ đầu tiên, chị Phượng thường xuyên có mặt kịp thời để trấn an, chăm sóc cho bệnh nhân. Có bác sĩ Phượng, chúng tôi yên tâm rất nhiều trong việc tiếp cận, điều trị ban đầu cho người bệnh" - Bác sĩ Hồ Thị Kim Chung ở Trạm Y tế xã Ba Điền nói.
Riêng bác sĩ Phượng thì tâm sự: "Ngày nào chưa loại bỏ hẳn căn bệnh này thì ngày đó tôi vẫn còn chưa yên tâm. Thời điểm này chúng tôi cố gắng tổ chức khám sàng lọc thường xuyên cho người dân trong vùng để cấp thuốc điều trị dự phòng, thường xuyên tuyên truyền hướng dẫn người dân tích cực phòng chống bệnh".
Không bỏ nghề dù nguy hiểm
Làm việc trong môi trường mà nhất cử nhất động của nhân viên đều phải cảnh giác vì có thể bị nguy hiểm bất cứ lúc nào, nhưng với tấm lòng yêu nghề, yêu thương bệnh nhân, những thầy thuốc ở Bệnh Viện tâm thần tỉnh đã không quản khó khăn, vất vả để ngày ngày chăm sóc những bệnh nhân "đặc biệt" mà xã hội gắn với cái tên nghe khá nao lòng "người điên".
Bác sĩ Nguyễn Thanh Quang Vũ - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tâm sự: "Thoạt đầu mới vào làm ai cũng sợ, nhưng lâu dần thành quen. Không ít nhân viên của bệnh viện bị đánh, bị hất nước vào mặt, thậm chí có nhân viên bị bệnh nhân "đòi ôm"… nhưng đó là những lúc lên cơn, còn bình thường họ ngoan lắm. Hiểu được hoàn cảnh và nguồn gốc bệnh của họ nên mình thương lắm. Làm việc ở đây nếu không có tình thương, không có sự cảm thông thì không thể làm được…".
Trực tiếp điều trị bệnh nhân tại Khoa tâm thần nữ, trực tiếp chứng kiến nhiều hoàn cảnh khá đặc biệt của bệnh nhân, bác sĩ Phạm Thị Thu Trà, chia sẻ: "Ai mới vào nghề này, lúc đầu đều sợ hãi, lo lắng, căng thẳng trong môi trường làm việc khác người ở đây. Nhưng rồi sau một thời gian ngắn, lại cảm thấy thương người bệnh rất nhiều".
Bác sĩ khám, điều trị cho bệnh nhân nhi ở Phòng khám đa khoa khu vực Mỹ Lai, Sơn Mỹ (Sơn Tịnh). ảnh: P.V |
Nhiều y, bác sĩ lúc đầu đến bệnh viện công tác, nghĩ sẽ làm thời gian rồi chuyển, người thân cũng khuyên không nên làm ở đây vì rất vất vả, nguy hiểm, nhưng sau thời gian gắn bó, ý nghĩ đó tan biến. Kỷ niệm với bệnh nhân, lòng yêu nghề giúp cán bộ ở đây gắn bó với công việc từng ngày.
Có đến đây, trực tiếp nhìn những y bác sĩ, nhân viên hộ lý đang cần mẫn chăm sóc bệnh nhân trong cơn điên loạn, chúng tôi thầm nghĩ: Y đức đâu phải là những điều gì cao siêu, đâu phải là tấm bảng 12 điều y đức treo lên tường để nhắc nhở… Y đức đôi khi chỉ là hành động không kịp suy nghĩ khi đưa tay cho bệnh nhân cắn vì sợ họ trong cơn kích động sẽ cắn phải lưỡi, hay lặng lẽ cắt tóc, móng tay, tắm rửa cho bệnh nhân, khi lặng lẽ "nhập vai" cùng hát, cùng làm cùng vui - buồn với bệnh nhân. Mỗi ngày, cán bộ y, bác sĩ nơi đây là một "người mẹ", bằng cả tình thương để đến với bệnh nhân. Cũng chính vì làm việc ở môi trường khá đặc biệt như vậy, y đức cứ lặng lẽ tỏa hương.
KIM NGÂN