(QNĐT)- Sau gần 10 năm công tác chị được cơ quan cử đi học Đại học ngành BS Đa khoa, năm 2007 chị tốt nghiệp ra trường và được phân công làm trưởng Trạm y tế xã Ba Cung sau một năm… Chị là nữ bác sĩ Đinh Thị Xuân Thu (SN 1978) người dân tộc H’re.
TIN LIÊN QUAN |
---|
* Về với bản làng
Năm 1995 cô sơn nữ người dân tộc H’re vác ba lô rời quê núi Sơn Giang (Sơn Hà) lên đường về phố thị nhập học cùng một niềm tin: Ngày trở về cũng sẽ là ngày căn bệnh cúng bùa vốn tồn tại ở rừng sẽ được hóa giải và những người dân quê hương khi đau ốm sẽ được chữa bệnh.
Ba năm dùi mài đèn sách, ngày ra trường cầm tấm bằng y sĩ trên tay, một lần nữa chị lại vác ba lô lên đường nhưng không phải là lời hứa ban đầu với gia đình sẽ trở về quê, cô y sĩ trẻ lại chọn đất Ba Tơ làm nơi khởi nghiệp.
Trong một lần vào bản khám bệnh cho dân. |
Ngày đầu nhận công tác, Trạm chỉ là một ngôi nhà cấp bốn nắng rọi, mưa dột, cơ sở vật chất thiếu trước hụt sau. Thế mà cô y sĩ trẻ làm việc hăng hái. “Dường như ngày đó cứ thấy bệnh nhân tìm đến Trạm khám bệnh là niềm vui lớn nhất. Bởi từ trước đến giờ người H’re có bệnh là giết gà, giết lợn cầu cứu thầy mo đến cúng giải trừ con ma” – chị tâm sự.
Bỏ lửng câu chuyện khi nhìn thấy một người mẹ trẻ cõng đứa con trên lưng vào Trạm. Chạy nhanh đến bên bệnh nhân, ân cần hỏi han bệnh tình, thay người mẹ trẻ ôm đứa bé trên tay nâng niu đưa vào giường bệnh khám.
Đứa bé ban đầu khóc ngất trên lưng mẹ, lại im lặng trên đôi tay chị. Những động tác nhẹ nhàng mà ấm cúng đến lạ kỳ. Rồi chị phát thuốc, dặn dò người mẹ cách cho cháu bé uống thuốc, cách chăm sóc và thời gian đưa cháu trở lại trạm tái khám.
Xong việc, chị kể, ngày nhận bằng tốt nghiệp là mang cả “đống gia tài” gồm vài bộ quần áo cũ, sách, vở và mấy chục ngàn tiền lẻ trước đó đi làm thêm dành dụm, cùng kiến thức học ở trường và niềm tin sẽ chữa được bệnh cho thật nhiều bệnh nhân nghèo…
Hành trình mang y học đến với đồng bào vùng cao của cô y sĩ trẻ không hề đơn giản. “Sau những tháng đầu làm việc, mình bắt đầu lo lắng. Cảm giác trống vắng nơi đất khách quê người, đêm xuống chỉ nghe tiếng suối chảy, tiếng thú kêu tưởng chừng mình không trụ nổi. Nhưng rồi được tận tay chữa bệnh cho dân, được nhìn thấy nụ cười trên môi bệnh nhân, nhìn thấy bà con dân làng khỏe mạnh đã tiếp sức mình vượt qua” – Xuân Thu tâm sự.
* Tuyên chiến với hũ tục
15 năm ròng cắm bản chữa bệnh cho dân nghèo, trải qua hàng trăm cảm giác buồn vui lẫn lộn. Chị bảo, kỷ niệm với nghề thì nhiều lắm, nhưng đáng nhớ nhất là một lần vào ngày chủ nhật gần 10 năm về trước. Hai vợ chồng chị đi phát rẫy, làm đến gần tối sắp về thì nghe vọng lại từ dưới chân núi tiếng gọi thất thanh: “Thu ơi! Cứu với, cứu người”.
15 năm ròng chị trèo đèo, lội suối giúp bà con dân bản khỏe mạnh, bất chấp những hiểm nguy rình rập |
Biết chuyện chẳng lành, đồ đạtc bỏ lại cho chồng, chị chạy thục mạng theo tiếng gọi. Đến nhà người bệnh chị mới nhớ là không mang theo đồ nghề, nhờ người dân chạy qua nhà mình lấy giúp còn chị bắt tay vào… đỡ đẻ cho người mẹ tuổi vị thành niên. Sau gần 5 giờ cứu chữa, cuối cùng “mẹ tròn con vuông”. Mọi người có mặt hôm ấy òa lên hạnh phúc. Còn chị lặng lẽ ra về lo cho các con ở nhà…
“Không có bác sĩ Thu thì chắc giờ ba mẹ con mình không còn nữa rồi! Nhà mình nghèo lắm, chẳng biết lấy gì cảm tạ cả. Chỉ biết cảm ơn bác sỹ rất nhiều” – người mẹ trẻ Phạm Thị Sát (thôn Đồng Giao, xã Ba Cung) ngồi bên hai đứa con thơ hạnh phúc nói.
Bà Đặng Thị Phượng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ cho biết, bác sĩ Xuân Thu là một người hết lòng với công việc, tận tụy với người bệnh và luôn có mối quan hệ rất tốt với đồng nghiệp. Những chuyện mà y bác sĩ người Kinh không làm được như vận động người dân ăn chín uống sôi, có bệnh phải báo cho trạm biết… cứ giao cho BS Thu là đâu lại vào đấy.
Không chỉ tận tụy với người bệnh, chị còn được đồng nghiệp gọi với cái tên “Thu liều mạng”, và chính chị cũng tự nhận mình như thế. Đó là một ngày cuối năm 2003 chị làm chấn động “phố núi” khi dám xông vào đám cúng ma cứu người bệnh bất chấp lúc đó người nhà và thầy mo có thể “xử” chị vì tội cản trở thầy mo khấn Giàng.
“Trong một lần vào làng khám bệnh cho dân, nghe người dân bàn tán chuyện một ca bệnh mà thầy mo cúng ba ngày rồi không khỏi. Gặp tôi, thầy mo “phán” nếu người nhà không để yên con ma sẽ “bắt” người đi. Lúc đó, người nhà đuổi mình ra. Mình bảo, cho vào xem thử, khi đến gần nhìn thấy nhiều mẫn đỏ nổi trên da nghi là bị nhiễm trùng huyết, nên qua nơi mẹ chồng bệnh nhân thuyết phục để khám thì được đón tiếp bằng… một trận chửi tơi bời.
Ức chế định bỏ về, nhưng nghĩ tội cô gái trên giường bệnh nên tôi quay lại thuyết phục mẹ đẻ bệnh nhân, giải thích nếu bệnh này không khám và tiêm thuốc kịp thời bệnh nặng sẽ dẫn đến chết. Người mẹ chần chừ bảo để… nghe ý kiến thầy mo. Còn cô gái nằm trên giường bệnh như muốn ngợp thở vì mùi khói nhang nghi ngút và bệnh hành hạ. Mình làm liều chạy vào dựng người bệnh dậy “cương” lại với người nhà cùng thầy mo và “cược” cả tính mạng của mình . “Nếu tôi không cứu được cô ấy tôi xin đền mạng này”, may mà còn kịp nên cô gái ấy được cứu sống.
Bữa cơm chiều đầm ấm bên người chồng và hai đứa con thơ ngập tràn hạnh phúc, chị tâm sự: “Tôi nghĩ trong trái tim mỗi người đều ẩn chứa một tình yêu thánh thiện. Không một ai nhìn thấy một sinh linh nào đó quằn quại trong nỗi đau bệnh tật mà không đem lòng trắc ẩn yêu thương. Làm nghề y, công tác ở rừng nên gặp nhiều gian khó. Dù là ngày hay đêm, hiểm nguy thế nào thì tính mạng người bệnh vẫn là trên hết. Tôi chỉ là người thắp ngọn lửa yêu thương đến mọi người thôi…” – chị Thu chia sẻ.
Bài, ảnh: LÊ ĐỨC