(QNĐT)- Ngày 26/4, Đoàn công tác của Bộ Y tế do ông Nguyễn Văn Bình- Cục trưởng Cục y tế dự phòng làm trưởng đoàn tiếp tục về xã Ba Điền, huyện Ba Tơ để khảo sát thực tế, tìm ra nguyên nhân gây hội chứng viêm dày sừng lòng bàn tay bàn chân.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Theo ghi nhận mới nhất, đến ngày 26/4, UBND xã Ba Điền báo cáo có thêm 4 trường hợp ở thôn Hy Long mắc căn bệnh này. Như vậy, tỉnh ta đã ghi nhận có 176 ca mắc bệnh kể từ tháng 4/2011.Trong ngày 26/4, đoàn công tác của Bộ Y tế đã chia thành 4 tổ khảo sát, lấy mẫu thử nghiệm và khảo sát về: Môi trường, lâm sàng, ký sinh trùng, tập tục sinh hoạt của người dân địa phương, nơi xảy ra bệnh dịch chưa có phác đồ điều trị.
Ông Nguyễn Văn Bình- Cục trưởng Cục y tế dự phòng cho biết: Sau nhiều lần khảo sát thực tế tại “rốn dịch”, chúng tôi vẫn chưa thể xác định nguyên nhân gây ra bệnh dịch. Không thể khẳng định virut Ricketsia gây sốt mò bọt chét là nguyên nhân gây bệnh. Do vậy, chúng tôi cần phải tiếp tục lấy mẫu đất, nước, tóc… của người bệnh để xét nghiệm với mong muốn tìm ra nguyên nhân bệnh sớm nhất để lòng dân được yên ổn.
Cán bộ đoàn công tác của Bộ Y tế lấy mẫu tóc của bệnh nhân mắc bệnh |
Sau hơn một năm, bệnh dịch bùng phát tại xã vùng cao Ba Điền, đã khiến cho nhiều hộ gia đình rơi vào cảnh điêu đứng, hoảng loạn khi phải chứng kiến cảnh từng người thân của mình lần lượt ra đi mà không rõ nguyên nhân. Đặc biệt, từ cuối tháng 3/2012, hội chứng viêm dày sừng lòng bàn tay bàn chân có dấu hiệu bùng phát mạnh lại càng khiến cho người dân xã Ba Điền luôn sống trong lo sợ.
Ông Phạm Văn Hiền (sinh năm 1957) ngụ ở đội 4, thôn Làng Rêu, xã Ba Điền buồn bã cho biết: Hơn một năm nay, gia đình tôi có đến 4 người lần lượt mắc bệnh là vợ, con gái, con rể và cháu ngoại. Đau lòng nhất là kẻ đầu bạc như ông phải chứng kiến cảnh đứa cháu ngoại tên Phạm Thị Xâm mới 4,5 tuổi đã phải gục ngã trước căn bệnh oái oăm.
Hiện nay, con gái của ông Hiền là Phạm Thị Ân (26 tuổi) sau 3-4 tháng điều trị tại Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi, Quy Hòa rồi về nằm điều trị tại Trung tâm y tế huyện Ba Tơ vẫn không khỏi bệnh nên đành trốn viện về nhà. Chị Ân cực nhọc nói: “Nằm viện cho bác sĩ điều trị mãi mà bệnh không khỏi, lại nhớ nhà nữa nên tôi về nhà cho rồi…”
Ông Phạm Văn Hiền đau xót kể về chuyện gia đình ông có đến 4 người mắc bệnh |
Tại thôn Làng Rêu, xã Ba Điền, không ít gia đình rơi vào cảnh bi đát như ông Hiền. Cụ thể như gia đình của vợ chồng ông Phạm Văn Nhọc và bà Phạm Thị Sao. Những ngày này, gia đình ông Nhọc như bị bao trùm bởi không khí ảm đạm, nặng nề. Sau nhiều tháng trị bệnh ở khắp nơi, bà Sao đành đưa già Nhọc về chăm sóc tại gia đình trong vô vọng.
“Ông ấy yếu lắm rồi. Cả ngày mà chỉ ăn được miếng cháo, miếng cơm thôi. Cả người ốm trơ xương, lại bị căn bệnh kinh hoàng đó dày vò khiến tay chân nổi mẩn, lở loét cả. Không biết ông ấy chịu đựng được đến bao giờ nữa…”- Bà Phạm Thị Sao khẽ lấy tay quệt giọt nước mắt đang lăn dài trên đôi gò má hằn những vết chân chim.
Theo nhiều người dân địa phương, từ tháng 3/2008, tại xã Ba Điền đã có 2 trường hợp chết không rõ nguyên nhân. Đó là Phạm Văn Duy, Phạm Văn Viện đều đang ở lứa tuổi học sinh. Đến năm 5/2010 có thêm em Phạm Văn Mú, học sinh lớp 6 trường Tiểu học- THCS Ba Điền qua đời. Cả 3 em đều ngụ ở đội 2 thôn Gò Nghênh, xã Ba Điền.
Điều đáng nói ở đây là cả 3 học sinh trước khi chết, đã có những biểu hiện viêm da, nổi mẩn, rụng tóc, chán ăn, sốt cao… giống với biểu hiện của hội chứng viêm dày sừng lòng bàn tay bàn chân. Tuy nhiên, do tập tục sinh hoạt của người dân địa phương, họ đã mời thầy lập đàn, cúng bái mà không đem tới cơ sở y tế địa phương để khám và điều trị.
Thầy Nguyễn Văn Dương- Hiệu trưởng Trường Tiểu học- THCS Ba Điền cho biết: Cả 3 em học sinh đều theo học tại trường, đột nhiên ngả bệnh và chết mà không biết đã mắc bệnh gì. Đến khi căn bệnh lạ bùng phát thì chúng tôi mới ngờ rằng nguyên nhân các em qua đời là do mắc phải hội chứng viêm dày sừng này.
Ông Phạm Văn Xuân- Cán bộ Trạm y tế xã Ba Điền cho biết: Chúng tôi xác nhận 3 trường hợp tử vong năm 2008 và 2010 có dấu hiệu giống với các biểu hiện bệnh của hội chứng viêm dày sừng lòng bàn tay bàn chân. Tuy nhiên, lúc đó các hộ gia đình có bệnh nhân mắc bệnh không đem đến cơ sở y tế để khám nên chúng tôi không lưu hồ sơ bệnh án.
Ông Nguyễn Văn Bình- Cục trưởng Cục y tế dự phòng (thứ 2 từ phải qua) trả lời phóng viên về hội chứng viêm dày sừng lòng bàn tay bàn chân |
Như vậy, rất có thể hội chứng viêm dày sừng lòng bàn tay bàn chân đã xuất hiện tại xã Ba Điền từ nhiều năm trước đây, nhưng vẫn chưa được phát hiện mãi đến khi ca bệnh đầu tiên được ghi nhận vào ngày 19/4/2011.
Trước tình cảnh cuộc sống của nhiều hộ dân ở xã Ba Điền rơi vào bế tắc vì hội chứng viêm dày sừng lòng bàn tay bàn chân, Sở Y tế, Bộ Y tế và nhiều cơ quan chức năng cấp Trung ương đã vào cuộc với mong muốn trả lại sự yên bình cho xã vùng cao.
Từ đầu tháng 4/2012, trung bình mỗi tuần có 1-2 đoàn công tác trong tỉnh và Trung ương đến Ba Điền khảo sát. Tuy nhiên, câu trả lời cho đến hiện tại vẫn là: Chưa thể xác định nguyên nhân gây ra bệnh.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Bình- Cục trưởng Cục y tế dự phòng cho biết: Hơn một năm qua, chúng tôi vẫn không ngừng nỗ lực hết sức mình để tìm nguyên nhân gây ra căn bệnh này. Tuy nhiên, cần phải tìm hiểu, khảo sát nhiều yếu tố khác nhau tại địa phương mới có căn cứ nghiên cứu, xác định nguyên nhân và tìm ra phác đồ điều trị. Thời gian để nói đích xác nguyên nhân gây bệnh và cách chữa trị là gì có thể còn kéo dài.
Thanh Phương