Vượt qua nghịch cảnh

06:01, 14/01/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Dám ước mơ và theo đuổi khát vọng, nỗ lực vượt nghịch cảnh để vươn lên bằng con đường học vấn... là điều mà tôi cảm nhận được ở nhiều bạn sinh viên xuất sắc người Quảng Ngãi tại chương trình Nâng bước thủ khoa 2022. Chương trình do Báo Tiền Phong phối hợp với Quỹ Hỗ trợ tài năng trẻ Việt Nam của Trung ương Đoàn tổ chức cuối năm vừa qua.
 
Đứng lên trong nước mắt
 
“Sinh ra không có cha, cuộc sống của hai mẹ con bữa đói bữa no và nhiều gian khó...”, Phạm Vĩnh Nguyên kể về những vất vả của hai mẹ con suốt nhiều năm qua. Mơ ước lớn nhất của cậu bé Nguyên suốt những năm tháng học tiểu học rồi THCS là có được chiếc xe đạp để đi học, song điều đó đã không thành hiện thực. Những bất hạnh, thiếu thốn đã khiến Nguyên có lúc muốn buông xuôi, mặc cho số phận. Một lần, thấy hai hàng nước mắt của mẹ tuôn rơi vì xúc động khi con có được thành tích nho nhỏ trong học tập, Nguyên như bừng tỉnh. Từ đó, Nguyên nỗ lực vượt qua hoàn cảnh khó khăn để hiện thực hóa ước mơ lớn hơn chiếc xe đạp, đó là bước từ làng quê Nghĩa Điền (Tư Nghĩa) đến ngưỡng cửa đại học. Cuối cùng Nguyên cũng đạt được ý nguyện, chính thức trở thành tân sinh viên Trường Đại học Thể dục Thể thao Đà Nẵng. 
 
Tác giả cùng sinh viên Trần Thị Thanh Ngân tại chương trình Nâng bước thủ khoa, diễn ra tại TP.Hồ Chí Minh ngày 1/12/2022.                                                                              ẢNH: PV
Tác giả cùng sinh viên Trần Thị Thanh Ngân tại chương trình Nâng bước thủ khoa, diễn ra tại TP.Hồ Chí Minh ngày 1/12/2022. ẢNH: PV
Gia đình bà Nguyễn Thị Khớ là một hộ nghèo ở phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi). Đến khu vực tổ 7 hỏi thì ai cũng biết “bà Khớ cụt” với đứa con gái chăm ngoan, học giỏi. “Nhà ngoại rất nghèo, mẹ em phải bươn chải để kiếm sống từ khi còn nhỏ và không may bị tai nạn tàu hỏa, mất một tay, một chân khi ở tuổi 14...”, Trần Thị Thanh Ngân, con gái bà Khớ, mở đầu bằng câu chuyện không vui.
 
Ngân ra đời cũng không biết mặt cha. Khi được 6 tháng tuổi, bà Khớ phải gửi Ngân cho ông bà ngoại để vào TP.Hồ Chí Minh bán vé số kiếm tiền nuôi con. Rồi ông bà ngoại cũng lần lượt qua đời khi Ngân còn nhỏ. Bà Khớ phải trở về quê ở bên con và tiếp tục bán vé số. Ngoài giờ học, Ngân cũng tranh thủ đi bán vé số, phục vụ quán ăn để kiếm tiền phụ mẹ. Mặc dù vậy, Ngân vẫn quyết tâm học tập để theo đuổi ước mơ. Và Ngân đã trúng tuyển vào ngành Công nghệ thông tin, Trường Đại học Nông lâm TP.Hồ Chí Minh.
 
Không chùn bước
 
Theo mẹ đi rẫy từ khi mới lọt lòng, tuổi thơ của Đinh Thị Thiết gắn chặt với những cánh rừng, ruộng rẫy ở xã Sơn Thành (Sơn Hà). Tuy cơm không đủ no nhưng cô bé người Hrê này vẫn quyết tâm học và đạt học sinh giỏi suốt 12 năm phổ thông. Năm 2019, Thiết đỗ vào Trường Đại học Tôn Đức Thắng nhưng phải chuyển sang học tại một trường cao đẳng với học phí thấp hơn. Thiết vừa học vừa làm để có tiền sinh sống và đóng học phí. “Hôm nào rảnh em đi phục vụ quán cà phê từ sáng sớm đến nửa đêm”, Thiết kể. Được một thời gian, dịch Covid-19 bùng phát, không còn việc làm, thu nhập cũng không, Thiết buộc phải bỏ dở việc học tại TP.Hồ Chí Minh, về quê kiếm sống. Mặc dù vậy, “trong em vẫn ấp ủ ước mơ được đi học để có việc làm và thu nhập ổn định”, Thiết bày tỏ. Năm học này, Thiết quyết định đăng ký dự tuyển vào Trường Đại học Phạm Văn Đồng và đã trúng tuyển ở tốp đầu. Ngoài giờ học, Thiết đi làm thêm để kiếm sống. “Khó khăn là thế, nhưng em chưa bao giờ ngừng cố gắng...”, cô giáo mầm non tương lai chia sẻ.
 
Hai nữ sinh viên Trường Đại học Phạm Văn Đồng Đinh Thị Thiết và Đinh Y Du Lịch nhận học bổng tại  chương trình Nâng bước thủ khoa 2022.                                                            ẢNH: PV
Hai nữ sinh viên Trường Đại học Phạm Văn Đồng Đinh Thị Thiết và Đinh Y Du Lịch nhận học bổng tại chương trình Nâng bước thủ khoa 2022. ẢNH: PV
Gia cảnh của em Phạm Phương Thảo cũng vô cùng khó khăn nên em phải bỏ dở việc học tại Trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng để về nhà đi làm phụ bố mẹ lo cho đứa em khuyết tật. Thảo phục vụ quán cà phê và trợ giảng cho một trung tâm ngoại ngữ ở TP.Quảng Ngãi. “Thu nhập hạn chế và đời sống rất khó khăn nhưng em vẫn không chùn bước, vẫn cố gắng để học tới nơi tới chốn”, Thảo nói. Thảo đã viết tiếp ước mơ của mình bằng việc ghi tên vào ngành Sư phạm tiếng Anh, Trường Đại học Phạm Văn Đồng trong năm học này.
 
Bốn người trong gia đình của Đặng Trần Trường Sơn, ở huyện Trà Bồng thì sống trong ngôi nhà tạm bợ rộng 24m2 trên đất của người khác. Tuổi thơ của Sơn không kể xiết nỗi cơ cực nhưng cậu bé vẫn không ngừng ước mơ và khao khát lập thân lập nghiệp với mục tiêu trở thành công dân ưu tú, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội, góp phần xây dựng quê hương, đất nước. Trường Sơn đã bước đầu chạm đến ước mơ khi trở thành tân thủ khoa của Trường Đại học Tài chính - Kế toán. “Con đường phía trước còn nhiều chông gai nhưng với sự nỗ lực của bản thân, sức trẻ và lòng nhiệt huyết, em sẽ vượt qua tất cả để hoàn thành ước mơ của mình”, Trường Sơn tự tin nói.
 
Vươn lên cùng khát vọng
 
Tại lễ tôn vinh và trao học bổng Nâng bước thủ khoa 2022, Đinh Thị Huệ, sinh viên của Trường Đại học Phạm Văn Đồng được Ban tổ chức mời tham gia giao lưu để truyền cảm hứng về sự vượt khó. Huệ từng được nhận học bổng Nâng bước thủ khoa hai năm trước đó.   
 
Đinh Thị Huệ là người Hrê ở huyện Sơn Hà. Sinh ra đã không có bố, một mình mẹ bươn chải nuôi Huệ. Năm Huệ 13 tuổi, mẹ mắc bệnh nan y rồi qua đời. Huệ ở với cậu. Một thời gian sau cậu cũng qua đời. Nhưng rồi, nhờ thầy cô, bạn bè động viên và một người mợ tốt bụng, Huệ đã vượt qua những cú sốc để trở lại với con đường học tập.
 
Những người con của Quảng Ngãi là tân thủ khoa, sinh viên xuất sắc tại các trường đại học trong cả nước tại chương trình Nâng bước thủ khoa 2022.               ẢNH: ĐẠI DƯƠNG
Những người con của Quảng Ngãi là tân thủ khoa, sinh viên xuất sắc tại các trường đại học trong cả nước tại chương trình Nâng bước thủ khoa 2022. ẢNH: ĐẠI DƯƠNG
Câu chuyện của Huệ đã truyền nghị lực, cảm hứng cho nhiều bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn và kém may mắn. Trước đó, vì cảm phục những nỗ lực vượt khó và nhằm giúp cô gái mồ côi này có điều kiện tiếp tục học tập, ngoài suất học bổng Nâng bước thủ khoa, Ban tổ chức chương trình Nâng bước thủ khoa còn quyết định hỗ trợ Đinh Thị Huệ khoản kinh phí 2 triệu đồng/tháng trong suốt 4 năm đại học. Huệ vẫn đang từng ngày nỗ lực học tập để hiện thực hóa ước mơ trở thành cô giáo, mai này trở về phục vụ quê hương.
 
Tiến sĩ Nguyễn Đức Hoàng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phạm Văn Đồng chia sẻ, phần lớn sinh viên của trường đều sinh ra ở nông thôn, miền núi tỉnh Quảng Ngãi. Nhiều em có hoàn cảnh hết sức khó khăn, song vẫn luôn mang hoài bão lớn, không ngừng nỗ lực và đạt những kết quả rất tốt trong học tập, rèn luyện với cháy bỏng khát vọng cống hiến cho quê hương, đất nước.
 
ĐẠI DƯƠNG
 
 

.