"Vẽ lối đi" cuộc đời

08:07, 24/07/2019
.
(Baoquangngai.vn)- Đam mê hội họa từ thời còn ngồi trên ghế nhà trường, chàng trai trẻ Ngô Hồng Kiên (32 tuổi) ngụ xã Tịnh Đông huyện Sơn Tịnh quyết tâm theo đuổi môn nghệ thuật mà mình yêu thích. Chục năm gắn bó với nghề vẽ tranh, trải qua biết bao cung bậc xảm xúc, với anh hội họa không chỉ đơn thuần là công việc mưu sinh mà còn là một người bạn tri kỷ không thể tách rời.
 
Khởi nghiệp từ ghế nhà trường
 
Gặp Ngô Hồng Kiên sau chuyến đi “tác nghiệp” với các cộng sự ở Hội An, anh Kiên bảo, “Nghề của mình phải đi nhiều nơi. Khách hàng yêu cầu vẽ ở đâu thì mình đi đấy. Đi nhiều, cảm hứng sáng tác cũng sẽ ngày càng phong phú hơn. Cho mình nhiều cơ hội trải nghiệm thú vị, học hỏi được từ những đồng nghiệm trong và ngoài tỉnh”. Có lẽ đi nhiều, trăn trở với những nét vẽ sao cho ngày một độc đáo, nên trông anh khá điềm tĩnh phảng phất nét bụi bặm, phong trần. 
 
Chia sẻ cơ duyên đến với nghề, anh Kiên kể, hồi còn là sinh viên năm 2 ở Đà Nẵng, vì thấy mình vẽ đẹp nên có người đã nhờ mình vẽ trang trí cho một ngôi trường mầm non. Với tâm lí của một sinh viên còn đang đi học cùng thể loại tranh khá mới mẻ, ban đầu cũng có chút bỡ ngỡ, nhưng tôi vẫn mạnh dạn thử sức mình. Những nét cọ đầu tiên của Kiên khỏa lấp những bức tường mầm non, khiến ngôi trường trở nên sinh động và đầy tính thân thiện làm học sinh và đội ngũ giáo viên nhà trường cảm thấy rất hài lòng. 
 
1
Đối với anh Kiên, vẽ tranh không chỉ là công việc mà còn là đam mê
2
chàng trai trẻ quyết tâm theo đuổi môn nghệ thuật mà mình yêu thích
 
Nhớ lại kỷ niệm đầu đặt nét cọ lên một “công trình lớn” anh bảo, thời sinh viên còn khó khăn, ăn uống đạm bạc, vậy mà mỗi khi cầm cọ trên tay để vẻ là gần như mình bị cuốn theo những nét cọ bay bổng, dốc tâm sức thổi hồn vào tác phẩm. Nhận “dự án” đầu tay và không làm “chủ đầu tư” thất vọng, tôi được họ tặng một khoảng thù lao kha khá, song điều quan trọng hơn là sau “dự án”, bản thân mình cảm thấy tự tin hẳn lên và bắt đầu nhận vẽ tranh tường ở nhiều trường mầm non khác, rồi đến những nơi đòi hỏi kỹ thuật cao hơn như quán cà phê, nhà hàng… để thỏa đam mê, đồng thời cũng là một nghề để mình mưu sinh, đỡ đần phần nào cho ba mẹ.
 
Sau khi ra trường vào năm 2012, anh Kiên tiếp tục ở lại Đà Nẵng. Ngoài việc nhận viết thư pháp, vẽ tranh sơn dầu, hay tranh tường, Ngô Hồng Kiên còn mở một lớp dạy viết thư pháp. Đây là lớp học đặc biệt vì lớp học dạy hoàn toàn miễn phí. Ngoài các bạn trẻ đam mê thư pháp đến học, lớp còn có sự góp mặt của các sư ở chùa.
 
Anh Kiên tâm sự, học viên đến học khá đông, điều đó làm mình rất vui, bởi từ lâu mình muốn lan tỏa những điều mình học được từ nghệ thuật thư pháp đến với công chúng. Trong thư pháp ngoài vẻ đẹp được thể hiện từ nét bút còn chứa đựng nét văn hóa xưa và văn hóa Phật giáo. Nó khiến tôi cảm thấy trân quý hơn và muốn góp phần phát huy giá trị của nghệ thuật viết thư pháp.
 
Dự định còn ấp ủ
 
Có được một phòng tranh tại Đà Nẵng với lượng khách hàng tương đối ổn định, cũng như thường xuyên góp mặt tại các chương trình, dự án quy mô lớn như chương trình “Mỹ thuật Đường phố Đà Nẵng”, “Âm nhạc đường phố”, hay vẽ ở nhà khách Quốc hội Nalod Đà Nẵng... Nhưng cách đây hai năm, anh Ngô Hồng Kiên quyết định về Quảng Ngãi.
 
Hiện tại, anh Kiên cùng hai người bạn khác thành lập nhóm vẽ tại nhà với thu nhập trung bình mỗi người khoảng 8 triệu/ tháng. Vào ngày Lễ Tết, mỗi ngày anh có thu nhập từ 1- 2,5 triệu từ việc bán tranh sơn dầu và thư pháp. Thành quả này có được đều nhờ cả vào sự sáng tạo, lòng đam mê đối với nghề vẽ, không ngại thử thách của anh.
 
Ngoài tạo nguồn thu nhập cho bản thân, Ngô Hồng Kiên hi vọng góp phần đẩy mạnh phong trào vẽ tranh tường, tranh sơn dầu cũng như thư pháp Quảng Ngãi phát triển hơn nữa. 
 
3
Anh Kiên tham gia vẽ tại chương trình Âm nhạc Đường phố Đà Nẵng
 
Ngô Hồng Kiên chia sẻ, để thành công với nghề, bản thân mình luôn trao dồi, học học để những tác phẩm của bản thân thêm sức sáng tạo, ít đi những tác phẩm lặp lại, đồng thời cũng phải chịu khó lắng nghe, cảm nhận đánh giá của khách hàng. Mỗi khi thấy khách hàng tấm tắc khen ngợi khi đón nhận tác phẩm của mình, đó là niềm hạnh phúc, cũng là động lực để bản thân không ngừng nâng cao tay nghề.
 
Công việc ổn định tuy nhiên phải thường xuyên nay đây mai đó, nhưng Kiên chưa bao giờ chùn bước trước khó khăn. Sắp tới anh dự định sẽ mở một phòng tranh tại Quảng Ngãi, nơi những tác phẩm sáng tác về quê hương sẽ được giới thiệu đến đông đảo công chúng.
 
Anh bảo, lăn lộn với đủ mọi thứ nghề, được trở về quê hương khởi nghiệp, với mình đó là niềm hạnh phúc. Được gần gia đình, người thân, cũng là điều kiện để mình và các cộng sự sáng tác nhiều hơn. Nghề vẽ tranh ở Quảng Ngãi cũng là một nghề tương đối mới, đây là mảnh đất màu mỡ để các bạn trẻ yêu thích hội họa sáng tác, quảng bá về nét đẹp về quê hương Núi Ấn sông Trà ngày một nhiều hơn.
 
Bài, ảnh: THANH NHÀN
 

.