(Báo Quảng Ngãi)- Vùng cao Quảng Ngãi còn nhiều khó khăn, cách trở. Cái nghèo, cái đói vẫn đeo bám, khiến những chàng trai nơi miền sơn cước trăn trở và quyết tâm thay đổi. Họ vay mượn tiền đầu tư trồng rừng, chăn nuôi hoặc đi làm công góp tiền lại cho nhau mượn để khởi nghiệp...
TIN LIÊN QUAN |
---|
Từ vượt khó...
Đến xã vùng cao Ba Tiêu, nhiều người sẽ ngạc nhiên khi ở nơi “thâm sâu” dưới chân đèo Viôlắc có mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng - rừng của chàng trai trẻ Phạm Văn Ô, trị giá hàng tỷ đồng. Để có cơ ngơi như vậy, với Phạm Văn Ô là quãng thời gian kiên trì, bền chí, quyết tâm thoát nghèo.
Nhờ vốn Chi đoàn hỗ trợ, anh Hồ Văn Vĩnh đã đầu tư máy móc hiện đại tạo ra sản phẩm có chất lượng cao. |
Năm 2004, Phạm Văn Ô lập gia đình và được cha mẹ cho hai con trâu làm vốn. Trong những lần chăn trâu, anh luôn ước mong mình không chỉ hai mà là cả đàn trâu. “Ước mơ vậy thôi, chứ mình đâu nghĩ lại thành công như hôm nay, vì không có vốn”, anh Ô tâm sự.
Trong một lần sinh hoạt Đoàn, nghe phổ biến kinh nghiệm làm giàu và có nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương Đoàn, Phạm Văn Ô "liều" làm đơn vay 20 triệu đồng, cộng với mượn người thân số tiền gần 50 triệu đồng, anh mua thêm 1 con trâu và ít đất rừng để trồng mía. Sau hai năm không những trả xong nợ, mà anh còn dư một số vốn kha khá. Có tiền, anh tiếp tục mua đất trồng rừng, thuê người khai phá đất bồi ven sông trồng lúa. Và sau mỗi mùa thu hoạch mía, lúa, mì... anh lại tái đầu tư vào trồng rừng và mua trâu giống chất lượng cao về nuôi.
Không dừng lại ở đó, Phạm Văn Ô tìm hiểu mô hình đào ao nuôi cá kết hợp nuôi gà, vịt thả vườn. “Để có được cơ ngơi hôm nay là nhờ sự động viên, khích lệ tinh thần rất lớn từ các anh chị trong Ban Chấp hành Đoàn xã và lãnh đạo địa phương”, anh Ô cho biết.
Chàng trai Ca Dong Đinh Văn Nhân ở xã Sơn Bua (Sơn Tây), sinh ra trong gia đình nghèo, đông anh em nên luôn khao khát thoát nghèo. Và con đường Nhân chọn để thoát nghèo là xuất khẩu lao động.
Bốn năm trời mưu sinh nơi xứ người, anh tích lũy được hơn 200 triệu đồng. “Lúc đó mình nghĩ đến chuyện xây nhà cho vợ con ở. Nhưng nếu mua đất, xây nhà thì sẽ không còn vốn làm ăn, nên mình bàn với vợ gác lại chuyện xây nhà để lấy tiền mua đất trồng keo, lồ ô, mì...”, Nhân kể.
Những rẫy keo, rẫy mì cứ thế xanh tốt dưới bàn tay chăm sóc cần cù, tỉ mẩn của vợ chồng Nhân. Và quả ngọt cũng đến khi những lứa keo, mì mang đến cho anh nguồn thu gần 150 triệu đồng mỗi năm.
...đến giúp vốn phát triển sản xuất
Xã miền cao Trà Thọ (Tây Trà) hầu hết người dân đều nằm trong diện nhận tiền đền bù từ Dự án hồ chứa nước Nước Trong. Từ ngày có tiền, thanh niên trong thôn trở nên lười lao động và sa đà vào chè chén, tiêu pha phung phí. Và chỉ sau thời gian ngắn tiền hết, tỷ lệ tái nghèo tăng lên.
Anh Đinh Văn Nhân, tấm gương sáng vươn lên thoát nghèo ở vùng cao Sơn Bua. |
Trước tình hình đó, Chi đoàn thôn Tây quyết định tạo việc làm cho đoàn viên thanh niên thông qua nhận khoán thu hoạch keo, phát dọn nương rẫy. Trong đó, một nửa số tiền làm công sẽ nộp vào quỹ Đoàn để làm vốn cho thanh niên trong thôn vay không lãi suất để làm ăn.
Hai năm qua, cách làm trên trở thành điểm sáng trong phong trào tuổi trẻ lập thân lập nghiệp. Để có thành quả như hôm nay là hành trình dài từ huy động đoàn viên thanh niên tham gia nhận khoán công việc. Chỉ sau thời gian ngắn, nguồn quỹ tăng lên nhanh chóng và số tiền 11 triệu đồng được Chi đoàn thôn Tây quyết định cho thanh niên nghèo Hồ Văn Vĩnh vay.
Là người đầu tiên ở xã Trà Thọ mở xưởng mộc, nhưng do kinh tế gia đình khó khăn, Vĩnh không thể đầu tư máy móc, thiết bị, nên chỉ nhận làm những sản phẩm bàn ghế đơn giản. Sau khi được Chi đoàn cho mượn 11 triệu đồng, Vĩnh mua máy bào, máy phun sơn... nhờ đó các sản phẩm gỗ từ bình dân đến cao cấp mà người dân trong xã đặt làm, anh đều nhận.
Sau khi sử dụng vốn hỗ trợ thành công, Vĩnh hoàn trả lại tiền cho Chi đoàn. Số tiền ấy lại tiếp tục “xoay vòng” giúp đỡ thanh niên khác.
Nhân lên cách sống đẹp
Không chỉ làm giàu cho bản thân, các thanh niên vượt khó thành công còn nhiệt tình giúp đỡ bạn bè vươn lên thoát nghèo. Như trường hợp của chàng trai Phạm Văn Thúc, xã Ba Tiêu dù có khát vọng thoát nghèo nhưng thiếu vốn. Từ khi được anh Phạm Văn Ô cho mượn số tiền 20 triệu đồng để mua trâu về nuôi, đến nay Thúc đã có trong tay đàn trâu gần 20 con. Từ tiền bán trâu anh mua được rẫy trồng keo, hoàn trả tiền cho anh Ô và tiếp tục giúp đỡ thanh niên khác trong xã. Còn Đinh Văn Nhân ngoài hỗ trợ vốn cho thanh niên trong thôn làm ăn, anh còn trích tiền mua một mảnh đất nhỏ để mở sân bóng chuyền cho thanh niên có nơi rèn luyện sức khỏe.
Theo Bí thư Tỉnh đoàn Đặng Minh Thảo, với cách gầy dựng phong trào của đoàn viên thanh niên thôn Tây, hay các thanh niên vượt khó gầy dựng cơ nghiệp và hỗ trợ thanh niên khác cùng làm giàu là những hình ảnh rất đẹp của tuổi trẻ vùng cao. “Tỉnh đoàn sẽ tiếp tục đồng hành nhân lên hình ảnh ấy để khuyến khích thanh niên vùng cao khởi nghiệp làm giàu cho bản thân và quê hương”, anh Đặng Minh Thảo nói.
Bài, ảnh: ĐỨC LÊ