Hỗ trợ khởi nghiệp

02:01, 13/01/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)-  Có muôn ngàn cách “khởi nghiệp” đối với một doanh nhân. Có người chỉ có trong tay vài chỉ vàng vay mượn, sau 10 năm đã có khối tài sản khổng lồ. Lại có người chỉ nhờ vào một lời khuyên của người đi trước để rồi chẳng bao lâu sau đó, họ có cả một gia sản khó ai bì được. Cũng có người khá long đong lận đận trên bước đường kinh doanh, cuối cùng cũng gặt hái được thành công. Mấy năm nay, hai chữ “khởi nghiệp” gần như được nhắc đến khá nhiều trên các diễn đàn, nhất là những diễn đàn nói về thanh niên lập nghiệp.

TIN LIÊN QUAN


Một câu hỏi được đặt ra là, đối với một người trẻ tuổi khởi nghiệp, họ cần gì trước tiên? Dĩ nhiên ai cũng nói câu này: Họ cần tiền. Điều đó đúng, nhưng chưa đủ.

Để đến được đích, mỗi doanh nhân có một cách đi, chẳng ai giống ai cả. Có điều, dù là đi bằng cách gì thì cũng phải có một nguyên tắc chung, đó là sự chăm chỉ, luôn học hỏi và phải thực tế, không mơ mộng viễn vông, đồng thời họ phải được sự hỗ trợ từ nhiều phía, trong đó phải kể đến sự hỗ trợ của chính quyền. Hỗ trợ đây không phải tiền mà là tạo điều kiện thuận lợi trong chính sách để những ai có ý định khởi nghiệp cũng không gặp những vướng mắc không đáng có. Việc UBND tỉnh Quảng Ngãi tiếp nối Chương trình Cà phê doanh nhân và Hỗ trợ khởi nghiệp năm 2018 vào ngày thứ bảy của tuần đầu năm vừa rồi là một cách “hỗ trợ” theo chiều hướng đó.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong năm 2017, đã có 11 cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo tỉnh với các doanh nhân tại căng tin của Nhà khách UBND tỉnh vào thứ bảy tuần đầu tiên hằng tháng. Việc tổ chức được những buổi “cà phê doanh nhân” như thế không phải là cách làm mới, vì mô hình này đã được các tỉnh miền Tây Nam Bộ thực hiện mấy năm qua.

Theo như báo cáo của tỉnh, tỷ lệ “giải quyết vụ việc” như thế là “trên mức mong đợi” của doanh nghiệp. Vì trong 11 lần gặp gỡ tại quán cà phê ấy, các doanh nghiệp đã đề xuất 50 ý kiến, nhờ UBND tỉnh tháo gỡ thì có đến 44 đề xuất đã được giải quyết, 6 kiến nghị còn lại tỉnh đang xử lý. Tuy nhiên, điều mà các doanh nghiệp cũng như người dân quan tâm là chất lượng của các kiến nghị đó như thế nào.

Chúng ta không nên chạy theo số lượng để có “thành tích” mà cần đi vào chiều sâu của sự việc. Các kiến nghị mà doanh nghiệp nêu ra phải mang tầm bao quát, tác động không chỉ đến bản thân doanh nghiệp đó, mà nó còn ảnh hưởng đến quyền lợi của cả cộng đồng. Vì thế, cần tránh những “kiến nghị” vụn vặt, mang tính sự vụ hơn là những điều mang tầm bao quát.

Vì những lẽ đó cho nên, việc giải quyết 44/50 kiến nghị của doanh nghiệp dù chiếm tỷ lệ cao, song người dân rất cần biết chất lượng của các kiến nghị đã được giải quyết như thế nào. Vì suy cho cùng, hỗ trợ khởi nghiệp không chỉ là cho một doanh nhân cụ thể mà nó phải tác động đến đời sống của cả cộng đồng thì việc hỗ trợ đó mới mang lại nhiều ý nghĩa nhất.
                         

  TRẦN ĐĂNG
 


.