Thanh niên làng biển đam mê khởi nghiệp

10:06, 02/06/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sinh ra và lớn lên ở vùng biển xã Phổ Thạnh (Đức Phổ), đã từng lênh đênh trên biển đánh cá mưu sinh, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, họ quyết định “lên bờ” và khởi nghiệp bằng nhiều mô hình kinh tế.

TIN LIÊN QUAN

Lớn lên ở vùng biển, sau khi rời ghế trường THPT, Nguyễn Tấn Vũ (26 tuổi) đã theo những chuyến tàu đi bạn trên biển. Được 2 năm, Vũ quyết định nhập ngũ. Trở về địa phương, làm nhiều nghề, nhưng cũng chỉ đủ sống, chẳng tích góp được gì.

Đọc báo thấy mô hình nuôi thỏ cho kinh tế khá, năm 2015, Vũ xin ba mẹ mặt bằng và ít vốn để nuôi hơn trăm con thỏ, từ đó nhân đàn, tìm hướng đi mới. Vừa làm vừa học, Vũ tranh thủ ra Đà Nẵng tìm giống thỏ tốt và học hỏi thêm kiến thức và kinh nghiệm.

Anh Nguyễn Tấn Vũ với mô hình nuôi thỏ.
Anh Nguyễn Tấn Vũ với mô hình nuôi thỏ.
Sau thời gian ngắn, năm 2016, trang trại của Vũ xuất bán gần 1.000 con thỏ, trừ chi phí đầu tư chuồng trại, Vũ có lãi hơn 70 triệu đồng. Vũ cho hay, chi phí đầu tư nuôi thỏ ban đầu không cao, chuồng nuôi khá đơn giản, chỉ bằng tre hoặc lưới sắt, song phải cao ráo và sạch sẽ, mùa hè thoáng mát, mùa đông kín ấm.
 
“Với sự năng động, dám nghĩ, dám làm của những người trẻ, các anh em đang gầy dựng các mô hình kinh tế mới, hiệu quả xứng đáng là tấm gương tiêu biểu trên lĩnh vực kinh tế mà các đoàn viên thanh niên xã Phổ Thạnh cần noi gương”.
Bí thư Đoàn xã Phổ Thạnh ĐỖ QUANG NGHỊ.
Theo Vũ, sau khoảng từ 2,5- 3 tháng nuôi, thỏ đạt trọng lượng khoảng 2,5 - 3kg/con. Hiện trại thỏ của Vũ có hơn 500 con. Thỏ thịt được các nhà hàng, quán ăn đặt mua, trung bình mỗi năm, trang trại của Vũ xuất bán 7 đợt, mỗi đợt từ 100 - 120 con, với giá bán hơn 70 nghìn đồng/kg.
 
Để tiết kiệm chi phí, đồng thời đảm bảo chất lượng thịt thỏ thơm ngon hơn, cùng với mua các loại thức ăn bột, Vũ còn tận dụng đất vườn để trồng cỏ sả làm nguồn thức ăn cho thỏ. Ngoài cung cấp thỏ thịt, cơ sở của anh còn được nhiều người tìm tới mua thỏ giống về nuôi, với giá 140.000 đồng/kg.

 Là Bí thư Chi đoàn thôn Thạnh Đức 2, nên trong những buổi sinh hoạt Đoàn, Vũ cùng các anh, em trong chi đoàn luôn bàn cách làm ăn mới, cách sử dụng vốn và kinh nghiệm tìm kiếm thị trường tiêu thụ đối với sản phẩm chăn nuôi. Cách làm này không chỉ thu hút thanh niên địa phương gắn bó với phong trào Đoàn, mà còn giúp họ tìm ra hướng phát triển kinh tế ngay tại quê hương.

Không chỉ có Vũ thành công với mô hình khởi nghiệp nhờ nuôi thỏ, mà ở xã Phổ Thạnh bây giờ còn rất nhiều cán bộ Đoàn hay ĐVTN cũng bắt đầu xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả. Với niềm đam mê, mạnh dạn khởi nghiệp, quyết tâm vươn lên làm giàu ngay tại quê hương, những năm qua, nhiều dự án, mô hình kinh tế của thanh niên Phổ Thạnh đã được triển khai.
 
Anh Trần Văn Hoàng (28 tuổi) ở thôn Thạch By 1 đã “làm mới” cuộc sống của mình bằng mô hình nuôi chim bồ câu thương phẩm. Hơn 3 năm qua, đàn chim bồ câu của anh đã lên đến hơn 1.000 con, giúp thu nhập của gia đình anh ổn định. Hay như các anh Võ Trọng, Nguyễn Hải Phi... cũng nuôi bò, dê với hàng trăm con.

Theo Bí thư Đoàn xã Phổ Thạnh Đỗ Quang Nghị, quyết định khởi nghiệp với nhiều mô hình chăn nuôi, kinh doanh mới tại địa phương, nên lúc đầu các bạn ĐVTN gặp nhiều khó khăn về vốn, con giống, kỹ thuật, đặc biệt khó khăn lớn nhất là tìm thị trường cho sản phẩm. Nhưng không nản chí, anh em đi nhiều nơi để tìm kiếm các cơ sở tiêu thụ, chào hàng, bán với giá rẻ. Bằng nỗ lực không ngại khó khăn, sự nhạy bén, nhanh nhẹn của tuổi trẻ, cộng với chất lượng của sản phẩm, dần dần đầu ra của các mô hình chăn nuôi đã tìm được thị trường.


Bài, ảnh: NG.TRIỀU

 


.