(Báo Quảng Ngãi)- Dù bị liệt hai chân từ bé, nhưng Trần Tuấn Kiệt đã nỗ lực vượt qua nỗi đau, cố gắng vươn lên, trở thành chỗ dựa cho gia đình và sống có ích cho xã hội.
TIN LIÊN QUAN
Có công mài sắt...
Sinh ra trong một gia đình nghèo ở thôn Trung Lý, xã Phổ Vinh (Đức Phổ) nên cuộc sống gia đình Kiệt vô cùng khó khăn. Thế rồi tai họa ập đến khi Kiệt lên 3 tuổi. Căn bệnh quái ác viêm tủy cắt ngang, liệt dây thần kinh vận động đã cướp mất đôi chân của em. Thương con, ba mẹ Kiệt đã bán những thứ có thể của một gia đình nhà nông nghèo, để theo đuổi chạy chữa cho Kiệt, nhưng đều vô vọng.
Trần Tuấn Kiệt làm gia sư tại nhà. |
Không thể tự đi lại, hàng xóm khuyên ba mẹ anh đừng cho Kiệt đi học. Thế nhưng, nhìn thấy con vốn đã thua kém bạn bè, nên ba mẹ vẫn kiên quyết cho Kiệt đến trường.
Được sự khích lệ, động viên từ gia đình, Kiệt đã kiên trì đến lớp. Song con đường đến trường của Kiệt đầy gian nan, vất vả. Bởi nhà cách xa trường tới 1,5km và Kiệt lại không đi được. Để viết tiếp ước mơ cho con, hằng ngày ba mẹ phải cõng con đến trường.
Hành trình nuôi con chữ của Kiệt là những chuỗi ngày chông gai, khó nhọc. Có những lúc Kiệt muốn nghỉ học, vì sự thiếu đồng cảm của bạn bè và những lời dị nghị xung quanh. Tuy nhiên, nhớ đến lời nói của mẹ “Con học giỏi thì không ai dám trêu con hết. Ngược lại còn thương con nữa”. Quả thực, với những thành tích học tập xuất sắc, Kiệt đã trở thành tấm gương vượt khó học giỏi, khiến bạn bè kính nể, thầy cô yêu mến.
Năm 2001, Kiệt nhận được tin vui khi đậu vào Khoa Toán - Lý, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng. Để có tiền cho con nhập học, bố mẹ Kiệt đã phải bán những vật kỷ niệm cuối cùng, nhưng cũng không đủ vào đâu. Và để có tiền theo đuổi việc học, Kiệt xin đi làm thêm. Nhưng khi tìm đến nơi, nhìn đôi chân tật nguyền của Kiệt, ai cũng lắc đầu.
Chán nản, học được một năm, Kiệt bỏ về quê. Nhìn hoàn cảnh của gia đình, Kiệt lại quyết định ra TP.Quảng Ngãi thi và đậu vào Khoa Tin học, Trường Cao đẳng Cộng đồng Quảng Ngãi. Vừa học, Kiệt vừa đi dạy thêm và nhận thêm đồ điện tử về sửa chữa. “Ban đầu đi dạy thêm cơ cực lắm. Nhiều phụ huynh nhìn mình không mấy tin tưởng. Để chứng minh, mình nhận dạy không lấy kinh phí nếu các em không tiến bộ”, Kiệt chia sẻ.
Tốt nghiệp với tấm bằng loại khá, nhưng vì tàn tật nên Kiệt không thể tìm được việc. Kiệt chia sẻ: “Tôi rất buồn và nhiều lúc suy sụp tinh thần. Nhưng khi nghĩ đến ba mẹ, nghĩ đến những khó khăn của gia đình, cuối cùng tôi quyết định tiếp tục làm gia sư và sửa chữa máy móc”.
Để khẳng định “tàn nhưng không phế”, Kiệt lại tiếp tục vừa làm, vừa học để phụ giúp gia đình và nuôi hai em ăn học. Chính sự kiên trì bền bỉ ấy, Kiệt đã lấy thêm hai tấm bằng đại học của Trường Đại học Công nghiệp 4 và Đại học Khoa học Huế liên kết đào tạo tại Quảng Ngãi.
Giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ
Với một người khuyết tật, dù cầm trên tay 3 tấm bằng đại học, nhưng Kiệt vẫn không xin được việc. “Đối với người bình thường đi xin việc đã khó, huống chi là người khuyết tật như mình”, Kiệt tự an ủi.
Không xin được việc, Kiệt lại tiếp tục thuê nhà làm gia sư. Điều khiến Kiệt tự hào nhất là rất nhiều em học sinh được anh kèm cặp đã thi đỗ vào các trường đại học có tiếng. Còn các em lớp 9 thì đậu vào các Trường THPT Chuyên Lê Khiết, THPT Trần Quốc Tuấn. Đặc biệt, đối với con em của người khuyết tật, Kiệt dạy miễn phí.
Căn nhà Kiệt thuê để ở đã trở thành “mái nhà chung” của những người khuyết tật. Sự cảm thông giữa những người cùng cảnh ngộ giúp họ vượt qua mặc cảm, tự ti để hòa nhập với cộng đồng. Đây cũng là nơi mà người khuyết tật có thể học nghề và làm việc, tự nuôi sống bản thân bằng chính sức lao động của mình, phụ giúp gia đình và giảm bớt gánh nặng cho xã hội.
Trần Tuấn Kiệt là người sáng lập ra Câu lạc bộ Người Khuyết tật và là vận động viên khuyết tật tài năng đại diện cho Quảng Ngãi đi thi đấu ở nhiều nơi. Mới đây, UBND tỉnh đã cho phép thành lập Hội Người Khuyết tật tỉnh. Đây là chỗ dựa để người khuyết tật tự tin, hòa nhập với cuộc sống. Đồng thời là nơi để đào tạo, dạy nghề, giúp những mảnh đời kém may mắn tìm được sự đồng cảm, niềm vui trong cuộc sống.
Trần Tuấn Kiệt dù bị liệt hai chân, nhưng anh đã vững bước trên đường đời bằng nghị lực. Kiệt là tấm gương sáng để mọi người học tập.
Bài, ảnh: HỒNG HOA