Nghị lực vượt khó của cậu học trò nghèo

09:09, 23/09/2016
.

(Baoquangngai.vn)- “Không có cha thì nhà dột, cột xiêu”… vậy nên em phải phấn đấu học để có thể vững chãi thay cha chăm sóc mẹ…”, cậu học trò mồ côi cha Nguyễn Thanh Tuấn, ngụ ở thôn Phước Mỹ, xã Đức Hòa (Mộ Đức) người vừa trúng tuyển vào ĐH Bách khoa TP.HCM với điểm số 27,53 đã mở đầu câu chuyện đời của mình như thế…

TIN LIÊN QUAN

“Tuấn là một học trò có hoàn cảnh hết sức khó khăn nhưng luôn nghị lực vươn lên trong học tập. Đặc biệt, với cương vị lớp trưởng, em luôn hoàn thành tốt những công việc của tập thể bằng tất cả tinh thần trách nhiệm. Bây giờ, tìm được một học trò hiền ngoan và nghị lực như em Tuấn, thật không dễ…”.
Cô Nguyễn Thị Trà My, giáo viên Trường THPT Phạm Văn Đồng, giáo viên chủ nhiệm của em Nguyễn Thanh Tuấn năm lớp 12.

Dù chuyến xe mà Tuấn đã đặt vé để vào TP.HCM nhập học sẽ khởi hành lúc 3 giờ chiều, nhưng khi chúng tôi đến nhà Tuấn lúc 11 giờ trưa, Tuấn hãy còn loay hoay sửa lại mái nhà cho mẹ. Tuấn sợ trời miền Trung sắp vào mùa mưa bão, mẹ ở nhà sẽ không xoay sở được với những đợt bão giông…

Vượt khó theo đuổi ước mơ

Ngày mà Tuấn còn cha, tiền công cha kiếm được từ những bữa phụ hồ, thồ lúa thuê… tuy không nhiều nhặn gì, nhưng chi tiêu dè sẳn, cũng đủ cho 3 anh em Tuấn mỗi tuần vài bữa cơm có thịt và trang trải học phí. Nhưng kể từ khi cha qua đời vì bệnh tim, gánh nặng áo cơm đè nặng lên đôi vai mẹ, cuộc sống của 3 anh em Tuấn cũng trở nên gian nan.

 

Tuấn tranh thủ giúp mẹ sửa lại mái nhà trước lúc vào TP.HCM nhập học.
Tuấn tranh thủ giúp mẹ sửa lại mái nhà trước lúc vào TP.HCM nhập học.


12 năm đến trường, 11 năm vắng cha. Quanh năm suốt tháng, Tuấn lớn lên nhờ cơm độn củ và những đĩa rau luộc nhạt nhẽo. “Nhà khổ quá, nên chúng em chẳng khi nào đi chợ. Mẹ trồng sẵn một vườn rau cải, rau lang, cứ thế tới bữa lại hái vào luộc hoặc nấu canh”, Tuấn kể.

 “Năm học lớp 8, lúc chuẩn bị thi học sinh giỏi môn Tiếng Anh, em cùng mẹ đạp xe đạp xuống thị trấn Mộ Đức để mua sách tham khảo giữa trời mưa như trút nước. Vậy mà đến nơi, quyển sách tham khảo ấy giá 21 nghìn đồng, nhưng hai mẹ con chỉ còn đúng 19 nghìn đồng nên đành phải đạp xe về”.
Nguyễn Thanh Tuấn kể về những khó khăn trên con đường theo đuổi ước mơ đến trường.

Con nhà khó. Cấp 1, cấp 2, Tuấn đi bộ đến trường. Lên cấp 3, Tuấn mới có chiếc xe đạp đầu tiên. Đó là chiếc xe đạp cũ của một người anh vì thương hoàn cảnh gia đình mà đem tặng. 12 năm đèn sách, những quyển sách mà Tuấn có cũng là từ sách cũ xin được của hàng xóm. Đồng phục đến trường của em, cũng từ những bộ quần áo cũ do người quen mang cho.

Vững chãi băng qua những khốn khó của đời mình, 12 năm liền, Tuấn luôn là một học sinh có thành tích học tập rất “đáng nể”.  Năm lớp 9, Tuấn đạt giải Nhì môn Tiếng Anh cấp tỉnh. Đến lớp 10, lại là thủ khoa đầu vào của trường THPT Phạm Văn Đồng (Mộ Đức). Lên 11, Tuấn tiếp tục đạt giải trong cuộc thi Olympic tiếng Anh cấp Quốc gia. Và bây giờ, Tuấn một lần nữa đạt thành tích xuất sắc khi đỗ vào khoa Kỹ thuật và Khoa học máy tính của trường ĐH Bách khoa TP.HCM với số điểm 27,53.

Nỗ lực làm điểm tựa cho mẹ

Nói về động lực giúp bản thân luôn đạt được những thành tích cao trong học tập, Tuấn bảo Tuấn luôn nỗ lực hết sức để mẹ bớt khổ, để sau này có thể đỡ đần, bù đắp cho những vất vả mà mẹ đã trải qua.

Hành trình đến trường của Tuấn không phải chỉ có sự nỗ lực của riêng em, mà còn có sự đồng hành của người mẹ tần tảo Nguyễn Thị Hồng. 11 năm qua, người phụ nữ ấy vừa làm cha vừa làm mẹ. Vừa là một nông dân quần quật bên 7 sào ruộng, vừa là “thợ đụng” ai kêu gì làm đó… để 3 con không phải dang dở chuyện học hành.

Bù đắp phần nào cho những hy sinh của mẹ, không chỉ Tuấn, mà cả ba anh em đều là học sinh nghèo vượt khó học giỏi. Riêng anh trai Tuấn, dù mới tốt nghiệp ra trường nhưng đã nhanh chóng xin được việc tại TP.HCM và thay mẹ cáng đáng trách nhiệm nuôi em.

“Anh hai em mới đi làm, chưa trả xong nợ vay sinh viên, cũng chưa sắm sửa gì nhiều cho bản thân. Nhưng cái gì cũng dè sẵn để lo cho chúng em. Ngay cả học phí học của kỳ đầu tiên bậc ĐH này, cũng một tay anh hai gom góp từ nhiều tháng trước để mẹ đỡ phải chạy vạy mượn vay”, Tuấn cảm kích kể.

Không phụ công lao của mẹ và tình yêu thương của anh trai, Tuấn bảo sẽ vừa học lên đại học, vừa cố gắng đi làm thêm, để năm tới, khi em gái vào đại học, Tuấn sẽ giống như anh hai, có thể thay mẹ lo lắng chu toàn cho em mình…
 

Bài, ảnh: Ý THU

 
 


.