*Thanh Thảo
(Baoquangngai.vn)- Có thể nói, tình nguyện vì hạnh phúc của nhân dân, vì lợi ích của cộng đồng là thuộc tính của người trẻ, thuộc tính của thanh niên. Phải khẳng định, thanh niên có nhu cầu tự thân được làm việc nghĩa, được cống hiến nhiệt tình và năng lượng sống của mình cho nhân dân.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Nét đẹp của tuổi trẻ là xả kỷ, không ích kỷ. Người ta hay nói bây giờ người trẻ thường sống thực dụng. Tôi không nghĩ như vậy. Chính những người lớn tuổi sống thực dụng đã “nghĩ oan”, và “gán” những suy nghĩ thực dụng cho lớp trẻ sau mình.
Còn nhớ, cách đây tròn 50 năm, một con đường huyền thoại mang tên “Hạnh Phúc” đã được khánh thành tại Hà Giang. Với đôi bàn tay và khối óc của lực lượng thanh niên xung phong và dân công, với gần 2.500 người thuộc 6 tỉnh Việt Bắc và 2 tỉnh Nam Định và Hải Dương, với những dụng cụ lao động thủ công như: Xẻng, xà beng… họ đã làm nên con đường nối từ Hà Giang lên 4 huyện vùng cao phía bắc gồm: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và sang huyện Mèo Vạc với chiều dài 184 km. Con đường được hoàn thành sau 6 năm hy sinh lao động hết mình của thanh niên thời ấy.
Và sau con đường Hạnh Phúc này 40 năm, vào năm 2004, hàng nghìn thanh niên Yên Bái lại treo mình ở núi cao hiểm trở, đào đẽo hàng chục nghìn mét khối đất đá, mở đường dài 15 km vào Tà Xi Láng - xã đặc biệt khó khăn giúp đồng bào dân tộc có đường đi. 15 km so với 184 km chưa phải là con số lớn, nhưng tình cảm, ý chí, lòng quả cảm của thanh niên vì nhân dân, vì cộng đồng sau 40 năm thì vẫn vẹn nguyên như vậy.
Cách đây 3 năm tôi đã có dịp đi trên con đường mang tên “Hạnh Phúc” và tôi đã nghiêng mình kính phục những người mở đường quả cảm khi tận mắt nhìn thấy những vực sâu, những con đèo quá nguy hiểm mà những thanh niên xung phong đã treo mình bên vách núi để mở đường ngày ấy.
Hồi xưa là “thanh niên xung phong”, bây giờ là “thanh niên tình nguyện”, tên gọi tuy hơi khác, nhưng mục đích dấn thân, nhiệt huyết tuổi trẻ thì không khác. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương xây dựng chính sách dành riêng cho thanh niên tình nguyện, và đó là điều hết sức cần thiết chứng tỏ nhà nước đánh giá đúng những đóng góp và công lao của thanh niên tình nguyện cho cộng đồng.
Để phong trào “Thanh niên tình nguyện” sau 15 năm lại có được sinh khí mới, có được những bước đột phá mới, không đi vào hình thức hay hô hào suông, thì rất cần có chính sách của nhà nước.
Chính sách ấy phải rất công bằng cho thanh niên có công trong hoạt động tình nguyện. Và rất cần có chiến lược hoạt động cụ thể, hữu ích và thực tế qua từng mùa, từng năm, nhắm vào những trọng điểm, huy động được lực lượng đông đảo cũng như chất lượng lao động cao nhất mà thanh niên đóng góp.
Hoạt động tình nguyện, từ chỗ là phong trào của Đoàn thanh niên, phải và có cơ hội trở thành phong trào rộng rãi trong thanh niên và cộng đồng xã hội. Ai cũng có thể tham gia phong trào tinh nguyện vì cộng đồng, và ai cũng có điều kiện để đóng góp sức người sức của cho những hoạt động tình nguyện.
Bây giờ, đã có rất nhiều hoạt động tự nguyện và tự phát trong xã hội vì cộng đồng. Xâu chuỗi lại những hoạt động riêng rẽ ấy thành những hoạt động chung, “cấy” nhiệt tình của thanh niên vào đó, và lấy tuổi trẻ làm nòng cốt, chúng ta sẽ có những hoạt động tình nguyện, thiện nguyện mang tầm vóc toàn xã hội. Đó chẳng phải là điều tuyệt vời sao!