Khi ngọn lửa tình yêu biển đảo được tiếp nối...

09:05, 09/05/2013
.

(QNĐT)- 900 sinh viên tham gia, 900 lá cờ Tổ quốc trao tặng ngư dân... là những con số ấn tượng của Hội trại "Sinh viên với biển đảo Tổ quốc năm 2013" do Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam phối hợp Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển sinh viên Việt Nam, Tỉnh đoàn, Hội Sinh viên tỉnh Quảng Ngãi tổ chức diễn ra từ ngày 3-5/5/2013, tại đảo Lý Sơn.

TIN LIÊN QUAN


Chương trình Hội trại "Sinh viên với biển đảo Tổ quốc" có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, với 9.000 sinh viên ưu tú tham gia đến từ 21 Hội sinh viên Việt Nam trên cả nước, trong đó 900 sinh viên ra đảo Lý Sơn, 8.100 sinh viên thực hiện các hoạt động tại Quảng Ngãi, là dấu ấn mạnh mẽ của sinh viên, thanh niên trong bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Chạm tay vào lịch sử

Lần đầu tiên đến với huyện đảo Lý Sơn, Nguyễn Thanh Sang- sinh viên Trường đại học Giao thông vận tải TP. HCM cùng với những sinh viên khác đã tận mắt chừng kiến những hình ảnh, hiện vật cùng những nhân chứng sống khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam ở 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Những chiếc thuyền câu, những văn bản cổ, những vật dụng của Đội Hùng binh Hoàng Sa năm xưa đã làm cho Sang và những bạn sinh viên lần đầu đầu tiên đến với Nhà trưng bày hiểu rõ hơn về lịch sử của đất đảo tiền tiêu, về lịch sử kiên quyết đấu tranh để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

"Mình vừa đọc báo về Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, mình có nghe giới thiệu về những vật dụng này mấy hôm trước. Thật may mắn khi mình được nhìn thấy, được sờ tận tay, mọi thứ như sống lại, cựa quậy để kể câu chuyện về chủ nhân của chúng"- Sang mừng rỡ đưa ngón tay chạm vào những vật dụng của Đội Hùng binh Hoàng Sa năm xưa.

Sang bảo, học nhiều, nghe nhiều, đọc báo nhiều, nhưng tất cả với mình chỉ là “biết”, hôm nay mình mới thật sự đã được chạm tay vào lịch sử, được đứng trên chính mảnh đất của những Hùng binh Hoàng Sa năm xưa, mình mới thực sự cảm nhận được sự thiêng liêng của chủ quyền biển đảo.

 

đến với Nhà trưng bày hiểu rõ hơn biết về lịch sử của đất đảo tiền tiêu, về lịch sử kiên quyết đấu tranh để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc
Đến với Nhà trưng bày, sinh viên hiểu rõ hơn về lịch sử của đất đảo tiền tiêu, về lịch sử kiên quyết đấu tranh để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.


900 sinh viên đến với huyện đảo Lý Sơn mang theo hoài bão và khát vọng muốn khám phá về một  hòn đảo được ví như một bảo tàng sống lưu giữ những chứng cứ về chủ quyền biển đảo của Tổ quốc cùng các thế hệ ngư dân can trường bám biển không sợ hiểm nguy để bảo vệ ngư trường truyền thống của cha ông.

Tiếp xúc với những ngư dân can trường bám biển, rồi những câu chuyện về mỗi con người và các chứng cứ pháp lý về quyền chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc khiến các bạn trẻ tràn ngập niềm tự hào và kiêu hãnh, xúc động và cảm phục những con người dũng cảm vượt sóng ra khơi, sẵn sàng hi sinh vì biển đảo quê hương

"Lý Sơn là một kho tàng sống để làm bằng chứng khẳng định chủ quyền biển đảo của đất nước. Đến với mảnh đất này, chúng tôi càng tự hào về truyền thống đấu tranh của cha ông ta. Chúng tôi nguyện ra sức rèn luyện, phấn đấu học tập hơn nữa, nâng cao ý thức trách nhiệm cũng như bản lĩnh chính trị của mình để góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào công cuộc xây dựng đất nước"- Nguyễn Hoàng Linh- sinh viên Trường đại học Thủy lợi Hà Nội chia sẻ.

 

Các bạn sinh viên trường Đại học Kiến trúc Hà Nộitặng bức tranh sơn dầu do chính các bạn sinh viên vẽ về Lý Sơn cho đại diện huyện Đoàn Lý Sơn.
Các bạn sinh viên trường Đại học Kiến trúc Hà Nội tặng bức tranh sơn dầu do chính các bạn sinh viên vẽ về Lý Sơn cho đại diện Huyện Đoàn Lý Sơn.


Với Trịnh Ngọc Liên- sinh viên Trường đại học Kiến trúc Hà Nội, ngay lần đầu tiên đặt chân đến đảo Lý Sơn, Liên đã bị “hút” ngay trước vẻ đẹp thơ mộng nhưng cũng không kém phần mạnh mẽ của Lý Sơn, Liên đã vẽ một bức tranh sơn dầu bằng cả tình cảm và tâm huyết của mình.

"Đây không chỉ là một bức tranh sơn dầu mà nó còn chứa đựng tình cảm của sinh viên trên khắp mọi miền đất nước gửi đến người dân huyện đảo. Điều tôi tâm đắc nhất từ sự trải nghiệm này là vun đắp trong tôi tình yêu Tổ quốc"- Liên bộc bạch.
 

"Qua chương trình chúng tôi mong muốn tuổi trẻ cả nước hiểu rõ về quá trình đấu tranh của cha anh để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Qua đó không chỉ nâng cao ý thức bảo vệ biển đảo quê hương cho thế hệ trẻ mà còn nhắn nhủ, khích lệ, động viên ngư dân Lý Sơn tiếp tục bám biển giữ vững ngư trường truyền thống của Tổ quốc ở Hoàng Sa, Trường Sa"- Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam- Bùi Quang Huy cho biết.

Mở ra tình yêu lớn

Lần đầu tiên đặt chân lên đảo Lý Sơn, sự háo hức, phấn khởi của rất nhiều sinh viên được thể hiện rõ qua những nụ cười rạng rỡ, ánh lên niềm tự hào về biển đảo Tổ quốc.

Niềm tự hào ấy càng ấm áp hơn khi 900 lá cờ Tổ quốc cùng những phần quà phục vụ nghề đi biển, học bổng cho học sinh được các sinh viên tận tay trao tặng ngư dân. Đó là tấm lòng, tình cảm của thế hệ trẻ cả nước gửi đến những ngư dân bám biển, bảo vệ và khẳng định chủ quyền Tổ quốc trên biển Đông.


"Những lá cờ này là tấm lòng của sinh viên cả nước với biển đảo, với mong muốn những lá cờ sẽ cùng ngư dân ra biển, không chỉ là màu cờ khẳng định chủ quyền Tổ quốc mà còn là trái tim, tình cảm của tất cả các bạn sinh viên ở đất liền gửi gắm đến ngư dân cả nước, khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc"- Huỳnh Thị Hằng, sinh viên Trường Đại học Kinh tế TP.HCM chia sẻ.

 

Cùng với đó, với hàng loạt các hoạt động có ý nghĩa của Hội trại "Sinh viên với biển đảo của Tổ quốc 2013" như: Khởi công xây dựng cột cờ Lý Sơn, xếp hình chữ VIỆT NAM, triển lãm ảnh về biển đảo, giao lưu với ngư dân; giáo dục, học tập truyền thống về lịch sử tại Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa... là những hoạt động bổ ích về tinh thần yêu nước, về ý thức trách nhiệm của tuổi trẻ đối với biển đảo của Tổ quốc.

Điều đáng mừng hơn là trong các hoạt động ấy, không chỉ những người trẻ được giáo dục hay thắp lên ngọn lửa truyền thống yêu nước, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, mà chính những con người ấy là những tuyên truyền viên tích cực, đưa tình yêu ấy ngày một lan tỏa hơn, sâu đậm hơn.

Hội trại khép lại, nhưng tình yêu biển đảo quê hương lại được nhân lên và mở ra trong lòng thế hệ trẻ Việt Nam. Tình yêu ấy đang và sẽ như những lớp sóng đại dương nối tiếp nhau, lan xa hơn, rộng hơn như vòng tròn kết nối sức mạnh đoàn kết của nhân dân trong tình yêu và trách nhiệm thiêng liêng với biển đảo Tổ quốc.



Bảo Ngọc

 


.