(QNg)- Không may bị teo chân sau đợt sốt bại liệt khi vừa tròn 1 tuổi, anh Nguyễn Ngọc Dũng (thị trấn Sơn Tịnh, huyện Sơn Tịnh) vẫn cố gắng vượt lên số phận, trở thành một dược sĩ hết lòng vì bệnh nhân.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Sinh ra trong một gia đình nghèo khó, tuổi thơ của anh Dũng gắn liền với những lần chứng kiến cha mẹ phải chạy vạy khắp nơi để có tiền cứu lấy đôi chân teo tóp của anh. Những ngày tháng thiếu trước hụt sau, cơm bữa đói, bữa no càng hun đúc thêm trong anh quyết tâm vượt lên tật nguyền, để không trở thành gánh nặng cho gia đình. "Lúc đó trong đầu tôi chỉ có một suy nghĩ duy nhất là học. Vì học mới có cơ hội để vươn lên nghịch cảnh. Chứ bệnh tật như tôi làm sao đủ sức vóc để lao động chân tay" - anh Dũng trải lòng.
Anh Dũng đang bán thuốc bên quầy thuốc tây của mình. |
Ngày học xong lớp 12, trong khi bạn bè chuẩn bị bước vào kỳ thi đại học, thì cậu học trò Nguyễn Ngọc Dũng phải ngậm ngùi gác lại giấc mơ để tiếp tục việc chữa bệnh. hai năm nằm viện, mổ không biết bao nhiêu lần để cố cứu vớt lấy đôi chân khiến chân anh chi chít sẹo. Nhiều lúc vết mổ này chưa lành, đã phải trải qua đợt phẫu thuật mới khiến sức khoẻ Dũng không kham nổi. Lắm lúc muốn buông xuôi, phó mặc cho số phận. Nhưng khi chạm phải đôi mắt đầy tình thương và khích lệ từ cha mẹ, Dũng lại hứa với lòng quyết tâm vượt qua để một ngày được đến giảng đường.
Vượt qua những ngày tháng đầy khó khăn trên giường bệnh, nỗ lực của cậu học trò có số phận kém may mắn đã được đền đáp khi nhận được giấy báo trúng tuyển vào ngành dược. Khăn gói ra Đà Nẵng học tập, cuộc đời sinh viên của người thanh niên giàu nghị lực chính thức bắt đầu với những khó khăn mới, thử thách mới. "Ngày trước, gần bên gia đình, nhận được sự quan tâm, yêu thương từ cha mẹ giúp tôi vơi bớt đi khó nhọc, tự ti. Nhưng khi ra Đà Nẵng nhập học, phải làm tất cả mọi việc một mình khiến bản thân tôi nhiều khi cảm thấy đuối sức".
Suốt 3 năm theo học ngành dược, ngày nào Dũng cũng đều đặn chống nạng leo lên 4 tầng lầu để vào lớp học. "Đối với người bình thường, 4 tầng lầu chỉ là chuyện nhỏ, nhưng với tôi đó là cả một trở ngại. Nhiều lúc chống nạng, cố nhích từng tí một, rồi nẹp chân kim loại cứ vướng víu khiến tôi khổ sở, đau đớn vô cùng. Nhưng nghĩ đến tương lai, tôi cố sức leo tiếp!", anh Dũng nhớ lại ký ức khó nhọc ngày trước.
Sau 3 năm đèn sách, với những nỗ lực cố gắng của mình, Dũng như vỡ oà trong hạnh phúc khi cầm tấm bằng dược sĩ trong tay. Rồi anh quyết định trở về quê hương để thực hiện ước mơ ấp ủ suốt những năm tháng sinh viên đó là mở quầy thuốc trên chính mảnh đất Sơn Tịnh. "Lúc mới chân ướt chân ráo bước vào nghề, cũng cam go lắm! Vì mình chưa có tiếng tăm gì cả nên rất ít người tìm đến mua thuốc, nhưng tôi vẫn kiên trì cố giữ lấy hiệu thuốc. Ai đến mua, dù mua ít hay nhiều cũng đều dùng cái tâm để bán, nên dần dần mọi người tin tưởng mình hơn", anh Dũng bộc bạch. Cứ thế, sau 12 năm cố gắng gầy dựng, đến nay quầy thuốc tây của dược sĩ Dũng đã trở thành địa chỉ đáng tin cậy của bà con trong vùng.
Rồi hạnh phúc lại tiếp tục mỉm cười với anh, khi anh tìm được mái ấm gia đình như bao người khác. Cảm phục tài năng, ý chí của người thanh niên vượt lên trên tật nguyền, chị Lê Thị Phúc đã bất chấp những lời xì xầm, cản ngăn để theo anh về xây dựng tổ ấm. Nhắc về chuyện ngày trước, chị Phúc nhìn anh mỉm cười: "Ngày anh ấy ngỏ lời, ba mẹ tôi nhất quyết phản đối. Nhưng sau này, nhìn anh tảo tần, chịu thương chịu khó lại hiền lành nên cuối cùng ba mẹ cũng đồng ý để chúng tôi đến với nhau. Giờ đây, khi làm vợ anh, có với nhau 2 đứa con, tôi vẫn thầm cảm ơn ngày xưa mình đã vững lòng mà lựa chọn một người chồng như anh!".
Bài, ảnh: Ý THU