Thắp sáng ước mơ bằng nghị lực

03:07, 23/07/2012
.

(QNĐT)- Với một cơ thể không lành lặn, đôi chân cũng không còn do đạn bom chiến tranh, thế nhưng bằng đôi tay nhanh nhẹn, bằng trí thông minh và bằng nghị lực phi thường của một người lính cụ Hồ… ông đã vượt qua những khó khăn thường nhật để vươn lên. Đó là thương binh 1/4 Nguyễn Toàn Thắng, ở thị trấn Sơn Tịnh, huyện Sơn Tịnh.

TIN LIÊN QUAN


Đã hơn 30 năm trôi qua, thế nhưng những bức ảnh mà thương binh Nguyễn Toàn Thắng chụp chung cùng đồng đội trong những năm tháng chiến tranh ác liệt vẫn như mới trong anbum ảnh của gia đình. Thi thoảng, ngồi nhâm nhi chén trà xanh, ông lại mở ra xem. Ký ức về một thời đạn bom đầy khốc liệt nhưng rất đỗi tự hào chợt ùa về.

 

Hàng ngày thương binh Nguyễn Toàn Thắng vẫn đi lại bằng 2 chiếc ghế gỗ này
Hằng ngày thương binh Nguyễn Toàn Thắng vẫn đi lại bằng 2 chiếc ghế gỗ này


Tâm sự với chúng tôi, thương binh Nguyễn Toàn Thắng cho biết, khi tròn 18 tuổi, ông đã tình nguyện vào bộ đội, tham gia hoạt động cách mạng tại Đại đội 134, Huyện đội Đông Sơn (ồm các xã khu đông huyện Sơn Tịnh và Bình Sơn). Những năm sau đó ông sang chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Một lần dẫn tiểu đội trinh sát địa hình ông đã vướng mìn của địch.

Sau một đêm tỉnh dậy, đôi chân ông đã không còn, đồng đội bên cạnh ông có người bị thương nặng, người đã ra đi vĩnh viễn. Trở về trại an dưỡng Bình Định để dưỡng thương, vài tháng sau vết thương đã bắt đầu lành lặn, nhưng một vết thương khác đã cứa nát trái tim ông, đó là người vợ trẻ ở quê nhà đã bỏ ông đi tìm bến đỗ mới cho cuộc đời mình. Hai vết thương chồng lên nhau, có lần ông đã nghĩ đến cái chết, thế nhưng nghị lực phi thường của người lính cụ Hồ đã giúp ông vượt qua cơn giông bão cuộc đời.

Người cùng đồng cam cộng khổ để “nâng khăn sửa túi” cho ông gần 30 năm qua là cô y tá Thái Thị Hạt ở vùng đất võ Tây Sơn ( Bình Định). Ông bảo, chính tình yêu thương vô bờ bến của người vợ hiền là động lực rất lớn giúp ông vượt lên trên tất cả nỗi đau để viết tiếp giấc mơ của cuộc đời mình. Ba năm sau khi cưới nhau, cô y tá Thái Thị Hạt đã theo chồng về quê, và xin vào làm việc tại Bệnh viện Đa khoa huyện Sơn Tịnh. Hai đứa con trai của vợ chồng ông cũng đã lần lượt ra đời.

 

Sản phẩm
Sản phẩm mây tre đan khá tinh xảo do chính ông làm ra để bán.


Cuộc  sống của gia đình thương binh nghèo Nguyễn Toàn Thắng những năm sau khi lập gia đình rất chật vật. Ngôi nhà ông ở chỉ xây bằng đất, lợp tranh, vào mùa mưa nước dột tứ bề. Ông bảo, chưa bao giờ ông dám mơ mình sẽ có một ngôi nhà khang trang sạch đẹp và một cuộc sống sung túc đủ đầy. Rồi các con ông cũng sẽ không được học hành đến nơi đến chốn.

Thế nhưng với bản chất người lính cụ Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”, ông đã nghĩ ra nhiều cách để làm ăn. Trên 2 chiếc ghế gỗ ông đã vượt chặng đường gần 2 cây số đến UBND thị trấn Sơn Tịnh xin được cấp đất để làm ăn. Nhiều người đến giờ vẫn không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy ông cầm cuốc để cuốc đất trồng bắp, trồng mì.

Thu nhập từ nghề làm nông không nhiều nên thương binh Nguyễn Toàn Thắng lại tìm ra cách mưu sinh mới mang lại hiệu quả kinh tế hơn. Vào những năm 2005-2007 khi nghề mây tre đan phát triển, ông đã thu mua mây tre nguyên liệu tại địa phương về làm hàng mây tre mỹ nghệ.

Với đôi bàn tay khéo léo, cộng với kiến thức đã học từ khi còn ở Trại an dưỡng, ông đã làm ra những chiếc giỏ mây, lồng đèn, bàn ghế, túi xách bằng mây trông thật bắt mắt. Sản phẩm ông làm ra bán chạy rất nhanh cho thu nhập cao, nên ông đã tuyển dụng 20 lao động ở địa phương về làm. Sau khi trừ chi phí mỗi năm ông vẫn còn lãi hàng trục triệu đồng.
 

Vườn cây ăn quả do ông trồng và chăm sóc.
Vườn cây ăn quả do ông trồng và chăm sóc.


5 năm sau khi nghề mây tre đan không còn thịnh hành, ông lại chuyển sang làm sợi bố để bán cho một số doanh nghiệp ở các tỉnh thành phía Bắc làm lốp xe. Với gần 30 nhân công làm việc, cơ sở làm sợi bố của ông lúc nào cũng rộn rã tiếng cười. Thu nhập hàng tháng từ nghề này của ông bình quân vài ba triệu đồng/tháng.

Nghề làm sợi bố sau vài năm cũng bắt đầu ế ẩm, cơ sở làm bố của ông cũng không còn. Tuy nhiên với đôi bàn tay cần mẫn và ý chí quyết vươn lên không cam chịu đói nghèo, thương binh Nguyễn Toàn Thắng chuyển sang làm kinh tế vườn, trồng cây ăn quả như ổi, chanh, bưởi… kết hợp với chăn nuôi gà vịt, bồ câu. Thu nhập từ mô hình trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi của gia đình ông mỗi tháng hiện nay cũng cho thu nhập hàng chục triệu đồng.

Có tiền ông đã xây dựng một căn nhà khang trang bên Quốc lộ 1A ( thuộc địa bàn thị trấn Sơn Tịnh) và cho các con ăn học đàng hoàng. Hai con trai ông giờ cũng đã tốt nghiệp đại học và có công ăn việc làm ổn định. Điều mà ông cảm thấy vui đó là khi có tiền ông có thể giúp được những người nghèo. Mỗi năm ông đều đóng vào quỹ của Hội cựu chiến binh thôn gần 10 triệu đồng để góp vốn quay vòng cho các cựu chiến binh nghèo mượn làm ăn vươn lên phát triển kinh tế gia đình.

Chia tay chúng tôi, thương binh Nguyễn Toàn Thắng vẫn cứ nhắc đi nhắc lại một điều “tuy mình không còn đôi chân nhưng mình vẫn còn đôi tay biết làm và cái đầu biết nghĩ”. Khó khăn nào cũng có thể vượt qua và ước mơ sẽ được thắp sáng bằng ý chí và nghị lực của mỗi một con người.



                        Xuân Từ

 


.