(Báo Quảng Ngãi)- Với chủ đề “Khởi nghiệp sáng tạo - Bứt phá từ tài nguyên bản địa”, Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh lần thứ 3 - năm 2021 (Cuộc thi) đã chọn lọc và tôn vinh các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, mô hình kinh doanh sáng tạo, có tính khả thi cao. Từ đó, đưa các thế mạnh đặc trưng của tỉnh lên tầm cao mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
[links()]
Những ý tưởng thân thiện với môi trường
Công ty TNHH MTV Công nghệ cao Huy Long (Công ty Huy Long) đạt giải Nhất của Cuộc thi ở bảng dự án, với dự án “Sản xuất phân trùn quế và chế phẩm sinh học nấm Trichoderma phục vụ cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp chất lượng cao trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi”. Với mong muốn giảm thiểu lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, góp phần mang lại lợi ích kinh tế, bảo vệ người tiêu dùng, người sản xuất và bảo vệ môi trường, hướng tới nông nghiệp sạch, Công ty Huy Long đã cho ra đời 2 dòng sản phẩm chính phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp hữu cơ là phân bón trùn quế Huy Long và chế phẩm nấm đối kháng Trichoderma BIO-S (chế phẩm Trichoderma BIO-S).
Sản phẩm phân trùn quế và chế phẩm nấm của Công ty TNHH MTV Huy Long. |
Giám đốc Công ty Huy Long Phan Huy cho biết, sản phẩm phân bón trùn quế và chế phẩm Trichoderma BIO-S đã có mặt trên thị trường Quảng Ngãi từ cuối năm 2020 và đã tiêu thụ hơn 50 tấn. Trong đó, chúng tôi là đối tác cung cấp phân bón hữu cơ và chế phẩm phân bón cho một số dự án trên địa bàn tỉnh như: Dự án sản xuất hành, tỏi Lý Sơn theo hướng hữu cơ (15 tấn), dự án sản xuất rau sạch hữu cơ tại xã Đức Lợi, huyện Mộ Đức (13 tấn)...
Đối với các khách hàng cá nhân, công ty đã triển khai bán hàng thông qua website phanbonhuylong.com và fanpage, cũng như các sàn thương mại điện tử như Tiki, Lazada, Shopee... Lượng khách hàng này thường ở các thành phố lớn như Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội...
Ý tưởng thiết kế bao bì sản phẩn don ly của nhóm tác giả Hồ Thị Hồng Nhân và Đinh Quý Phương Đông. |
Bên cạnh đó, ý tưởng được Hội đồng Chấm giải đánh giá cao là sử dụng sản phẩm đựng don rất thân thiện với môi trường. Ly đựng được sử dụng có nguồn gốc từ bã mía. Trong bao bì mỗi sản phẩm don ly sẽ kèm theo một tem ảnh giới thiệu một số địa danh của tỉnh, nhằm nâng cao sự hiểu biết về những danh lam thắng cảnh ở Quảng Ngãi, đồng thời cũng là vật phẩm phục vụ marketing hiệu quả.
"Sản phẩm don ly ăn liền được chế biến và đóng gói theo từng khâu riêng biệt, quá trình sấy khô và thanh trùng ở nhiệt độ cao được thực hiện theo công nghệ tiên tiến, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Sản phẩm được sản xuất dưới dạng ly, gọn, nhẹ, thuận tiện cho quá trình vận chuyển và sử dụng. Chúng em hy vọng sản phẩm don ly ăn liền sẽ là cầu nối người dân đất Quảng trên mọi miền đất nước; đồng thời mang ẩm thực của vùng đất Ấn - Trà đến với bạn bè trong nước và khách du lịch nước ngoài", em Hồ Thị Hồng Nhân chia sẻ.
Em Hồ Thị Hồng Nhân và Đinh Quý Phương Đông thuyết trình ý tưởng tại vòng chung kết Cuộc thi. |
Người trẻ tiên phong
Cuộc thi còn có một số dự án, ý tưởng có tính đột phá, thúc đẩy phát triển các sản phẩm đặc trưng của tỉnh cũng đã được trao giải như: Ý tưởng khởi nghiệp với combo gia vị đặc trưng của Quảng Ngãi “Ngũ vị quê hương”; sản xuất giống măng tây bằng phương pháp nuôi cấy mô; hình thành chuỗi liên kết từ trồng cây mây dưới tán rừng phòng hộ kết hợp hoạt động du lịch trải nghiệm và kinh doanh sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cây mây rừng; mô hình khởi nghiệp “Liên kết trồng và chế biến các sản phẩm từ gạo lứt”; ứng dụng TimZi...
“Cuộc thi đã tạo sân chơi để các start-up giao lưu, học hỏi, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp trong cộng đồng, nhất là lực lượng đoàn viên, thanh niên. Đồng thời, thông qua cuộc thi, Ban tổ chức chọn được các ý tưởng, dự án tốt để tiếp tục ươm tạo, phát triển. Các dự án đạt giải cao sẽ được giới thiệu tham gia Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia, được các nhà đầu tư tài trợ vốn và được kết nối với Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp KH&CN Việt Nam để được hỗ trợ".
Phó Giám đốc Sở KH&CN
TRẦN CÔNG HÒA
|
Cuộc thi được phát động từ tháng 8/2021, dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng đã nhận được 17 dự án và 20 ý tưởng tham gia. Trong đó hơn 2/3 hồ sơ ý tưởng, dự án là của thanh niên, học sinh, sinh viên. Điểm mới của Cuộc thi năm nay là việc phân chia hồ sơ dự thi theo 2 bảng ý tưởng và dự án. Trong đó, bảng ý tưởng là những sản phẩm, dịch vụ chưa có sản phẩm mẫu; bảng dự án dành cho các sản phẩm, dịch vụ đã có sản phẩm mẫu hoặc sản phẩm đã xuất hiện trên thị trường.
Cuộc thi gồm 3 vòng sơ khảo, bán kết và chung kết. Trong đó, tại vòng chung kết có 11 ý tưởng, dự án được lựa chọn. Các ý tưởng, dự án này tiếp tục được Ban tổ chức Cuộc thi kết nối với các cố vấn là những doanh nhân đã khởi nghiệp thành công để được chia sẻ kinh nghiệm, góp ý nhằm từng bước hoàn thiện sản phẩm. Kết quả, mỗi bảng tranh tài có 5 ý tưởng, dự án được Hội đồng Giám khảo trao giải. Ngoài ra, Ban tổ chức cũng lựa chọn 1 dự án để trao tặng Giải “Dự án triển vọng”. Theo Ban tổ chức, các dự án, ý tưởng được trao giải có tính đổi mới sáng tạo, có khả năng thương mại hóa và tăng trưởng, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh...
Theo Phó Giám đốc Sở KH&CN Trần Công Hòa, tín hiệu vui của Cuộc thi năm nay là sự tham gia đầy nhiệt huyết của các em học sinh, sinh viên, với các ý tưởng có tính sáng tạo cao và mang lại ý nghĩa xã hội rất lớn. Bên cạnh đó, thanh niên vẫn là lực lượng nòng cốt tham gia khởi nghiệp, với những dự án rất khả thi, góp phần phát triển, nâng tầm các sản phẩm địa phương thông qua đổi mới sáng tạo.
Bài, ảnh: PHƯƠNG DUNG