Hội thảo "Đánh giá các phương án tích hợp nguồn khí từ mỏ Cá Voi Xanh gắn với NMLD Dung Quất".

08:04, 04/04/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Ngày 3.4, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chế biến Dầu khí (PVPro), Viện Dầu khí Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Đánh giá các phương án tích hợp nguồn khí từ mỏ Cá Voi Xanh gắn với NMLD Dung Quất”. 

TIN LIÊN QUAN

 
Đây là hội thảo nhằm đánh giá Giai đoạn 1 của Hợp đồng ký giữa BSR và PVPro về “Đánh giá các phương án tích hợp nguồn khí từ mỏ Cá Voi Xanh gắn với NMLD Dung Quất” thuộc chương trình nghiên cứu khoa học của BSR năm 2017. 
 
Tại Hội thảo đại diện của PVPro đã báo cáo về các mốc công việc đạt được theo hợp đồng đã ký trong Giai đoạn 1 bao gồm các nội dung: Nghiên cứu thị trường và công nghệ sản xuất các sản phẩm; Đề xuất các phương án tích hợp nguồn khí Cá Voi Xanh vào NMLD Dung Quất; Đánh giá lựa chọn phương án tích hợp; Lên cấu hình phương án lựa chọn và đề xuất cơ chế ưu đãi, giá khí và lượng khí cần thiết để dự án có tính khả thi đầu tư.
 
Đại biểu tham dự hội thảo
Đại biểu tham dự hội thảo
Trên cơ sở sản lượng khí Cá Voi Xanh; hiện trạng, kế hoạch Nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất để từ đó đưa ra kết quả là: Xác định sản phẩm tiềm năng, đề xuất một số phương án sử dụng khí mỏ Cá Voi Xanh và đánh giá, lựa chọn phương án đầu tư. 
 
Mỏ khí Cá Voi Xanh nằm cách bờ biển miền Trung khoảng 100km về phía đông, do Tập đoàn Exxon Mobil làm nhà điều hành. Mỏ khí này có trữ lượng thu hồi tại chỗ ước tính khoảng 150 tỷ m3, là dự án khí lớn nhất tại Việt Nam cho tới nay.
 
Việc phát triển Dự án khí Cá Voi Xanh  sẽ cung cấp nguồn khí quan trọng để ổn định và phát triển khu vực miền Trung cũng như khả năng bổ sung năng lượng cho miền Nam sau này, tạo đà cho phát triển công nghiệp hóa dầu cũng như là động lực phát triển các ngành công nghiệp địa phương, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước, thêm động lực phát triển kinh tế địa phương và tạo nhiều công việc làm cho khu vực. Tổng sản lượng khí hàng năm khai thác khoảng 9 - 10 tỷ m3, trong đó dành khoảng 1 tỷ m3 để kết nối với Nhà máy Lọc dầu Dung Quất phục vụ chế biến sâu.
 
Tin, ảnh: PV
 

.