Hàng rào được tạo thành từ chuỗi phao cao su hình chữ V có khả năng thu gom và loại bỏ rác thải nhựa trên biển.
Mô phỏng hàng rào chắn dài 100 km được lắp đặt ở khu vực nhiều rác thải nhất của Thái Bình Dương. Ảnh: Ocean Cleanup. |
Theo New Scientist, hiện có ít nhất 224.000 tấn rác thải nhựa trôi nổi trên đại dương, trong đó bao gồm 9 triệu tấn nhựa từ những năm 1970. Xoáy rác thải nhựa khổng lồ xuất hiện ở giữa Thái Bình Dương là đối tượng của dự án Dọn sạch Đại dương (Ocean Cleanup) do một tổ chức phi lợi nhuận tại Hà Lan thực hiện.
Mục tiêu của dự án nhằm lắp đặt hàng rào chắn làm từ chuỗi phao cao su hình chữ V dài 100 km ở giữa Thái Bình Dương để thu thập rác thải nhựa. Rác thải bị đẩy về phía đỉnh chữ V, sau đó được thu gom lại và mang đi tái chế.
Một nghiên cứu về tính khả thi của dự án năm 2014 ước tính hàng rào như vậy có thể làm sạch nhựa tại khu vực xoáy rác chỉ trong vòng 10 năm với chi phí khoảng 400 triệu USD.
Hàng rào chỉ có thể thu gom nhựa trên mặt biển. Các nhà khoa học không biết chính xác có bao nhiêu nhựa đang trôi nổi trong lòng đại dương. "Chúng tôi không khẳng định hàng rào sẽ phát huy hiệu quả. Chúng tôi chỉ đang tiến hành thử nghiệm", Boyan Slat, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết.
Vào cuối tháng 6 tại Hague, Hà Lan, nhóm nghiên cứu công bố mẫu hàng rào thử nghiệm mới nhất của họ dài 100 m. Họ thiết lập hàng rào ở ngoài khơi bờ biển Hà Lan trong khoảng một năm để xem xét hiệu quả hoạt động của nó, cũng như khả năng chống chịu với dòng chảy đại dương và bão khu vực. Thử nghiệm tiêu tốn 3,3 triệu USD, nhưng 1/3 kinh phí được chính phủ Hà Lan hỗ trợ.
"Vài năm trước đây, thật khó tưởng tượng rằng chúng ta có thể làm sạch đại dương. Nhưng hiện nay, chúng tôi đang tiến hành thử nghiệm để làm sạch một phần không gian ở Biển Bắc", Sharon Dijksma, Bộ trưởng môi trường Hà Lan, phát biểu tại buổi lễ ra mắt dự án.
Theo Vnexpress