(Báo Quảng Ngãi)- Dù chỉ mới học đến lớp 9, không qua bất kỳ trường lớp nào về đào tạo cơ khí, điện nhưng những sáng chế của ông luôn có tính ứng dụng cao và đạt hiệu quả trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Đó là ông Nguyễn Ngọc Tứ (49 tuổi) ở thôn Phước An, xã Bình Khương (Bình Sơn).
Sinh ra trong gia đình thuần nông, lại đông anh em nên anh Tứ chỉ được học hết cấp 2 rồi ở nhà phụ giúp gia đình. Chia sẻ về niềm đam mê của mình, ông Tứ kể: “Từ khi còn nhỏ, tôi đã rất thích sửa chữa đồ dùng, máy móc trong nhà, cứ cái nào hư là lôi ra sửa, sửa chừng nào được thì mới thôi. Mà mỗi lần sửa thành công là thích thú lắm”. Từ niềm đam mê với máy móc và bản tính thích mày mò, ông Tứ quyết định gắn bó với công việc này. Ngoài thời gian làm đồng áng, ông nhận sửa chữa các đồ cơ khí, máy móc như máy dầu, máy nước… Ai gọi là ông mang thùng đồ nghề đến tận nhà để sửa.
Ông Tứ đang lắp ráp chiếc máy cắt tỉa cây cảnh do mình sáng chế. |
Thấm thoắt đã gần 25 năm, ông Tứ gắn bó với công việc sửa chữa, độ chế máy móc này. Từ niềm yêu thích máy móc, ông dần xem nó như “nghiệp” của mình. Ông luôn trăn trở và suy nghĩ để tìm cách độ chế, cải tiến máy móc sao cho phù hợp với việc canh tác nông nghiệp ở địa phương, giúp tiết kiệm nhân công, chi phí. Nhớ về chiếc máy đầu tiên cải tiến thành công, ông tâm sự: Nhà tôi có hơn 5 sào lúa, mỗi lần đến mùa gặt là vất vả lắm vì nhà chỉ có hai vợ chồng, con thì còn nhỏ quá. Thế nên tôi mới ấp ủ sáng kiến độ chế để có được máy cắt lúa, giúp hai vợ chồng bớt nhọc công và thu hoạch nhanh hơn.
Vậy là năm 2002, ông Tứ quyết định vào Sài Gòn để mua 3 chiếc máy cắt cỏ đời cũ của Nhật về nghiên cứu, độ lại để làm máy cắt lúa. Với suy nghĩ ban đầu là làm để gia đình sử dụng thử, nhưng kết quả hơn những gì anh mong đợi. Chiếc máy cắt lúa do anh độ chế lại hoạt động tốt và rất hiệu quả. Từ đó những người dân trong thôn, xã đến các huyện trong tỉnh tìm đến anh để đặt hàng loại máy này. Cho đến nay, anh Tứ đã bán hơn 700 chiếc máy cắt lúa với giá thành mỗi chiếc là 1,5 triệu đồng.
Trong quá trình sửa chữa, mày mò nghiên cứu, năm 2013 anh lại tiếp tục cải tiến, cho ra đời máy tỉa, lên luống hàng đậu, bắp với công năng là lấp và xới đất sau khi đã gieo hạt. Loại máy này hoạt động đơn giản, không tốn nhiên liệu, được ông Tứ bán với giá khá mềm, chỉ 300.000 đồng/chiếc. Chiếc máy này cũng đã mang về giải khuyến khích cho ông trong Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi lần thứ 8. Đến nay, ông đã bán hơn 200 chiếc.
Không ngừng sáng tạo, đầu năm 2015 ông lại cho ra đời máy cắt tỉa cây cảnh đường phân cách. Cơ duyên nảy sinh ra loại máy này cũng vô cùng ngẫu nhiên. Khi cách đây 2 năm, trong một lần vào TP.Quảng Ngãi, anh thấy các công nhân dùng kéo cắt tỉa cây xanh ở một con lươn trên đường phố và tốn rất nhiều thời gian nhưng đường cắt vẫn không chuẩn xác. Từ đó, anh về nhà trăn trở và “thai nghén” cho ý tưởng sẽ hiện thực hóa loại máy cắt tỉa cây đa năng, mang lại sự chuẩn xác nhất và tiết kiệm thời gian. Sau gần nửa năm nghiên cứu, anh đã thành công. Chiếc máy cắt tỉa cây cảnh này có hai lưỡi dao và được điều chỉnh linh hoạt, có độ bén, cắt vô cùng chuẩn xác. Ông Tứ cho biết, hiện giờ ông đã có một đơn đặt hàng loại máy này và trong thời gian đến ông sẽ tiếp tục nghiên cứu để chiếc máy này thêm hoàn thiện.
Quan sát từng động tác sửa chữa máy móc của ông, dễ dàng thấy được sự kỳ công, cẩn thận và dồn hết tâm sức vào đó. Có lẽ đối với những người thợ yêu nghề, thì máy móc, động cơ chẳng phải là vật vô hồn, mà có “sức sống” riêng của nó, chỉ cần cải tiến, sáng tạo một chút đã mang lại những sản phẩm ngoài sức tưởng tượng. Là khách hàng lâu năm của ông Tứ, ông Đoàn Văn Long ở xã Đức Chánh (Mộ Đức) cho biết: Tôi là khách “ruột” của anh Tứ hơn chục năm qua. Máy móc, đồ dùng gì về điện, cơ… anh đều sửa được. Đặc biệt, các loại máy tự chế của anh sử dụng không thua kém gì so với những nơi sản xuất khác”.
Chẳng cần bảng hiệu, nhưng mấy chục năm qua, cửa tiệm của ông Tứ luôn đông khách. Ông Tứ mong muốn, các loại máy mình cải tiến, sáng chế sẽ ngày càng được nhiều người ưa chuộng. Tin rằng, điều đó sẽ sớm thành hiện thực khi cậu con trai của ông đang học nghề cơ khí với dự kiến sau khi ra trường sẽ mở một cơ sở bán và sửa chữa cơ khí lớn.
Bài, ảnh: HIỀN THU