(Báo Quảng Ngãi)- Những năm qua, Báo Quảng Ngãi không ngừng đổi mới cả nội dung và hình thức, nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của bạn đọc. Trong đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào sản xuất báo in được xem là giải pháp mang tính đột phá. Dự án khoa học công nghệ (KHCN) cấp tỉnh: “Ứng dụng CNTT trong sản xuất báo in ở Báo Quảng Ngãi” đã mang lại nhiều tiện ích, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả trong công tác điều hành, xuất bản báo.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Trước đây, việc xuất bản báo in của Báo Quảng Ngãi chỉ giới hạn ở mức độ “thủ công”. Công tác quản lý xuất bản và phát hành chưa có phần mềm hỗ trợ quản lý các công đoạn làm báo. Vì thế, dự án “Ứng dụng CNTT trong sản xuất báo in ở Báo Quảng Ngãi” đã hình thành nên “Tòa soạn điện tử”, tạo được bước đột phá lớn trong việc điều hành hoạt động ở Báo Quảng Ngãi.
Quang cảnh Hội thảo KHCN cấp tỉnh Dự án “Ứng dụng CNTT trong sản xuất báo in tại Báo Quảng Ngãi”. |
Điều dễ nhận thấy khi ứng dụng “Tòa soạn điện tử” là việc cán bộ, phóng viên, nhân viên của Báo Quảng Ngãi dễ dàng tiếp nhận các thông báo cần thiết từ Ban Biên tập. Trước đây, mọi thông tin khi muốn triển khai đều phải dán trên bảng thông báo của đơn vị. Bên cạnh đó, số lượng công văn, giấy mời Báo Quảng Ngãi tiếp nhận mỗi ngày tương đối nhiều. Việc photocopy các văn bản rồi chuyển đến lãnh đạo cơ quan và các phòng gây tốn kém và mất nhiều thời gian. Thế nhưng, nhờ có “Tòa soạn điện tử”, chỉ đạo của Ban Biên tập và lãnh đạo các phòng dễ dàng được chuyển tải đến cán bộ, phóng viên, nhân viên thông qua hệ thống nhắn tin tự động.
Đối với các phóng viên của Báo Quảng Ngãi, do đặc thù công việc, thời gian ở cơ quan không nhiều. Đây là lực lượng thường xuyên đi cơ sở, đến các vùng sâu, vùng xa hay hải đảo để tác nghiệp. Do đó, quá trình tiếp nhận các thông báo, giấy mời tham gia các sự kiện, cuộc họp trực tiếp từ lãnh đạo phòng, Ban Biên tập nhiều khi chậm trễ. Nhiều nội dung không thể chuyển tải hết qua điện thoại, vì thế, buộc phóng viên phải trở về cơ quan, rất mất thời gian. Nay, thông qua “Tòa soạn điện tử”, những bất cập này đã được khắc phục. Phóng viên dù ở đâu cũng dễ dàng nắm bắt được chỉ đạo của Ban Biên tập thông qua hệ thống.
Đặc biệt, giải pháp quản lý báo chí xây dựng trên nền tảng ý tưởng biên tập trực tiếp trên phần mềm, trong đó các thông tin liên quan đến hoạt động nghiệp vụ được các bộ phận liên quan như các phóng viên, biên tập viên, Ban Biên tập dễ dàng “nhìn thấy” , đồng thời tạo thuận lợi rất lớn cho tòa soạn trong việc xuất bản. Ông Nguyễn Phú Đức - Trưởng Phòng Nội chính - Văn Xã - Xây dựng Đảng (Báo Quảng Ngãi), cho biết: Dù đi công tác xa ở bất cứ nơi nào thì Ban Biên tập, lãnh đạo phòng vẫn có thể chỉ đạo hoặc theo dõi, xử lý công việc thông qua hệ thống này. Hơn nữa, tất cả các ý kiến chỉ đạo của Ban Biên tập và các phòng trong cơ quan đều được lưu lại. Ngoài ra, hệ thống còn giải quyết được vấn đề lưu trữ, vấn đề đối chiếu sai lệch tin, bài qua các bước xử lý.
Xu hướng tất yếu
Ông Huỳnh Đức Minh - Quyền Tổng Biên tập Báo Quảng Ngãi, chủ trì dự án, cho biết: Việc ứng dụng CNTT trong công tác điều hành, tác nghiệp của Báo Quảng Ngãi có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đây là xu hướng tất yếu trong giai đoạn bùng nổ CNTT hiện nay. Dự án không chỉ tạo thuận tiện trong hoạt động của cơ quan mà còn góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính theo yêu cầu của Chính phủ.
Đây là bước đột phá trong áp dụng hệ thống CNTT để vận hành toàn bộ các quy trình trong sản xuất báo in, từ việc gửi bài của phóng viên về tòa soạn qua hệ thống mạng internet, đến các bước xử lý biên tập, duyệt xuất bản, chấm và chi nhuận bút, quản lý tư liệu… “Dự án được triển khai ứng dụng tại Báo Quảng Ngãi đem đến khả năng quản lý công việc rất khoa học, người sử dụng hoàn toàn kiểm soát được các luồng thông tin đi, đến. Sau khi triển khai hệ thống này, cơ quan đã tiết kiệm được rất nhiều thời gian và chi phí”, Quyền Tổng Biên tập Huỳnh Đức Minh nhấn mạnh.
Sau hơn một năm triển khai, dự án đã xây dựng và vận hành 9 sản phẩm KHCN; trong đó có 7 phân hệ phần mềm, gồm: Quản lý điều hành tác nghiệp báo chí, quản lý biên tập và xử lý tin bài, quản lý nhuận bút, quản lý ấn phẩm, tiếp nhận đơn thư và trả lời bạn đọc, quản lý công văn điện tử, quản trị hệ thống và 2 bộ tài liệu liên quan. Trong quá trình ứng dụng, dự án đã đúc kết được mô hình với đầy đủ cơ sở lý luận và thực tiễn để cho phép triển khai nhân rộng kết quả đến các cơ quan có hoạt động tương tự như Báo Quảng Ngãi. Có thể nói, Dự án “Ứng dụng CNTT trong sản xuất báo in ở Báo Quảng Ngãi” đã mở ra môi trường làm việc khoa học, hiện đại, đáp ứng tốt yêu cầu sản xuất báo in trong giai đoạn mới.