Bệnh viện Đa khoa tỉnh: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin

10:05, 23/05/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong một năm qua, nhờ triển khai thực hiện quản lý bệnh viện theo phần mềm Hsoft mà Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) cho người bệnh và người nhà bệnh nhân nhanh gọn hơn rất nhiều.

Mới đầu giờ làm việc nhưng những hàng ghế ngồi chờ đến lượt làm các TTHC như: Giấy xuất viện, thanh toán viện phí… ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã gần kín hết chỗ. Phấn khởi cầm trên tay giấy xuất viện của con trai, chị Nguyễn Thị Hoa (42 tuổi) quê ở xã Bình Nguyên (Bình Sơn) cho biết: “Sau khi điều trị 11 ngày ở khoa răng hàm mặt thì cháu nhà tôi được bác sĩ cho xuất viện. Hôm cháu ra viện là thứ 7 nên không thể làm giấy xuất viện trong ngày nên bác sĩ hẹn sáng thứ 3 đến nhận giấy xuất viện và giải quyết các thủ tục còn lại. Sáng nay đúng theo lịch hẹn, tôi đến nhận giấy xuất viện và được hoàn lại tiền đã đóng tạm ứng khi vào viện. Khi đến lượt, tôi chỉ cần đọc tên, mã số bệnh nhân của con là cán bộ sẽ đưa giấy xuất viện và hoàn trả tiền thừa. Mọi thủ tục được đơn giản hóa và làm rất nhanh chóng, tôi cảm thấy rất hài lòng”.

Việc ứng dụng CNTT đã giúp việc giải quyết các TTHC ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh nhanh chóng hơn.
Việc ứng dụng CNTT đã giúp việc giải quyết các TTHC ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh nhanh chóng hơn.


Trước đây, khi phần mềm Hsoft chưa được triển khai, mọi hồ sơ giấy tờ, TTHC đều phải viết tay hoặc in, photo thành nhiều mẫu làm mất nhiều thời gian, xảy ra nhiều sai sót, bất cập. Nhưng từ tháng 6.2014, khi phần mềm Hsoft được đưa vào sử dụng đã làm thay đổi hoàn toàn quá trình sao lưu, giải quyết các TTHC cho bệnh nhân và người nhà. Khi phần mềm được triển khai, người dân vào viện có nhu cầu khám, chữa bệnh, cấp cứu sẽ được cấp cho một mã số, mã số này sẽ theo người bệnh đến hết cuộc đời.

Thông qua mã số bệnh nhân, bệnh viện sẽ quản lý bệnh nhân chặt chẽ trong suốt quá trình điều trị từ lúc tiếp nhận cho tới lúc xuất viện, gồm: Tiếp đón, khám bệnh, thống kê báo cáo tình hình khám bệnh. Đối với bệnh nhân nội trú, bệnh viện sẽ theo dõi thuốc, viện phí, tình hình sức khỏe hàng ngày của bệnh nhân trong suốt quá trình nằm viện. Nếu như trước đây, bệnh nhân làm các TTHC để điều trị ngoại trú mất từ 1-2 ngày để hoàn tất các hồ sơ, giấy tờ thì giờ chỉ gói gọn trong 2 giờ đồng hồ. Việc chuyển tuyến, quản lý bệnh nhân cũng được thực hiện một cách rõ ràng, nhanh chóng.

Khi triển khai phần mềm, Bệnh viện mở nhiều lớp tập huấn để tập thể cán bộ, nhân viên có thể nắm tường tận cách sử dụng. Cùng với đó là ý thức trách nhiệm, sự cố gắng, tự trau dồi của từng cán bộ, CNVC mà chỉ trong một thời gian ngắn, mọi người đều đã sử dụng thành thạo phần mềm mới này. Bác sĩ Lê Văn Trị - Phó trưởng Phòng Kế hoạch-Tổng hợp, cho biết: Từ khi sử dụng phần mềm, các TTHC được giảm xuống rõ rệt. Nếu bệnh nhân tái khám hay vào viện lần 2, 3… thì chỉ cần đọc mã số của mình là chúng tôi có thể nắm rõ tình hình sức khỏe, tiền sử bệnh án. Điều đó không chỉ giúp giải quyết nhanh gọn, rút ngắn thời gian làm các TTHC mà còn giúp việc khám chữa, điều trị bệnh nhanh chóng, chính xác hơn. Nhờ phần mềm này mà không chỉ riêng người bệnh, người nhà bệnh nhân cảm thấy hài lòng trong việc làm các TTHC mà các cán bộ, CNVC ở bệnh viện cũng bớt phần áp lực và xử lý công việc một cách dễ dàng hơn.

Chị Trần Thị Minh Huyền, cán bộ phòng Kế toán – Tổng hợp cho biết: Trung bình một ngày, chúng tôi tiếp gần 200 lượt người làm hồ sơ, thủ tục. Nếu như trước đây hồ sơ, giấy tờ phải tổng hợp, viết tay rất mất thời gian và nhiều áp lực thì nay đã làm trên máy, chỉ cần nhập tên mã số bệnh nhân thì mọi thứ liên quan đến bệnh nhân sẽ được hiện ra. Chúng tôi không mất nhiều thời gian để giải thích cho người làm thủ tục và vấn đề sai sót cũng được hạn chế.  

Hiện nay, để tăng cường việc ứng dụng CNTT vào quá trình làm việc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã thành lập riêng một tổ gồm 9 kỹ sư tin học, chuyên phụ trách mảng công nghệ thông tin của bệnh viện. Họ trực tiếp hướng dẫn cách sử dụng phần mềm và khi có lỗi hay sai sót về mạng, máy tính, phần mềm thì các kỹ sư sẽ kịp thời kiểm tra, sửa chữa, giúp công việc trong bệnh viện vận hành một cách nhịp nhàng. Với mong muốn công tác CCHC ngày càng phát huy hiệu quả, trong thời gian tới, bệnh viện sẽ tiếp tục chú trọng đến việc đào tạo nguồn nhân lực. Song song với việc nâng cao trình độ chuyên môn thì ứng dụng và sử dụng các công cụ công nghệ thông tin của cán bộ, công nhân viên cũng được đề cao.

Bài, ảnh: HIỀN THU
 


.