Chiếc tàu thuỷ do người Việt Nam tự chế tạo lần đầu tiên vào thời vua Minh Mạng. Đây không chỉ là một thành công về mặt kỹ thuật mà còn thể hiện quyết tâm của nhà vua, quyết không lệ thuộc vào kỹ thuật của nước ngoài.
Hình khắc chiếc thuyền đi biển triều Nguyễn. Hình khắc chiếc thuyền đi biển triều Nguyễn. |
Tháo gỡ sự lệ thuộc về kỹ thuật
Vua Minh Mạng húy là Hiệu, lại có tên là Đởm, sinh ngày 23 tháng Giêng năm Tân Hợi (1781), là con thứ tư của vua Gia Long. Tháng Giêng năm Canh Thìn (1820), Hoàng Thái tử Đởm lên ngôi vua, đặt quốc hiệu là Đại Nam, niên hiệu là Minh Mạng. Khi đó nhà vua mới 30 tuổi.
Minh Mạng có tư chất thông minh, hiếu học, ham hiểu biết, vào những năm cuối đời ông lại quan tâm đến máy móc cơ khí.
Sử cũ ghi: Gia Long có trong tay mấy chiếc tàu chạy bằng hơi nước mua của người Pháp từ lúc còn tranh hùng với nhà Tây Sơn.
Bọn lái tàu và thợ máy đều là người Pháp. Họ cậy thế mình hiểu biết kỹ thuật hay lên mặt với quan quân Việt Nam. Khi vua Minh Mạng lên ngôi, các đạo dụ về cấm ngặt đạo Thiên chúa được thi hành triệt để khiến bọn này tức tối, yêu sách đủ điều. Trước mắt chúng dùng biện pháp kỹ thuật để gây trắc trở cho việc chạy tàu của ta.
Biết việc này vua Minh Mạng tìm mọi cách để tháo gỡ sự lệ thuộc về kỹ thuật này. Nhà vua đã khuyến khích công tượng Việt Nam tìm mọi cách học hỏi kỹ thuật lái tàu và sửa tàu, ai học được Vua sẽ ban thưởng rất hậu.
Không sợ tốn kém
Khoảng năm 1838, vua Minh Mạng chỉ thị cho Võ khố bắt chước tàu của Tây Dương chế tạo ra tàu cho Việt Nam dùng. Nhiều đại thần đã tìm cách khuyên can nhà vua vì rất tốn kém cho công quỹ. Minh Mạng phán: Mua tàu của Tây Dương cũng được, nhưng muốn khiến cho công tượng nước ta quen với máy móc, vì vậy chẳng nên sợ lao phí gì!
Thực hiện chỉ dụ của Minh Mạng, thợ thuyền trong công tượng chưa nhận thức được đầy đủ còn tự ti do dự. Minh Mạng đốc thúc liên tục song từ quan cho đến thợ không ai đứng ra nhận. Giữa lúc đó có một anh thợ rèn tên là Huỳnh Văn Lịch, người làng Hiền Lương xin dứng ra đảm nhận. Lập tức Huỳnh Văn Lịch được giao làm giám đốc xưởng.
Ông Lịch không biết máy móc nhưng rất giỏi nghề rèn, cùng cộng tác với ông có ông Võ Huy Trinh. Hai người phân công nhau điều khiển đám thợ rèn, thợ nguội triển khai dựa vào kiểu chiếc tàu để lại từ thời vua Gia Long.
Chẳng bao lâu sau, chiếc tàu đã xong giống y chiếc tàu của Tây Dương. Vua Minh Mạng đích thân ra sông Ngự Hà xem tàu chạy thử. Tàu vận hành tốt, tốc độ tàu không thua kém tàu của Tây Dương.
Vua Minh Mạng rất vừa lòng, lập tức ban thưởng cho hai ông mỗi người một chiếc nhẫn vàng và một đồng tiền vàng Phi Long hạng lớn, còn đốc công và binh tượng được thưởng chung một ngàn quan tiền.
Tháng 10/1839, nhà vua lại cho đóng thêm một con tàu lớn hơn nữa với mức tốn phí là 11.000 quan tiền. Người thợ rèn Huỳnh Văn Lịch đã trở thành người kỹ sư chế tạo máy đầu tiên của nước ta.
Theo Kiến thức