Câu lạc bộ internet nông dân: Chỗ nhộn nhịp, nơi đìu hiu

08:11, 21/11/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhằm giúp nông dân tiếp cận những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, từ năm 2009 đến nay, Hội Nông dân tỉnh không ngừng xây dựng và nhân rộng mô hình câu lạc bộ (CLB) internet nông dân tại các xã. Tuy nhiên, bên cạnh những CLB hoạt động hiệu quả, vẫn còn nhiều CLB chưa phát huy được vai trò của mình trong việc giúp nông dân tiếp cận với những thông tin bổ ích về trồng trọt, chăn nuôi, giá cả...  từ internet.

TIN LIÊN QUAN


Có thiết bị, nhưng yếu chuyên môn

Năm 2011, Hội Nông dân xã Trà Bình (Trà Bồng) đón nhận 2 máy vi tính bàn và 1 máy in do VNPT Quảng Ngãi phối hợp với Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ để phục vụ cho hoạt động của CLB internet nông dân tại xã. Ngay khi thành lập, CLB gồm 10 thành viên, chính quyền địa phương nhanh chóng chọn Trung tâm học tập cộng đồng nằm ngay trung tâm xã làm địa điểm truy cập để người dân thuận lợi trong việc đi lại. Những tưởng, CLB sẽ giúp bà con ở xã miền núi này tiếp cận được công nghệ thông tin, mở mang thêm các kỹ năng trồng trọt, chăn nuôi... Tuy nhiên, CLB chỉ hoạt động được một thời gian ngắn rồi “cửa đóng then cài”.

 

CLB internet nông dân Trà Bình luôn đóng cửa là điều bất tiện khi nông dân muốn truy cập internet.
CLB internet nông dân Trà Bình luôn đóng cửa là điều bất tiện khi nông dân muốn truy cập internet.


Lý giải nguyên nhân CLB hoạt động cầm chừng, ông Nguyễn Tấn Phương - Chủ tịch Hội Nông dân xã Trà Bình cho hay: “CLB có 10 hội viên nhưng chẳng có ai thành thục về internet, lại không được tập huấn nên không thể hướng dẫn cho nông dân khi họ đến truy cập. Hơn nữa, Trung tâm học tập cộng đồng hiện đã xuống cấp, có thời điểm hệ thống điện bị hư hỏng cả tháng trời, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của CLB”.

Khác với CLB internet nông dân ở Trà Bình, Hội Nông dân xã Trà Phú (Trà Bồng) chọn nhà của ông Võ Văn Nhụ - Trưởng thôn Phú Hòa làm nơi  truy cập. Tuy nhiên, vì ông Nhụ cũng không am hiểu về internet nên khi người dân cần hướng dẫn, tư vấn, ông cũng lắc đầu chào thua. Một bất lợi nữa khi đặt điểm truy cập internet tại nhà riêng đó là khi ông Nhụ đi vắng, thì địa điểm truy cập cũng phải đóng cửa theo.

Cần sáng tạo để thu hút

Điểm truy cập của CLB internet nông dân Đức Thạnh (Mộ Đức) đặt tại Nhà Văn hóa thôn Lương Nông Bắc lúc nào cũng đông người ra vào. Ghé thăm điểm truy cập này, chúng tôi bắt gặp anh Trần Quang Lộc đang tỉ mỉ lau chùi lại máy móc. Thi thoảng  anh lại quay sang hướng dẫn cách in tài liệu cho người nông dân đang lướt web ở máy tính bên cạnh. Theo ông Võ Văn Minh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Thạnh thì  anh Lộc là một thanh niên tật nguyền nhưng rất giàu nghị lực lại am hiểu về công nghệ thông tin nên được Hội Nông dân xã tín nhiệm, cho phép anh vừa buôn bán sim - card điện thoại vừa hướng dẫn cho nông dân cách thức truy cập internet.

Có anh Lộc túc trực nên CLB internet nông dân xã Đức Thạnh mở cửa suốt tuần, kể cả thứ 7 và chủ nhật. Hơn nữa, điểm truy cập là nhà văn hóa thôn, nên mỗi lần sinh hoạt, chi hội nông dân thôn lại tuyên truyền và trực tiếp “cầm tay” hướng dẫn cho hội viên. Nhờ những sáng tạo trong hoạt động, mà tháng nào CLB cũng đều đặn thu hút được từ 25 - 35 hội viên đến tìm tòi thông tin trên mạng về trồng trọt, chăn nuôi, thị trường...

Ông Nguyễn Đình Trọng - Trưởng ban Tuyên huấn Hội Nông dân tỉnh cho biết: “Hội Nông dân tỉnh thường xuyên kiểm tra 37 CLB internet nông dân để kịp thời chấn chỉnh, đôn đốc những CLB còn yếu kém. Tuy nhiên, cái khó nhất để thu hút nông dân đến với internet là nhiều nông dân chưa hiểu được tầm quan trọng của sử dụng công nghệ thông tin trong tiếp cận với những kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi”. Chính những khó khăn đó, nên tỷ lệ nông dân đến truy cập tại các điểm internet còn ở mức thấp. Tuy nhiên, ông Trọng khẳng định: “Nâng cao nhận thức, giúp nông dân tiếp cận với KHKT là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Vì vậy, trong thời gian đến, Hội Nông dân tỉnh sẽ tiếp tục mở rộng loại hình CLB này. Nhưng để làm được điều đó, đội ngũ cán bộ tại cơ sở phải nhiệt tình, năng nổ để hướng dẫn bà con nông dân”.


Bài, ảnh: Ý THU
 


.