Túi đựng nước mưa chống bão

02:10, 26/10/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Không muốn nhìn thấy cảnh bà con khổ sở mang bao cát lên mái nhà để chằng chống vào mỗi mùa mưa bão, anh Trần Kim Hiệp ở thôn Vạn Tường, Bình Hải (Bình Sơn) đã nảy ra ý tưởng chế tạo chiếc túi hứng nước mưa để giằng lên mái nhà. Nước mưa chảy vào túi “vô tình” trở thành những túi nước thay thế cho bao cát, giữ cho mái tôn khỏi bay khi có bão.

                        
Ba năm liên tiếp đoạt giải trong Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi, năm nay, người nông dân chân đất Trần Kim Hiệp lại tiếp tục mang đến Hội thi sáng kiến túi hứng nước mưa giằng mái nhà chống bão. Không mong “giật” giải cao, anh chỉ muốn thông qua cuộc thi này, phổ biến sáng kiến của mình để người dân trong tỉnh có thể tự làm nên những chiếc túi chứa nước mưa, bảo vệ nhà cửa.

Nảy ý tưởng nhờ… bão

Mỗi khi đến mùa mưa bão, người dân ven biển Bình Hải lại vất vả chống bão. Người dùng dây buộc lại mái nhà, người dùng bao cát, sỏi để giữ lại mái tôn phòng khi gió lớn... Công việc ấy rất vất vả và nguy hiểm, nhưng chỉ có thể hạn chế phần nào thiệt hại, chứ không thể đảm bảo hoàn toàn khi bão lớn. Như trận bão lịch sử năm 2009, mặc dù đã chằng chống nhưng nhà anh Hiệp vẫn bị thiệt hại nặng nề. Mái tôn bị gió tốc nên bay đi gần hết. Lui cui sửa lại mái nhà, anh Hiệp tình cờ phát hiện ra những tấm tôn còn sót lại có bạt nhựa phủ lên. Nhìn những vũng nước mưa đọng trên tấm bạt, anh Hiệp chợt lóe lên suy nghĩ rằng, phải tìm ra giải pháp gom nước mưa lại để chằng mái tôn.
 

Anh Hiệp tạo mưa nhân tạo để thử nghiệm công dụng chứa nước của túi.
Anh Hiệp tạo mưa nhân tạo để thử nghiệm công dụng chứa nước của túi.


Nghĩ là làm, anh Hiệp bắt tay ngay vào việc chế tạo túi đựng nước mưa bằng các chất liệu khác nhau. Từ túi nhựa, vải bạt…đến tấm trải sàn nhựa giả gạch hoa, anh đều thử qua. Sau khi cắt và dùng keo dán lại thành chiếc túi chứa nước, anh Hiệp sử dụng các cục hít kính gắn cố định vào các điểm của túi rồi dính chặt xuống mái tôn. Mái nhà luôn có độ nghiêng nhất định nên khi có mưa lớn, nước mưa sẽ theo các đường rãnh của tấm tôn để chui vào miệng túi. Lúc này chiếc túi có công dụng tương tự như những bao tải cát, giữ chặt mái tôn.

Giải pháp gần gũi, an toàn

Để chằng lại mái tôn, trung bình mỗi nhà cần từ 10 - 20 bao cát. Việc vận chuyển nguyên liệu lên mái nhà không chỉ tốn công mà còn tiềm ẩn nhiều hiểm nguy khi có cả khối cát lớn “treo lơ lửng” trên đầu. Anh Nguyễn Minh Đức ở thôn Phước Thiện, xã Bình Hải cho biết: “Không cần có bão, cứ sắp đến mùa mưa là tôi phải giằng lại mái nhà để khỏi tốc mái. Mang bao cát nặng bên người lại phải leo lên leo xuống. Biết là nguy hiểm nhưng vẫn phải làm để bảo vệ nhà cửa”. Vậy nên giải pháp túi nước mưa thay thế bao cát của anh Hiệp không chỉ giúp người dân bảo vệ được tài sản mà còn đảm bảo an toàn tính mạng. “Theo tính toán của tôi, một ngôi nhà cần khoảng 400kg cát. Việc mua cát, rồi dồn bao và vận chuyển lên mái nhà sẽ hao tốn nhiều công sức và tiền của. Thay vào đó, nếu ta sử dụng sản phẩm túi hứng nước mưa thì mọi việc sẽ nhẹ nhàng và đơn giản hơn”- anh Hiệp lý giải.

Thử nghiệm cho chúng tôi xem công dụng của túi đựng nước mưa, anh Hiệp sử dụng vòi nước để tạo mưa nhân tạo. Nước theo các đường rãnh của mái tôn nhanh chóng chảy vào miệng túi. Chỉ sau 15 phút, túi nước mưa đã căng phồng vì chứa từ 8 - 10 lít nước, nhưng vẫn bám chặt vào mái tôn. Cách làm túi đựng nước mưa khá đơn giản, ai cũng có thể dễ dàng làm được. Hơn nữa, tùy từng nhà mà mọi người có thể tự lựa chọn cho mình kích thước túi phù hợp. Mỗi chiếc túi đựng nước mưa chỉ tốn chưa đến 50 nghìn đồng nhưng có thể sử dụng được nhiều năm.

Mày mò, suy nghĩ cả tháng trời mới làm ra được chiếc túi đựng nước mưa thành phẩm, nhưng ai đến hỏi bí quyết, anh Hiệp truyền đạt lại ngay. Bởi với anh, chiếc túi đựng nước mưa mà anh vắt óc nghĩ ra không phải để kinh doanh, mà là để cho bà con ở vùng đất Bình Hải luôn phải oằn mình hứng bão có thể bảo vệ được mái nhà của mình.


Bài, ảnh: Ý THU

 


.