(QNg)- Khoa học và công nghệ có vai trò rất quan trọng trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, phát triển bền vững. Tại Hội nghị lần thứ 6, Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) mới đây tiếp tục ra nghị quyết về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế. Đây sẽ là đòn bẩy để Quảng Ngãi thực hiện mục tiêu đến năm 2020 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Lần đầu tiên tại thôn Phước Hòa, xã Đức Phú (Mộ Đức) có một trang trại chăn nuôi heo quy mô với diện tích gần 2ha, mỗi lứa thả nuôi trên 1.000 con heo. Đây là trang trại chăn nuôi heo của chàng thanh niên trẻ Nguyễn Văn Minh (32 tuổi). Những ngày này, Minh đang chuẩn bị xuất chuồng lứa heo thứ 2 trong năm, dự tính gần 120 tấn heo hơi. Với quy mô nuôi hơn 1.000 con heo, nhưng anh Minh chỉ tốn 4 công lao động. Bởi hầu hết các công đoạn nuôi, chăm sóc đều áp dụng tiến bộ kỹ thuật, như thức ăn được vận chuyển bằng xe đẩy, cho ăn bằng máng tự động, nước uống bằng vòi tự động.
Anh Nguyễn Văn Minh cho heo ăn bằng máng ăn tự động. |
Với số lượng heo như vậy nếu nuôi theo kiểu truyền thống, anh phải sử dụng 12 nhân công làm việc cật lực trong ngày. Anh Nguyễn Văn Minh chia sẻ: "Trại chăn nuôi heo của tôi dùng máng ăn tự động, nước uống tự động. Dưới nền chuồng thiết kế bể chứa nước cho heo tắm. Với quy trình chăn nuôi mới này ít tốn công, mang lại hiệu quả kinh tế cao".
Cánh đồng mía trồng trên đất gò đồi các xã Ba Dinh, Ba Tô, Ba Vì (Ba Tơ), Sơn Hạ, Sơn Thành (Sơn Hà) và một số xã ở huyện Minh Long là những cánh đồng mía cho năng suất khá cao (65 tấn/ha). Đây là kết quả của việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng trọt bằng việc đưa cơ giới hóa vào làm đất và bón phân thông qua dự án "Hỗ trợ xây dựng mô hình thâm canh tăng năng suất, chất lượng mía trên đất gò đồi theo hướng bền vững". Ưu điểm lớn nhất của phương thức trồng mía mới này là kéo dài thời gian thu hoạch. Nếu như trồng mía theo kiểu truyền thống chỉ thu hoạch được 2 vụ, thì với quy trình trồng này sẽ thu hoạch được 5 vụ mới trồng lại. Mỗi ha mía thu về 65 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, người trồng mía lãi khoảng 30 triệu đồng.
Ông Đỗ Tấn Lợi - Giám đốc Nhà máy Đường Phổ Phong cho biết "Căn cứ theo tinh thần Nghị quyết của Đảng bộ để giải quyết vấn đề cung cấp nguyên liệu chế biến, giải quyết đời sống cho người nông dân, Sở Khoa học & Công nghệ và các sở, ngành cùng với nhà máy đã nghiên cứu ứng dụng làm đất trên đất dốc để chống xói mòn. Trên cơ sở đó, Sở Khoa học & Công nghệ đầu tư kinh phí trồng mía trên đất dốc. Qua triển khai đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Đây là hướng ổn định vùng nguyên liệu mía cho nhà máy và đã tạo thu nhập cho nhân dân".
Huyện Mộ Đức là một trong những địa phương thành công trong việc chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa. Đến nay, trong số hơn 5.000 ha lúa ở huyện Mộ Đức đã có trên 3.000 ha lúa chất lượng cao. Năng suất bình quân luôn đạt trên 63 tạ/ha, so với năng suất lúa bình quân chung của tỉnh. Ông Ngô Tỵ - Phó Bí thư Huyện ủy Mộ Đức cho rằng: "Mộ Đức có diện tích canh tác khoảng 5.000 ha, để tập trung phát triển lĩnh vực này, Ban Thường vụ Huyện ủy tập trung chỉ đạo cụ thể thực hiện tốt các chương trình như chương trình lúa lai, chương trình lúa chất lượng cao, cánh đồng có giá trị trên 100 triệu đồng/ha.
Đồng thời, trong quá trình thực hiện, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo UBND huyện và các cấp chính quyền đẩy mạnh tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, nên những năm qua năng suất các loại cây trồng trong huyện tương đối ổn định. Điều đó chứng tỏ, huyện Mộ Đức rất chú trọng đưa khoa học công nghệ vào trồng trọt".
Việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ không chỉ bó hẹp trong phạm vi sản xuất nông nghiệp mà được áp dụng rộng rãi trong công nghiệp. Nhà máy sữa đậu nành Vinasoy là một trong những doanh nghiệp khẳng định được thương hiệu trên thị trường nhờ việc đầu tư, đổi mới công nghệ sản xuất. Ông Huỳnh Sơn Hải - Phó Giám đốc Nhà máy sữa đậu nành Vinasoy cho biết: "Việc đầu tư đổi mới công nghệ là vấn đề cực kỳ quan trọng đối với Vinasoy. Các sản phẩm sữa đậu nành của Vinasoy bảo quản 6 tháng không cần dùng chất bảo quản. Đó là sự đóng góp của công nghệ chất bảo quản. Cho nên đảm bảo tất cả các giá trị về dinh dưỡng cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm".
Khoa học và công nghệ đã đóng góp đáng kể vào quá trình phát triển kinh tế xã hội ở Quảng Ngãi. Nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nên đến nay năng suất lúa đạt bình quân 55 tạ/ha. Tỷ lệ đàn bò lai gần 50%, đàn heo đã dần được nạc hóa. Hình thành một số hợp tác xã chuyên sản xuất cây trồng, vật nuôi. Xây dựng được những cánh đồng mía lớn trên đất đồi gò.
Tỉnh Quảng Ngãi cũng đã khuyến khích cho công nghiệp ứng dụng công nghệ mới, công nghệ hiện đại vào sản xuất. Nhiều doanh nghiệp đã xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước và quốc tế. Những thành quả này chính là nền tảng để tỉnh tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học, công nghệ phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Bài, ảnh: Kiều Hoanh